Tập thể cán bộ, công nhân trong đoàn khảo sát 1992 chụp ảnh lưu niệm trên tàu Mỹ Á trước khi rời cảng Nhà Bè |
Đã 25 năm kể từ khi cuộc khảo sát khoa học đầu tiên ở đảo Trường Sa được thực hiện, ký ức về những ngày vượt sóng, dựng hải đăng, xác lập chủ quyền biển đảo quốc gia vẫn còn nguyên trong tâm trí ông Đặng Dong, nguyên Trưởng đoàn công tác khảo sát Trường Sa và những thành viên khác.
Trở về từ cõi chết
Nhớ về sự kiện ấy, ông Dong chia sẻ, từ năm 1992, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, một đoàn nghiên cứu khoa học gồm 55 kỹ sư, cán bộ thuộc 7 đơn vị đã lên đường khảo sát các đảo trong quần đảo Trường Sa trên con tàu mang tên Mỹ Á.
“Trường Sa bốn mùa sóng gió, thời gian biển yên để làm việc rất hạn chế (từ tháng 3 - 6 và khoảng 10 ngày cuối tháng 10 hàng năm). Do yêu cầu cần phải xây dựng hệ thống đèn biển, các cơ sở hậu cần phục vụ ngư dân đánh bắt ngay trong mùa biển lặng năm 1993 nên 17h ngày 17/10/1992, tàu Mỹ Á đã rời cảng Nhà Bè thực hiện sứ mệnh được giao. Vừa đến Vũng Tàu, đoàn nhận tin Trường Sa đang có bão lớn. Nhiệm vụ đặt ra cấp thiết, thời gian lại không có nhiều, bão này qua có thể lại có bão khác. Lãnh đạo đoàn quyết định ngược hướng bão, vượt biển thẳng tiến Trường Sa”, ông Dong nhớ lại. Ánh mắt vị chỉ huy Đặng Dong bỗng sâu dần như đang trở về sống với khoảnh khắc ấy.
"Đến tháng 5/2017, quần đảo Trường Sa có tất cả 9 đèn biển, hệ thống đèn xây dựng sau cuộc khảo sát năm 1992 vẫn hoạt động rất tốt, đảm bảo an toàn cho cả tàu đánh bắt cỡ nhỏ và vừa ở ven các đảo có diện tích nhỏ. Đồng thời, để đảm bảo các vấn đề liên quan đến khai thác kinh tế biển cho nhân dân, một âu tàu lớn đã được hình thành ở Trường Sa tập trung nhiều tàu thuyền, tạo điều kiện thuận lợi để bà con đánh bắt hải sản, trú bão." Ông Lưu Văn Quảng |
“Tàu càng tiến ra khơi, sóng càng lớn. Khi đi vào hải phận quốc tế, những con sóng cấp 7, cấp 8, có khi lên đến cấp 9, cao lừng lững 7 - 8m cứ thế đổ sầm đến gào thét. Lúc nhấn tàu chìm xuống, khi lại đưa tàu lên đỉnh sóng, con tàu chới với giữa biển khơi. Đoàn có 55 thành viên thì 53 người bị say sóng, nằm bẹp, lái tàu vừa lái vừa cầm xô nôn. Chỉ có đồng chí Đinh Xuân Thự (Cục Giám định) và y sĩ Nguyễn Bá Linh tỉnh táo nên phải lo tất cả mọi thứ, “bón” từng thìa thức ăn cho anh em”, ông Dong hồi tưởng.
Còn ông Lưu Văn Quảng, thành viên trong đoàn khảo sát (hiện là TGĐ Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc) nhớ lại: “Tàu chao đảo đến mức khi nhìn lên đồng hồ đo độ lắc ngang đã đạt 420. Đồ đạc bị gió quật rơi gần hết xuống biển, tất cả thành viên gần như sinh hoạt nằm. Có lúc, anh Đinh Xuân Thự đi giữa hành lang các phòng, nước lên đến lưng chừng cổ”.
