Xã hội

Chuyện nghề của những phóng viên điều tra

20/06/2022, 15:00

Mảng điều tra luôn được bạn đọc và cả xã hội đón nhận, quan tâm, nhưng đằng sau câu chuyện tác nghiệp của họ là điều mà không phải ai cũng biết.

Sẵn sàng dấn thân

Buổi sáng mới dự hội nghị, chụp ảnh, đưa tin hoạt động của lãnh đạo, khi trời chưa kịp tối đã lại mặc vội chiếc áo xe ôm công nghệ để bám theo một đội quái xế đi “bão đêm”.

Cho đến khi đội “bão” giải tán, tỏa đi các nơi, anh xe ôm vẫn tranh thủ dừng lại, ghi nhớ địa chỉ một lò độ xe chuyên nghiệp.

img

Phóng viên Báo Giao thông sử dụng flycam để ghi hình trong một lần tác nghiệp tại hiện trường.

Đó là câu chuyện được nhà báo Sơn Bình (Báo Dân trí) kể lại, khi còn đang công tác tại Báo Tuổi trẻ.

“Thời đó, chị Sáu bán trứng vịt lộn ngoài ngã tư Hàng Xanh thấy tôi tội nghiệp quá nên mới nói “chú ơi, tui thấy chú cũng có tuổi rồi, xe thì “ghẻ” muốn tuột cả xích, ham hố cái gì mà đi theo tụi nhỏ đua xe vậy chú?”.

Nhưng chị Sáu làm sao biết được anh xe ôm “ghẻ” kia là phóng viên Báo Tuổi trẻ.

Một ngày sau, tất cả các lò độ xe cho thanh, thiếu niên “đi bão”, gây mất an ninh trật tự bị công an thành phố xử lý triệt để.

Đầu năm nay, khi được phân công điều tra về tình trạng “cát tặc” trên các sông ở TP.HCM, việc đầu tiên các nhà báo của Báo Giao thông chuẩn bị là: Học lái ca-nô.

Chúng tôi học nghiêm túc và phân chia nhiệm vụ tác nghiệp cụ thể. Một người lái ca-nô, một người chụp ảnh và một nhóm rải dọc các bờ sông để bay flycam.

Chiều cuối tuần tháng 4, một nhóm 5 người bước xuống du thuyền mi-ni dưới bờ sông Sài Gòn để ngược dòng lên sông Đồng Nai thưởng ngoạn. Trong vai những dân chơi thực thụ với quần sort trắng, áo sơ mi hoa, các tài công sà lan trên sông nhìn thấy họ liền giơ tay vẫy chào thân thiện.

Ròng rã nhiều ngày, bất kỳ khúc sông nào ở miền Đông Nam bộ xuất hiện bến bãi của “cát tặc”, đều được ống kính của các “dân chơi” ghi lại.

Không thỏa hiệp với cái xấu

img

Để quay phim, chụp hình những bến bãi không phép, PV phải thuê cano hạng sang đi trên sông mới chụp hình được. Đội "ăng ten" của các chủ bến luôn canh me những thuyền, xuồng tiếp cận bến không phép nhưng khi du thuyền, ca nô hạng sang đi qua thì cánh "cò" này không cảnh giác

Nhà báo Thu Trang, báo Phụ Nữ TP.HCM là người có tiếng trong nghề viết phóng sự điều tra. Không chỉ tâm huyết với các chuyên đề xã hội như đường dây mua bán phụ nữ xuyên biên giới, thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội, giang hồ bảo kê chợ Long Biên… chị còn được biết đến với nhiều loạt bài điều tra về những doanh nghiệp có dấu hiệu “đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận”.

Gai góc trong nghề, trên mặt báo là vậy nhưng nhà báo Thu Trang của đời thường lại dung dị, bình dân. “Chính cái bình dân đời thường ấy của Thu Trang là tấm kính “chiếu yêu” tốt nhất”, nhà báo Kiên Trung, báo VietNamnet nhận xét về đồng nghiệp.

Nhà báo Kiên Trung được biết đến với loạt bài điều tra về đoàn “xe vua” chở than lậu Quảng Ninh năm 2014. Trung Kiên kể, khi thực hiện loạt bài ấy, không dưới chục lần giới anh chị sừng sỏ của đất cảng Hải Phòng và đất mỏ Quảng Ninh đánh tiếng “giá bao nhiêu cũng phải mua cho bằng được”.

Thế nhưng, tất cả hoạt động của đoàn xe ấy đã phải chấm dứt chỉ trong hai ngày hôm sau khi loạt bài đăng trên báo. Loạt bài ấy, Kiên Trung được chấm 200% nhuận bút, kỷ lục của báo VietNamnet thuở bấy giờ.

Thế nhưng, buổi chiều muộn hôm ấy, anh em thân tình uống vài ly bia cỏ kèm đĩa đậu lướt ván trên phố Quán Thánh, đồng nghiệp nhìn Kiên Trung không khỏi chạnh lòng. Anh gầy rộc đi và hốc hác vì nhiều đêm thức trắng bám đường.

Kỳ vọng một thế hệ nhà báo điều tra mới

Thoạt nhìn nhà báo Viết Đoàn (Báo Nhân Dân) trong bộ quần âu, áo sơ mi, giày da bóng lộn, nhiều người lầm tưởng anh là doanh nhân. Thế nhưng, nhà báo với mái tóc đã bạc quá nửa khi mới ngoài 40 tuổi, là cây bút viết điều tra kinh tế có tiếng.

Anh tự học về kinh tế và gần như có đam mê vô tận với thể loại điều tra kinh tế: Từ huy động vốn trên sàn vàng, phát hành trái phiếu, sở hữu chéo doanh nghiệp, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, anh học và viết như kiểu “bị đày” (lời anh nói).

Khác với các vai xã hội thuần túy, anh lịch lãm để ngồi với các giám đốc điều hành, nhân viên kiểm toán, môi giới sàn chứng khoán.

Trong một lần tiếp chuyện các nhà báo tại TP.HCM, chủ tịch HĐQT một ngân hàng phải thốt lên: “Tôi nghĩ ông Viết Đoàn không phải dân học báo chí. Ông này học ngoại thương hay kinh tế gì đó”. Trên thực tế, nhà báo Viết Đoàn được đào tạo báo chí chính quy.

Chia sẻ về nghề, nhà báo Viết Đoàn tâm sự, các nhà báo điều tra giai đoạn hiện nay không nhiều và tòa soạn nào cũng “khát” những cây bút có năng lực thực thụ.

“Không phải vì đã cạn đề tài hay cơm áo gạo tiền đè nặng. Cái chính là đời sống xã hội đang biến chuyển rất nhanh. Các vấn đề mâu thuẫn phát sinh nhức nhối trong xã hội cuối cùng vẫn hướng về lợi ích kinh tế, các phương diện tài chính.

Do vậy, thế hệ các nhà báo điều tra hiện nay cần học hỏi nhiều hơn và thực sự dấn thân để ứng dụng những kiến thức mình học được”, nhà báo Viết Đoàn nói và kỳ vọng sẽ có một thế hệ nhà báo điều tra mới, tiếp tục phụng sự bạn đọc với những tác phẩm thực sự lan tỏa, có giá trị.

Khi nhắc đến các nhà báo điều tra, nhiều người lầm tưởng về một vai trò đầy vị thế, được cung cấp thông tin sẵn có, tha hồ mà viết… Trên thực tế, mọi thứ đều chỉ bắt đầu từ giá trị… niềm tin. “Sẵn sàng dấn thân” là cụm từ diễn đạt trọn vẹn nhất cho hành trình các nhà báo điều tra khởi đầu một loạt bài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.