Sáng 20/3, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống”.
Tại đây, bàn về trách nhiệm nêu gương, đặc biệt đối với những lãnh đạo cấp cao, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, nếu cán bộ cấp cao gương mẫu thì sẽ tạo động lực lớn và ngược lại, cán bộ cấp cao hành động xấu thì tác động ghê gớm, làm suy giảm niềm tin vào Đảng của nhân dân.
Việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao, theo ông Hà đã được tổng kết từ những bài học thực tiễn và có nhiều điểm mới.
Cụ thể, chúng ta đã có quy định xử lý kỷ luật với cả những cán bộ đương chức và nguyên chức, vì thực tế vừa qua có rất nhiều cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật nhưng vi phạm từ nhiều năm trước.
Ông Hà dẫn Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm đã đưa ra quy định xử lý có thời hiệu. Cụ thể, nếu hiện tại phát hiện ra sai phạm của cán bộ Đảng viên mà sai phạm đó đến mức độ khiển trách thì thời hiệu xử lý là 5 năm, vi phạm đến mức độ cảnh cáo thì thời hiệu 10 năm, sai phạm đến mức cách chức thì vẫn cách chức từ lúc cán bộ có sai phạm.
Lý giải quy định này, ông Hà cho rằng xuất phát từ thực tiễn trong thời gian dài, có những việc một số cán bộ có vi phạm nhưng đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu thì thường “hạ cánh an toàn”, có phát hiện ra sai phạm cũng bảo nhau “Thôi bác ấy chuyển đi rồi, hoặc nghỉ hưu rồi, nhẹ nhàng cho qua thôi”.
Chính vì vậy, vừa qua chúng ta đã xử lý hơn 60 cán bộ cao cấp, trong đó có nhiều cán bộ có sai phạm từ cách đây 5 năm, 10 năm.
“Chính chỗ này khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, vì thực tế có tư tưởng nghĩ còn 6 tháng nữa mình nghỉ hưu nên mình cứ ký đại, đề bạt đại, bổ nhiệm đại đi”, ông Hà nói và đánh giá quy định này là bước tiến trong xử lý, quản lý cán bộ Đảng viên.
Dẫn chứng cho thực tế tư duy nhiệm kỳ, "hoàng hôn nhiệm kỳ" và thậm chí là tranh thủ những "chuyến tàu vét", ông Hà nhắc đến vụ việc MobiFone mua AVG và nói, đây là “chuyến tàu vét” xảy ra trước khi khai mạc Đại hội XII chỉ 5 ngày, vì chỉ 5 ngày sau Đại hội XII sẽ là việc thay thế Bộ trưởng, thay thế bộ máy Chính phủ. “Đây là chuyến tàu vét nhưng may mắn là chuyến tàu vét này không được qua ga. Nhưng dù sao, đó vẫn là điều rất đau đớn”, ông Hà chia sẻ.
Trong khi đó, bình luận về quan điểm cho rằng việc xử lý kỷ luật Đảng viên vừa qua có một số nơi chưa nghiêm, nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí cộng sản không đồng tình.
Ông cho rằng chưa bao giờ việc thượng tôn pháp luật, thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng được nghiêm túc như bây giờ.
“Đây chính là cội nguồn của niềm tin. Không có niềm tin, chúng ta sẽ không có gì cả. Lòng tin là gia sản thiêng liêng, quý báu nhất của Đảng. Còn với quốc gia dân tộc, lòng tin là quốc bảo. Việc xử lý cán bộ của ta cũng như vậy. Kỷ luật của Đảng phải bình đẳng đối với mọi Đảng viên, dù Đảng viên giữ cương vị, trọng trách nào”- ông Nhị Lê nói.
Dẫn hàng loạt vụ đại án thời gian qua, ông Nhị Lê trích lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc xử lý cán bộ thì "không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không trừ một ai".
Theo ông Nhị Lê, nếu không giữ vững quan điểm này thì khó xây dựng Đảng vững mạnh, nó sẽ như con sóng vô hình làm xói mòn niềm tin của nhân dân, niềm tin của Đảng, gây ra hậu quả khôn lường. Vì thế trước hết phải nêu gương trong xử lý kỷ luật. Nếu Đảng viên vi phạm kỷ luật, đặc biệt Đảng viên giữ trọng trách cao thì phải xử lý nặng hơn bình thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận