Canh cánh nỗi lo đảm bảo an toàn
12h00 trưa, chuyến tàu khách LP3 xuất phát ga Long Biên về đến ga Hải Phòng đúng theo lịch trình. Giữa trưa, khách vội vã xuống tàu, ra ga, chỉ khoảng sau 15 phút nhà ga trở lại vẻ tĩnh lặng trong cái nắng gay gắt mùa hè.
Phó trưởng tàu Mai Ngọc Thương làm tín hiệu an toàn cho tàu chạy
Trên sân ga, một phụ nữ dáng cao ráo, gọn gàng đang nhanh nhẹn dùng vòi xịt nước cao áp rửa thành ngoài các toa xe.
Quay về phía tôi, chị cười tươi: “Tàu về đến nơi, sau khi nhận bàn giao tàu xong với tổ bạn là toàn bộ tổ tàu chúng tôi bắt tay vào vệ sinh toa xe ngay để đảm bảo tàu sáng trong, sạch ngoài, còn đón khách đi tàu. Mỗi người mỗi việc xắn tay vào làm luôn cho yên tâm, rồi tranh thủ cơm nước sau”.
“Chị Thương là nữ Phó trưởng tàu khách phụ trách an toàn có thể coi là “của hiếm” của ngành đường sắt. Nghề này rất áp lực, yêu cầu công việc cao vì trực tiếp đến an toàn chạy tàu, nên số nữ nhân viên làm trưởng tàu trong toàn ngành chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Riêng chi nhánh có 3 người thì một người đã nghỉ việc, một người chủ yếu làm công việc tại chỗ, rất ít đi tàu. Chỉ có chị Thương hiện vẫn đang “chinh chiến” nhiệt tình. Năng nổ, chịu khó lắm”, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng cho hay.
Đến khoảng 14h00, chị Thương bắt đầu các công việc chuẩn bị cho chuyến tàu LP8 khởi hành tại ga Hải Phòng lúc 15h00: Nào là kiểm tra số toa xe, nào là trao đổi sổ liên lạc giữa tài xế và trưởng tàu; Nào là tham gia hội đồng thử hãm kiểm tra hệ thống hãm đoàn tàu xem có đạt yêu cầu không trước khi cho tàu chạy... Cứ vậy, tất bật như con thoi.
Sau khi đã hoàn thành các tác nghiệp đảm bảo điều kiện an toàn, chị đứng phía cuối đoàn tàu để quan sát tình hình hành khách trên sân ga. Đúng 15h00, nhận được lệnh của trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu khách, chị phất cờ làm tín hiệu với lái tàu cho tàu chạy.
Chuyến tàu từ từ lăn bánh rời ga. Chị lặng lẽ ngồi ở toa cuối đoàn tàu cập nhật sổ sách, thỉnh thoảng quan sát tốc độ đoàn tàu qua chiếc đồng hồ đo tốc độ để giám sát việc tài xế kéo tàu đúng tốc độ cho phép, không vượt tốc. Rồi căn ke giờ tàu sắp đến ga để làm tín hiệu an toàn.
“Là phụ nữ nhưng tôi không thấy công việc này quá sức, quá vất vả. Có điều tôi cảm thấy áp lực là với cơ sở hạ tầng đường sắt xuống cấp hiện nay, đầu máy, toa xe ít được đầu tư mới, đa số là cải tạo, nâng cấp thì nguy cơ sự cố, hỏng hóc hạ tầng, phương tiện là thường trực. Vì thế, tôi càng phải thường xuyên chú ý các vấn đề tốc độ, an toàn kĩ thuật dọc đường”, chị Thương cho biết.
Không chỉ đam mê mà còn là duyên, là nghiệp
Chia sẻ về áp lực khi đi tàu, chị Thương tự nhận, chị tính cách mạnh bạo, cũng xông xáo như đàn ông nên hai năm làm nhân viên toa xe, giờ làm Phó trưởng tàu khách phụ trách an toàn (trước đây gọi là trưởng tàu an ninh) được gần 4 năm, chưa bao giờ chị nề hà, ngại việc giải quyết tai nạn. Dù vậy, vẫn không khỏi ám ảnh.
Là Phó trưởng tàu khách phụ trách an toàn, chị Thương phải trực tiếp giải quyết các vụ tai nạn tàu va, đâm người qua đường sắt nhưng vẫn không khỏi ám ảnh. Ảnh: minh họa
Chị kể, ngay lần đầu tiên chị làm chức danh trưởng tàu an ninh, tàu đã không may đâm phải một nữ thanh niên ở khu gian Tuấn Lương - Lạc Đạo. Khi đó, khoảng hơn 8h00 tối, tàu đang chạy thì nghe thấy tiếng bánh xe nghiến ken két trên đường ray rồi dừng lại. Chị gọi điện cho tài xế thì biết tàu đã đâm phải người. Thế là chị và các nhân viên khác soi đèn pin đi tìm nạn nhân dọc hai bên đường tàu.
Khi tìm thấy nạn nhân, chị phải gọi điện đề nghị tài xế điều khiển đoàn tàu chuyển động về phía trước vài mét để đưa thi thể ra. Chị cũng chính là người kiểm tra cuối cùng trước khi bàn giao cho đơn vị mặt đất giải quyết tiếp.
"Những vụ tai nạn như vậy ám ảnh vô cùng. Nhưng rồi tôi cũng xác định, đã đi làm nghề này là phải chấp nhận, nếu sợ thì chỉ ở nhà, không làm được”, chị Thương kể, giọng nghẹn lại.
Chị tâm sự, có lẽ với chị, được làm nghề đường sắt là cái duyên, cái nghiệp, chứ không chỉ là đam mê. Vì đam mê thì nhất thời, nhưng đến giờ đã 39 tuổi, lại công tác trong ngành gần 20 năm nhưng chị vẫn yêu nghề lắm.
Có lẽ nhà ga, con tàu đã “ngấm” vào chị từ thuở thơ ấu. Nhà chị gần ga Hạ Long, trước bố chị làm trưởng tàu hàng tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. Nhà có 3 chị em gái nhưng chỉ có chị hồi bé hay được bố đưa đến ga chơi, rồi theo bố đi tàu hàng đến các ga, các tuyến. Tình yêu với nhà ga, con tàu đã được nuôi dưỡng từ những ngày đó, khi lớn lên, tốt nghiệp cấp 3 chị quyết định theo nghề bố, thi vào trường Cao đẳng GTVT, học kinh tế vận tải sắt.
Trên tàu, chị Thương cập nhật sổ sách, nhật ký đoàn tàu
Ra trường, chị về làm trực ban chạy tàu tại ga Cẩm Lý và ga Mạo Khê được 2 năm. Đây cũng là chức danh mà thường chỉ dành cho nam giới vì đặc thù, tính phức tạp và trách nhiệm cao. Sau đó, ngành có văn bản không bố trí nhân viên nữ làm trực ban chạy tàu nên chị được chuyển sang làm bộ phận khác ở ga Mạo Khê rồi ga Hạ Long, Cái Lân.
Sau khi sinh con thứ hai, chị và các con chuyển về Hải Dương ở với bố mẹ chồng, còn chồng vẫn ở lại Quảng Ninh công tác. Con thứ hai cứng cáp hơn chị xin chuyển công tác, về làm nhân viên phục vụ trên tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Rồi sau đó, xin thi chức danh trưởng tàu an ninh.
Chia sẻ về quyết định này, chị cho hay, chị rất yêu thích công việc liên quan đến chạy tàu nên khi có kì thi là chị đăng ký ngay. Mặc dù làm trưởng tàu an ninh lương không cao hơn là bao so với khi làm nhân viên phục vụ, khoảng 500-700 nghìn đồng/tháng, trong khi trách nhiệm, áp lực lại nặng nề.
“Tôi còn muốn phấn đấu làm trưởng tàu khách nữa, dù sẽ áp lực hơn. Nhưng tôi nghĩ, phụ nữ nếu phấn đấu được vì niềm yêu thích, đam mê của mình sẽ rất ý nghĩa, đồng thời khẳng định được bản thân, rằng mình không thua kém gì anh em đàn ông cả”, chị cười.
Nếu có gì còn băn khoăn, có lẽ là do tính chất công việc phải xa nhà thường xuyên, không giành được nhiều thời gian cho gia đình. Chồng làm xa, hai cô con gái, cháu lớn học lớp 8, đang độ tuổi “teen”, cháu nhỏ năm nay mới vào lớp 1, đều cần mẹ ở bên nhiều hơn.
Trong khi đó, thu nhập còn thấp. Những tháng thấp điểm như tháng 9, tháng 10, bình quân anh em tổ tàu thu nhập thực lĩnh chỉ khoảng 4 triệu/người/tháng. Tháng cao điểm như hè, tết, có thể thu nhập được khoảng 6-7 triệu/tháng. Nhưng đợt dịch diễn biến phức tạp năm 2021, không có tàu khách, toàn bộ tổ tàu của chị phải nghỉ không lương liên tục khoảng 8 tháng.
Thời gian đó chị làm cho một doanh nghiệp được 8 triệu/tháng, chưa kể thưởng. Nhưng khi đơn vị gọi về đi làm là chị trở về ngay. Tháng đầu đi làm lại, ít tàu, ít khách, nên lương chỉ được 2 triệu.
“Kể cả lương thấp, tôi vẫn muốn về đơn vị đi làm. May mắn tôi được gia đình hai bên ủng hộ, hỗ trợ. Quan trọng là tôi luôn cảm thấy gắn bó, đam mê, yêu nghề, vì thế cứ được làm nghề mình thích là vui rồi.”, chị Thương tâm sự.
“Phó trưởng tàu Mai Ngọc Thương trưởng thành từ quá trình làm nhân viên phụ trách toa xe. Chị rất năng nổ, nhiệt huyết, không ngại khổ, sẵn sàng học hỏi, phấn đấu, không chỉ trong công việc mà còn trong các hoạt động chung của tập thể. Với công việc của trưởng tàu an ninh, chị chỉn chu, cẩn thận, chắc chắn, nắm vững các quy trình, quy phạm nên chúng tôi rất yên tâm”, anh Lê Viết Trưởng, Trưởng tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận