Nhà máy "biến" thành nhà ở
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Công ty cổ phần chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội (Điện Hà Nội) tiền thân là Nhà máy Chế tạo biến thế (thành lập 1963) thuộc Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam.
Năm 2005, Nhà máy thực hiện cổ phần hóa với tên gọi mới là CTCP Chế tạo biến thế Hà Nội. Sau đó, tiếp tục hợp nhất với CTCP Thiết bị điện Hà Nội và có tên gọi như hiện nay.
Đất Công ty cổ phần chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội chuyển đổi sang dự án nhà ở.
Đơn vị này sở hữu 14.786m2 tại số 55 đường K2 (nay là đường Nguyễn Văn Giáp) Nam Từ Liêm, Hà Nội. Lô đất vàng này là đất thuê của Nhà nước, thời hạn 30 năm, thời gian bắt đầu thuê từ năm 2006.
Sau nhiều năm hoạt động sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, năm 2018, Điện Hà Nội có văn bản gửi Hà Nội đề nghị thực hiện dự án đầu tư. Cũng năm 2018 Hà Nội đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.
Theo đó, chấp thuận cho Công ty cổ phần chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội thực hiện đầu tư dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh. Quy mô dự án gồm: Công trình cao 30 tầng với 336 căn hộ chung cư, 25 căn nhà liền kề chiều cao 5-6 tầng. Dân số khoảng 1.230 người.
Hiện nay, dự án đang triển khai xây dựng toà nhà chung cư. Giá chào bán đợt 1 từ 45 triệu - 48 triệu/m2.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện quận Nam Từ Liêm xác nhận, dự án này được chuyển đổi mục đích sử dụng đất triển khai dự án theo phê duyệt của thành phố, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Tương tự đối với đất của Nhà máy ô tô Hoà Bình. Theo tìm hiểu của PV, năm 1994, TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhà máy ô tô Hòa Bình (thuộc Bộ GTVT) với tổng diện tích 61.643 m2 đất tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (nay là số 53 và 44 phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân).
Trong đó tại 44 Triều Khúc có diện tích là 6.098 m2, Hà Nội cho thuê để làm trụ sở làm việc và sản xuất kinh doanh. Nhưng đến nay, trải qua nhiều khâu chuyển đổi, diện tích đất trên đã hình thành toà nhà chung cư PCC1 Thanh Xuân với chiều cao 27 tầng.
Trên chỉ là 2 dẫn chứng trong số hàng loạt nhà máy, sau khi cổ phần hoá đã chuyển đổi mục đích sang nhà ở, thương mại và dịch vụ, "phủi" đi mục đích thuê ban đầu.
Quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất
Chia sẻ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 về sửa đổi Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động, nguồn lực để phát triển.
“Một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ. Do vậy, cần có cơ chế bịt lỗ hổng này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công (nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị) để quản lý, sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích…).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận