Romeo và Juliet của người Nùng, người Giáy
Câu chuyện tình giữa Romeo và Juliet của đại văn hào William Shakespeare từng khiến biết bao thế hệ rơi nước mắt và rung động thì ở vùng Tây Bắc của Việt Nam, cũng có một thiên tình sử đẫm lệ mà không người dân nào không biết, ấy là câu chuyện tình yêu huyền thoại giữa chàng Ba (người dân tộc Nùng) và nàng Út (người dân tộc Giáy).
Được chuyển thể từ kịch bản thơ cùng tên của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, “Chuyện tình Khau Vai” là chuyện về huyền tích đã hình thành nên một nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Ở đó, hai nhân vật chính là chàng Ba và nàng Út đem lòng yêu thương nhau, nhưng do hủ tục không cùng sắc tộc và đẳng cấp không thể lấy nhau, đôi trai gái bỏ trốn lên đỉnh Khau Vai để được bên nhau. Khi hai tộc xảy ra xung đột, cặp đôi trở về để báo hiếu cùng lời hẹn ước năm sau sẽ gặp lại ở đây. Rồi những biến cố xảy ra khiến nàng Út quyên sinh. Hàng năm vào đúng ngày hẹn, chàng Ba lại lên đỉnh Khau Vai nhớ về lời thề ước năm xưa.
Một câu chuyện về nét đẹp văn hóa của vùng Tây Bắc nhưng đáng nói là 90% diễn viên của vở là người miền Nam như: NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Lê Tứ, Võ Minh Lâm… Chỉ duy nhất nhân vật chàng Ba được đảm nhận bởi nghệ sĩ miền Bắc Quang Khải. Do đó, để các diễn viên có thể thấm nhuần văn hóa miền Bắc, ê-kíp đã phải có chuyến đi thực tế lên vùng Hà Giang xa xôi tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc, lối sống và con người nơi đây.
Nghệ sĩ Quế Trân tâm sự, đó là lần đầu tiên cô được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, trước đây cô chỉ biết đến qua sách vở, truyền hình. Ê-kíp cũng tới thăm đền thờ của chàng Ba và nàng Út. Bản thân Quế Trân nhìn tượng nàng Út cũng cảm nhận thông qua gương mặt và ánh mắt, đây là người con gái mạnh mẽ, kiên cường. Từ đó, cô có thêm tư liệu xây dựng hình tượng tâm lý cho nhân vật của mình.
Nghệ sĩ Quang Khải là diễn viên miền Bắc duy nhất trong vở nên anh phải tập ca tiếng miền Nam. Trong phiên bản năm 2013, anh từng đảm nhận vai chàng Ba nên lần này anh chỉ diễn lại. Tuy nhiên, áp lực này không nhỏ, vì anh chỉ có khoảng 20 ngày tập luyện cùng các nghệ sĩ. Anh chia sẻ: “Tôi phải chạy đua với thời gian, vừa tập cảm xúc lại tập giọng miền Nam”.
Người Nam lạ lẫm văn hóa Tây Bắc
Trong bản dựng lần này, “Chuyện tình Khau Vai” có những thay đổi để phù hợp với gu thưởng thức của khán giả miền Nam. Thay đổi một số câu hát, chữ trong kịch bản để khán giả miền Nam có thể hiểu được. Một số tuyến nhân vật được tô đậm nét hơn để có tổng thể toàn diện nhất. Nghệ sĩ tham gia vở đều là những gương mặt đình đám của làng cải lương hai miền.
Hơn 40 diễn viên đã được huy động để tạo nên một không gian vùng cao nhiều màu sắc, với những điệu múa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, những nét văn hóa đặc trưng của người Tây Bắc cũng được đưa lên sân khấu, từ bài dân ca Cao Lan, tới cúng tế, nuôi Mo trong nhà tộc trưởng… Sân khấu dù được thiết kế mang tính ước lệ nhưng khán giả vẫn có thể hình dung về một vùng Tây Bắc nên non cao với núi non trùng điệp, hoa ban, sương mây mờ ảo bằng những hiệu ứng ánh sáng, khói, phông nền. Điều đặc biệt với “Chuyện tình Khau Vai” là 2 suất diễn bán vé trong hai ngày 8 và 9/6 vừa qua tại Nhà hát Cải lương Trần Hững Trang (mức giá 200.000 - 500.000 đồng) dù không hoàn toàn cháy vé nhưng lại có nhiều khán giả đi xem lại. Đây là điều hiếm thấy với các vở cải lương chính kịch, nhất là bi kịch.
Sứ mệnh của cải lương là giáo dục thẩm mỹ, mang tới những nét chân, thiện, mỹ, vun đắp tình cảm cho con người cũng như hoàn toàn có thể phát triển văn hóa, du lịch.
Nghệ sĩ Quế Trân
Chưa tổng kết kinh phí nhưng theo Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam NSƯT Triệu Trung Kiên, chi phí cho vở diễn có thể lên tới hàng tỷ đồng. May mắn là hiện tại, đã có nhà tài trợ ngỏ ý đồng hành. Đây như một sự động viên cho tâm huyết của các nghệ sĩ để không chỉ đưa sân khấu cải lương thoát khỏi những khó khăn mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của đất nước. “Khi lên Hà Giang, chúng tôi cũng gặp gỡ các cán bộ trên đó, nhưng có lẽ để dùng nghệ thuật quảng bá cho hình ảnh, hoạt động du lịch của Hà Giang thì cần thời gian chuẩn bị. Dù chưa thể kết hợp với cơ quan chức năng nhưng chúng tôi cũng cố gắng mang một không gian văn hóa Hà Giang tới TP HCM, không chỉ qua vở diễn mà còn những đạo cụ, hiện vật trưng bày ngoài sảnh nhà hát”, NSƯT Triệu Trung Kiên tâm sự.
NSƯT Triệu Trung Kiên bày tỏ có thể thông qua hiệu ứng của vở diễn này, sân khấu Đại Việt sẽ có thêm những ý tưởng, đề tài khác để đưa thêm nhiều nét văn hóa khác nhau trên đất nước tới khán giả, để mọi người thấy sân khấu cải lương có thể truyền tải được mọi thứ.
Có thể nói từ trước tới nay, khán giả vốn quen thuộc cải lương với những đề tài cách mạng, lịch sử, gia đình… Bởi thế, “Chuyện tình Khau Vai” được xem như một món ăn lạ. Chính nghệ sĩ Quế Trân cũng tiết lộ, vở diễn này với khán giả miền Nam rất lạ, bởi lần đầu tiên họ được xem cải lương nói về văn hóa Tây Bắc, trang phục và sân khấu cũng mang đậm bản sắc văn hóa của một vùng đất dân tộc. Nhiều khán giả đã phản hồi rằng sau khi xem vở diễn, họ cảm thấy yêu nét đẹp của quê hương nhiều hơn và đã lên mạng tìm hiểu về mảnh đất và văn hóa của Hà Giang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận