Thông tin doanh nghiệp

Chuyện ở một doanh nghiệp sau 10 năm cổ phần hóa

23/02/2015, 13:59

Những năm gần đây Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) các DN trong toàn ngành.

821
Rải thảm mét bê tông nhựa đầu tiên đường  cao tốc Nội Bài - Lào Cai  
(Ngày 13/12/2012 tại gói thầu A7)

Những năm gần đây Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) các DN trong toàn ngành. Tuy nhiên từ hơn 10 năm trước đã có một doanh nghiệp thuộc “họ CIENCO” thực hiện CPH. Đến nay DN đã có bước phát triển vượt bậc.

Câu chuyện thành công tại Phương Thành - Tranconsin có thể được coi là một minh chứng về sự đúng đắn của lộ trình CPH các DN ngành GTVT. PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty.

5 bài học lớn

Trong thời điểm này các DN xây dựng công trình giao thông (CIENCO) mới thực hiện CPH, nhưng hơn 10 năm trước Phương Thành - Tranconsin đã “vượt cạn”. Theo ông, vì sao Công ty CPH sớm như vậy?

Năm 2004, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành lúc đó là Công ty xây dựng và dịch vụ GTVT, một doanh nghiệp đoàn thể trực thuộc Công đoàn GTVT VN. Giống như các công ty Nhà nước thời điểm đó, DN cũng gặp phải rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn, thiếu công trình, nguồn nhân lực thấp… Ban lãnh đạo DN nhận thấy nguồn vốn sở hữu cấp ít không đủ điều kiện để phát triển. Bên cạnh đó, xác định xu thế phát triển của DN là bám vào các công trình giao thông. Tuy nhiên, thời điểm đó các dự án sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước ít dần, các dự án lớn chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ADB, WB, JICA) mà DN trong nước khó tiếp cận được. Đồng thời, công ty cũng mong muốn được chủ động hơn nữa trong điều hành sản xuất, thay đổi tư duy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để quyết định hướng phát triển lâu dài. Chủ trương CPH các DN của Nhà nước như là một lời giải phù hợp và tâm đắc cho hướng đi phát triển lâu dài cho Công ty mà Ban lãnh đạo đã quan tâm thực hiện trong thời điểm đó.

Là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành thực hiện CPH, đến nay Công ty Phương Thành không chỉ đứng vững mà còn khẳng định vị thế là một thương hiệu mạnh trong xây dựng hạ tầng giao thông. Xin ông cho biết yếu tố nào quyết định thành công đó?

Từ thực tế 10 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, Công ty Phương Thành đã tạm đúc rút 5 bài học lớn:

Một là, phải xác định đúng phương hướng, xu thế phát triển, bám sát sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ GTVT và Công đoàn GTVT VN.

"Công ty của các đồng chí có vinh dự lớn là đơn vị đầu tiên của ngành Giao thông thực hiện chủ trương CPH doanh nghiệp của Chính phủ. Những kinh nghiệm của các đồng chí sẽ là tài sản quý báu cho toàn ngành trong việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ của công việc quan trọng này và khẳng định tính đúng đắn không thể đảo ngược của nó…”- trích thư của Bộ trưởng Đinh La Thăng nhân dịp kỷ niệm 10 năm CPH Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.

Năm 2004, Công ty cổ phần chính thức đi vào hoạt động thì ba năm sau, công ty chủ động đề xuất lên cấp có thẩm quyền thực hiện thoái phần vốn Nhà nước để được tham gia đấu thầu các dự án nước ngoài có giá trị lớn. Đầu năm 2014, công ty đã bắt đầu tham gia vào các dự án theo hình thức BOT, PPP… Đây là hình thức đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông để đa dạng hóa nguồn lực mà Bộ GTVT đang định hướng phát triển.

Hai là, chủ động tìm kiếm thị trường và xác định đúng hướng đầu tư. Lãnh đạo công ty đã luôn phải nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin dự án và tiến hành công tác đấu thầu một cách bài bản, chuyên nghiệp để tìm kiếm công việc cho Công ty.

Ba là, phải kịp thời đổi mới và tăng cường công tác quản trị DN; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý và thi công.

Bốn là, công ty luôn giữ uy tín và niềm tin đối với các bạn hàng, đối tác để xây dựng và phát triển thương hiệu. Trước hết phải có được lòng tin và uy tín của các chủ đầu tư bằng chính những sản phẩm của công ty.

Năm là, công ty luôn quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong công ty, coi con người là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của DN.

“Con đường đến tương lai”

Xin ông điểm qua những bước phát triển của công ty Phương Thành - Tranconsin với slogan “Con đường đến tương lai”?

Sau 10 năm CPH, với sự nỗ lực của toàn thể Ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên, Phương Thành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản lượng tăng hơn 12 lần (năm 2004: 107 tỷ đồng, năm 2014 hơn 1256 tỷ). Doanh thu tăng hơn 10 lần. Vốn điều lệ tăng vài chục lần, số lượng lao động tăng 6 lần (hiện nay 650 người), thu nhập bình quân năm 2014 đạt hơn 9,5 triệu đồng/ tháng, cổ tức 16%. Về uy tín, trình độ quản lý, công nghệ của công ty cũng có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, công ty đã làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất như xây dựng đường cao tốc, cầu đúc hẫng… và nhận được sự đánh giá, ghi nhận của các chủ đầu tư và cơ quan chức năng. Đặc biệt từ năm 2014, Công ty Phương Thành đã bắt đầu tham gia vào các dự án giao thông với vị thế mới: Nhà đầu tư của các dự án BOT trọng điểm.

Năm 2014 vừa qua, Công ty Phương Thành long trọng kỷ niệm 10 năm CPH và cũng là năm Công ty đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Phương Thành đã được tham gia nhiều dự án trọng điểm của đất nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa các dự án vào khai thác như: Gói thầu A5, A6, A7 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Gói thầu số 9 dự án mở rộng QL1 Thanh Hóa - Diễn Châu, Gói thầu số 7 Dự án XD đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, gói thầu số 14 Dự án xây dựng cầu Sáu Nạn - đường Hồ Chí Minh… 

Công ty đã đưa ra slogan “Con đường đến tương lai” với ý nghĩa: Xác định xây dựng công trình giao thông là ngành nghề cột sống của công ty. Phương Thành sẽ góp phần xây dựng những con đường, những cây cầu đi đến tương lai của ngành và đất nước, chính điều đó sẽ mang đến tương lai tươi sáng cho toàn thể CB-CNV công ty.

Xin ông chia sẻ những định hướng phát triển của Công ty Phương Thành trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, Ban lãnh đạo đã có 5 định hướng phát triển cho Công ty: Phấn đấu để trở thành một nhà thầu lớn trong ngành Giao thông, xây dựng những tuyến đường cao tốc, hạ tầng giao thông lớn trong cả nước. Quan tâm phát triển những ngành nghề phụ trợ như: Khai thác mỏ, sản xuất vật liệu, cấu kiện…

Ngoài ra, để thể hiện mong muốn đóng góp cho xã hội, Phương Thành sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển giáo dục.

Tổng công ty cũng sẽ tích lũy, huy động nguồn vốn và trở thành nhà đầu tư để tham gia các dự án xã hội hóa đầu tư như các dự án BOT, PPP… theo chủ trương của Nhà nước và Bộ trưởng Đinh La Thăng kêu gọi.

Chúng tôi cũng hướng tới việc xây dựng DN phát triển bền vững, có chữ tín đối với tất cả các đối tác trên cơ sở tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau và hài hòa lợi ích. Hợp tác với các DN nước ngoài để phát triển công nghệ, áp dụng vào thi công để nâng cao tiến độ, chất lượng công trình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.