Chồng là sĩ quan vận hành máy tàu SAR 412, vợ là Phó phòng Cứu nạn tại DANANG MRCC, dù làm việc cùng đơn vị nhưng vợ chồng anh Nguyễn Thế Anh và chị Phan Thị Kim Loan hiếm khi có cơ hội đón Giao thừa cùng nhau.
Tình yêu nảy nở từ duyên với nghề
Anh Thế Anh thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy móc trên tàu SAR 412 trong những ngày không đi cứu nạn
Những ngày cuối năm, khu vực miền Trung mưa liên tục, tranh thủ tàu không làm nhiệm vụ cứu nạn, anh Nguyễn Thế Anh (42 tuổi, quê Thái Bình) - sĩ quan vận hành máy tàu SAR 412 cùng các thủy thủ tất bật kiểm tra máy móc trong thời gian bảo dưỡng tàu.
Chị Loan kể, chị đến với nghề này như là một cái duyên. Lúc đăng ký thi đại học, chị có nguyện vọng thi ngành kinh tế nhưng lại… viết nhầm ký hiệu mã ngành hàng hải. “Tôi có một người bạn học cùng lớp, đăng ký nguyện vọng thi vào ngành Đại dương học - Trường Đại học Nha Trang. Khi xem chỉ tiêu tuyển sinh của trường, chúng tôi nói với nhau: Ngành Hàng hải không tuyển nữ đâu. Thế nhưng khi đăng ký, tôi lại ghi nhầm mã ngành hàng hải vào nguyện vọng của mình”, chị Loan nhớ lại.
Tốt nghiệp, chị Loan thực tập ở 2 đơn vị. Nhưng đến DANANG MRCC chị mới nhận ra đây là nơi chị phải gắn bó. “Ba tôi là ngư dân, lúc ông đang đi biển thì bị tai biến rồi qua đời. Chỉ 1 năm sau, tôi thực tập tại đây, mới thấy xót xa vì sao có đơn vị cứu nạn như thế này mà mình không biết”, chị Loan bộc bạch.
“Nhiệm vụ cứu nạn có thể đến bất cứ lúc nào, anh em phải luôn trong tâm thế sẵn sàng. Cả con tàu này cũng vậy, phải luôn trong tình trạng ổn định nhất để lên đường làm nhiệm vụ bất kể nắng mưa, giờ giấc”, anh Thế Anh nói.
Không chỉ các thủy thủ, Phòng Cứu nạn tại DANANG MRCC cũng luôn tất bật. Gần trưa, chị Phan Thị Kim Loan (39 tuổi, vợ anh Nguyễn Thế Anh) dán mắt vào hệ thống kiểm tra thời tiết, xem hành trình tàu thuyền… đảm bảo túc trực tiếp nhận kịp thời thông tin yêu cầu cứu nạn từ các tàu đang hành nghề trên biển.
“Dù không có tàu bị nạn, các thành viên tại phòng vẫn phải giám sát chặt chẽ tình hình tàu, thuyền để có phương án cứu nạn phù hợp khi có sự cố”, chị Loan nói.
Đó là công việc thường nhật của vợ chồng anh Nguyễn Thế Anh và chị Phan Thị Kim Loan. Nhắc đến vợ chồng anh, cán bộ DANANG MRCC đều biết đó là một câu chuyện tình yêu đẹp, họ đến với nhau một phần vì đồng cảm, hiểu được ý nghĩa công việc của nhau.
Quê tỉnh Thái Bình, anh Thế Anh tốt nghiệp ngành khai thác máy tàu thủy - Trường Cao đẳng Hàng hải 1 (Hải Phòng). Sau 4 năm đi tàu hàng, năm 2004, anh chuyển về công tác tại DANANG MRCC và được biên chế vào làm thủy thủ vận hành máy tàu SAR 412.
Còn chị Loan tốt nghiệp ngành hàng hải - Trường Đại học Nha Trang rồi về quê nhà Đà Nẵng, vào công tác tại trung tâm từ năm 2007 đến nay.
Hồi đó, chị và anh Thế Anh đều là đoàn viên thanh niên, có nhiều dịp sinh hoạt, gặp gỡ nên có cơ hội tìm hiểu nhau hơn.
Thấy cô gái gốc Huế là một người phụ nữ có tính tự lập, chịu khó, anh Thế Anh dần cảm mến, đem lòng thương yêu. Thời gian thấm thoắt, họ thành vợ chồng. Ba đưa con lần lượt ra đời, minh chứng cho tình yêu đẹp của 2 người.
Anh Thế Anh chia sẻ, do đặc thù công việc nên 2 vợ chồng cùng ca trực là chuyện bình thường, có khi một tuần 3-4 buổi cùng ca trực, ít có thời gian ở nhà cùng con.
Những lúc như vậy, anh chị gửi con cho ngoại và họ hàng chăm hộ. Các con anh cũng sớm hiểu chuyện, chỉ cần nói đi cứu nạn sẽ không đòi ba mẹ, tự học bài.
Ở trường, khi cô giáo ra đề tả về người thân hoặc công việc em yêu thích, các cháu thường tả về ba mẹ và công việc của ba mẹ.
“Làm việc cùng cơ quan nhưng 2 vợ chồng chưa bao giờ được đón Giao thừa cùng nhau. Tết mình thường đón Giao thừa cùng các con ở nhà, còn chồng thì đón Giao thừa ở cơ quan vì công việc của anh là phải luôn túc trực ở tàu. Năm vừa rồi, chị đón Giao thừa ở cơ quan thì chồng chị đón Giao thừa ở nhà”, anh Thế Anh chia sẻ.
“Yêu lắm, cũng lo lắm”
Chị Loan túc trực tại phòng Cứu nạn DANANG MRCC, sẵn sàng tiếp nhận thông tin tàu thuyền cần hỗ trợ trên biển
Quá trưa, chị Loan tạm ngớt việc, rời màn hình giám sát tàu thuyền. Chị nói, ngoài thời gian cả 2 được nghỉ thì việc liên lạc với nhau ở cơ quan rất ít, bởi anh Thế Anh làm bên bộ phận máy của tàu.
Chỉ bộ phận boong mới liên lạc với trên bờ. Mỗi lần anh đi cứu nạn, nếu gặp nhau ở cơ quan, chị sẽ dặn anh cẩn thận chứ không bao giờ gọi điện thoại hay tìm cách nhắc nhở vì thấu hiểu công việc của chồng, không muốn làm chồng phải bận lòng.
Trong ánh mắt của người phụ nữ chuyên nghiệp cứu nạn là sự can trường, rắn rỏi. Chị kể, thà không biết gì về công việc của chồng, chứ cùng một nghề, nắm từng lịch trình chồng theo tàu là mỗi lần bất an.
Chị nhớ, ngày 15/10/2016, mấy tàu hàng bị trôi dạt ở Quảng Bình do ảnh hưởng của bão. Tàu bị mắc cạn, lực lượng tại bờ và các lực lượng khác không thể tiếp cận tàu để hỗ trợ cứu nạn. Lúc đó, tàu SAR 412 được điều động đi làm nhiệm vụ. nhưng không thể tiếp cận được tàu hàng.
Anh Thế Anh cùng 2 đồng nghiệp phải lên xuồng cứu nạn để tiếp cận tàu hàng và cứu các thuyền viên.
Khi xuồng cứu nạn sắp tiếp cận tàu hàng bị sóng đánh úp. Cả 3 thuyền viên văng ra xa. Lúc đó, đang ca trực của chị Loan, thuyền trưởng báo về trung tâm là xuồng cứu hộ đã lật.
“Phân tích tình huống và số người trên tàu cứu nạn, tôi biết chắc chồng đã lên xuồng và gặp nạn. Chân tay tôi bủn rủn, tâm trí hỗn loạn nhưng cố hoàn thành các thao tác công việc cho nhiệm vụ cứu nạn”, chị Loan kể.
Một lúc sau, thuyền trưởng báo tin thứ 2 là các thủy thủ tàu cứu nạn đã bám được vào xuồng, được đưa về tàu SAR 412 an toàn. Lúc đó, chị và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm.
Có chồng theo nghề, chị Loan không ít lần thót tim khi mất liên lạc khi anh đi cứu nạn ở Hoàng Sa, tàu SAR 412 bị mất liên lạc do tàu nước ngoài phá sóng. Mọi người ở nhà đều lo lắng không yên cho đến khi tàu ra khỏi khu vực đó và liên lạc được với đất liền.
Còn với anh Thế Anh, đã không ít lần cùng anh em tàu cứu nạn cận kề cái chết. Như năm 2004, tàu Sông Thương gặp nạn tại Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế). Anh cùng đồng nghiệp băng sóng gió cứu được cả thảy 28 thuyền viên.
Giao thừa đặc biệt
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc MRCC DANANG cho hay, cứ dịp đầu năm mới, anh em thủy thủ đều tập trung trên tàu cùng nhau đón Giao thừa chứ không phải trong trụ sở cơ quan. Tại đây, các thuyền viên chỉ đón chờ khoảnh khắc năm mới, chúc tụng nhau vài câu rồi lại tập trung làm nhiệm vụ.
Theo ông Nguyên, đây không phải là nghi lễ, thể thức gì cả mà là tinh thần trách nhiệm. Bởi, tàu cứu nạn luôn luôn phải có người vận hành, kiểm tra máy móc, phòng chống cháy nổ… đảm bảo tàu luôn hoạt động tốt trong mọi thời điểm, sẵn sàng cho nhiệm vụ cứu nạn bất kể ngày đêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận