Y tế

Chuyện những bé sinh non "bé như con chuột" được chăm sóc đặc biệt

01/11/2019, 08:58

Nhiều trẻ sinh non tháng chỉ "bé như con chuột" đã ngoạn mục ngược dòng phát triển như bao trẻ khác nhờ sự chăm sóc đặc biệt của các y bác sĩ.

img
Nhờ được chăm sóc đặc biệt ngay khi chào đời, các bé sinh non phát triển bình thường như bao trẻ khác.

Chia sẻ tại Ngày hội trẻ sinh non ngày 31/10, PGS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho hay, mỗi năm bệnh viện chăm sóc 40 nghìn trẻ sơ sinh, trong đó có tới 6 nghìn trẻ sinh non.

Cuộc hội ngộ của trẻ sinh non

Trở lại BV Sản Hà Nội để hội ngộ cùng các gia đình đã từng có con sinh non tháng phải chăm sóc và điều trị đặc biệt nhân Ngày hội Trẻ non tháng, chị Nguyễn Thu Trang (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Một năm trôi qua mà em vẫn ngỡ như ngày hôm qua thôi. Em vẫn nhớ mãi suốt 4 tháng ròng, con được các y bác sĩ tại đây chăm sóc nuôi trong lồng kính. Hai bé sinh đôi ra đời khi mới được 27 tuần tuổi, mỗi bé nặng cân mốt, bé tẹo như con chuột, yếu ớt. Nếu không có sự tận tâm của các bác sĩ chắc gia đình không có niềm hạnh phúc như ngày hôm nay”.

Theo lời chị Trang, vợ chồng chị hiếm muộn. Cưới nhau mấy năm vẫn không nhận được tin vui. Hai vợ chồng quyết định can thiệp bằng thụ tinh nhân tạo, và may mắn sau đó mang song thai. Mặc dù luôn giữ gìn, thậm chí nghỉ làm ở nhà để dưỡng thai nhưng khi thai nhi mới chừng 27 tuần, chị Trang đã sinh non.

“Sau khi con sinh ra được các bác chuyển ngay sang khu chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng. Vì cơ thể các con chưa hoàn thiện nên suốt 4 tháng, các con được nuôi trong lồng kính, thi thoảng mẹ con mới được gặp nhau. Ngày các bác trao lại về cho gia đình chăm sóc, nhìn các con xinh xỉnh mà em bật khóc vì thấy mình may mắn và hạnh phúc quá”, chị Trang nhớ lại.

Hai bé sinh đôi Ngọc Hân, Gia Hân con chị Trang giờ cũng đã được 15 tháng tuổi. “Mỗi nhóc nặng chừng 8kg, nhỏ con nhưng trộm vía ít ốm vặt nên việc chăm con cũng đã vất vả hơn”, chị Trang cho hay.

Còn bé Gia Minh (gần 3 tuổi, Hà Nội) miệng líu lo hát hết bài hát “Bà ơi bà…” rồi sang “Chú mèo con…”. Anh Giang, bố bé Gia Minh cho hay, Minh là con thứ 3 trong gia đình, trước minh đã có chị và anh đều cách Minh khá nhiều năm. Ngày vợ phát hiện bầu bí, vợ chồng anh Giang thầm nhỏ “lộc trời cho”. Thế nhưng khi thai nhi mới chừng 28 tuần tuổi thì vợ anh trở dạ sinh con, bé Gia Minh ra đời nặng có 1kg và được chuyển sang khoa Sơ sinh chăm sóc đặc biệt vì non tháng, nhẹ cân. “Vèo cái cũng 3 năm, bao vất vả, khó khăn cũng trôi qua. Vợ chồng mình vẫn luôn ghi nhớ sự tận tâm của các bác sĩ nơi đây, chăm sóc cho Gia Minh có được như hôm nay”, anh Giang chia sẻ.

Ngọc Hân, Gia Hân hay Gia Minh là nằm trong số hàng nghìn trẻ sinh non mỗi năm được các y bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội chăm sóc đặc biệt, giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh lý mà trẻ non tháng phải đối mặt.

img
Tái khám cho một bé sinh non tháng đã được về với gia đình sau thời gian được chăm sóc đặc biệt

Gia tăng trẻ sinh non ở BV Phụ sản Hà Nội

PGS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho hay: “Nếu những năm trước, số trẻ non tháng chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng số trẻ được sinh ra tại đây thì năm 2019 này con số này đã vọt lên 15%. Có lẽ, cũng bởi các sản phụ đặt lòng tin, nên rất số sản phụ từ các tỉnh thành khu vực phía Bắc đã đổ về bệnh viện rất đông”. Khoa sơ sinh luôn quá tải với trung bình khoảng hơn 500 trẻ sinh non cần được chăm sóc, điều trị mỗi tháng.

Theo ông Ánh, chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân luôn là thử thách, bởi trẻ non tháng có hệ thống miễn dịch, các cơ quan chức năng trong cơ thể chưa hoàn thiện. Do vậy, trẻ rất dễ nhiễm khuẩn, sức chịu đựng của trẻ với thay đổi của môi trường cũng vô cùng kém, điều này đòi hỏi trẻ phải được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt 24/24 giờ, kiểm soát nghiêm ngặt các chức năng hô hấp, tim mạch, tiêu hóa…

Đặc biệt với những trẻ sinh cực non 7 tháng luôn được chăm sóc đặc biệt hơn, trẻ không thể tự thở, tự ăn hoặc tự giữ ấm được, nên trẻ thường được nuôi lồng ấp giúp cho trẻ duy trì thân nhiệt ổn định, theo dõi huyết áp, nhịp tim, hơi thở 24/24 để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nếu có. Trẻ được bổ sung dinh dưỡng bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch, thậm chí phải được máy hỗ trợ thở để duy trì sự sống… “Trẻ non tháng luôn được đảm bảo chăm sóc trong điều kiện y tế tốt nhất”, ông Ánh cho hay.

Thông thường trẻ sẽ được trở về gia đình chăm sóc khi các bác sĩ đảm bảo trẻ có thể tự bú, tự thở, thích nghi với môi trường. Tuy nhiên, qua trình chăm sóc sau đó của gia đình cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ để trẻ có thể phát triển bình thường, tránh những tổn hại không đáng có tới sức khỏe của trẻ sau này như giảm sút trí tuệ hay chậm phát triển thể lực...

Theo lưu ý của BS. Nguyễn Duy Ánh, nguyên nhân gây sinh non có nhiều, có thể từ những viêm nhiễm như viêm tiết niệu, viêm răng hay viêm âm đạo; cấu tạo cổ tử cung ngắn; cũng có thể là những stress trong cuộc sống… hoặc không rõ nguyên nhân. Do vậy, sản phụ nên phòng tránh từ các nguyên nhân nêu trên, đồng thời, nên chọn lựa một cơ sở chuyên khoa, uy tín đến theo dõi quá trình thai nghén.

Ông Ánh cũng khuyến cáo nếu có nguy cơ đẻ non, các sản phụ nên đến cơ sở y tế có đủ điều kiện chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng. Hoặc lỡ có sinh non ở tuyến dưới thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa từ tuyến tỉnh trở nên, nhằm giúp trẻ sinh non được chăm sóc đặc biệt ngày từ những ngày đầu đời, tránh để lại những hậu quả, di chứng của sinh non đối với trẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.