40 tiếng dữ dội đầu tiên trôi qua, tàu Mỹ Á cập bến đảo chìm Đá Tây vào trưa 19/10. Ngay lập tức, bỏ qua những mệt mỏi, 55 thành viên bắt tay vào bảo dưỡng lại các thiết bị trên tàu, lập kế hoạch, khảo sát địa hình, lựa chọn vị trí xây dựng cơ sở hậu cần cho toàn bộ quần đảo Trường Sa. Sang đến ngày 25/10, thời khắc sinh tử đến một cách ngẫu nhiên và dữ dội.
Theo lời ông Quảng, đó là ngày đoàn đến làm nhiệm vụ ở Đá Lát, nơi cách đảo Đá Tây khoảng 35km, có chiều dài 7,2km, rộng khoảng 1,2km, quanh đảo là một vành đai cạn rộng 200-300m, giữa hồ sâu 6m. Do đặc thù khó khăn của địa hình, tàu Mỹ Á phải thả neo cách Đá Lát khoảng 500m, 14 thành viên trong đoàn được cử di chuyển bằng canô đến đảo và yêu cầu đặt ra phải hoàn thành công tác khảo sát địa hình trước 17h cùng ngày. Công việc hoàn thành đúng kế hoạch. Lúc canô rời nhà Lâu Bền quay trở về, chỉ còn 500m là đến tàu thì một bức tường sóng cao 2-3m vỡ tung, cả một khối nước khổng lồ ập xuống, nhấn chìm canô, 14 thành viên lênh đênh trên biển trong bầu trời nhá nhem tối.
Là một trong những thành viên tiếp cận tàu Mỹ Á đầu tiên, trong kí ức của ông Quảng: “Đó là sự cố tôi đã linh cảm được khi nhìn thấy bức tường sóng ở Đá Lát. Vì thế, đồ đạc mang theo được tôi buộc hết vào thắt lưng để đôi tay thoải mái phòng bất trắc. Canô lật, tôi liều mình ngược dòng bơi về phía tàu, chật vật qua con sóng lớn rồi chỉ khi nghe thấy tiếng người và ánh đèn hắt sáng tôi mới biết mình đã sống”.
“Một đêm dài, những người trong đảo bồn chồn, chỉ đến sáng hôm sau, khi thợ lặn đưa Trưởng đoàn Dong cùng anh Trung, anh Nhị, anh Hải ra tàu, không khí đau thương mới được giải tỏa. 14 anh em nhìn thấy nhau, ôm nhau khóc như người thân mới từ cõi chết trở về”, ông Quảng xúc động nhớ lại.
“Tôi chỉ kịp hô vào bộ đàm “Mỹ Á, chúng tôi chìm rồi, tất cả bơi vào đảo”, rồi mỗi người chọn một hướng bơi tự cứu lấy mình. Thời khắc ấy, sự sống “ngàn cân treo sợi tóc”, tôi cứ thế bơi về phía nhà Lâu Bền để cầu cứu sự giúp đỡ của bộ đội. Canô được huy động tối đa, chạy vòng quanh những khu vực xung yếu của đảo nhưng chẳng tìm được ai, ruột gan nóng như lửa đốt, bộ đội đưa cơm cũng chẳng buồn ăn, thầm nghĩ “đợi đầy đủ anh em mình sẽ ăn cả thể”, ông Đặng Dong hồi tưởng.
Với ông Đồng Văn Năng, thành viên thứ 10 được cứu lên tàu Mỹ Á trong tình trạng sức đã kiệt: “Sau 3 tiếng rưỡi chống chọi với sóng nước, được đồng đội dùng dây kéo lên tàu, việc đầu tiên tôi làm là nằm vật ra, mặt ngửa lên trời mà thốt lên: “Ối bu ơi, con sống rồi!”. Sau đó thì cảm lạnh rồi cùng anh em khắc khoải chờ những người còn lại”.
Đến ngày 6/11/1992, sau khi việc khảo sát cơ bản hoàn thành, Trưởng đoàn Đặng Dong đã quyết định đưa đoàn trở về đất liền trong một ngày mưa bão.
Dựng công trình trong bão biển
Hành trình khảo sát khó khăn là thế, nhưng kết quả khảo sát mang lại của chuyến đi không uổng phí và được áp dụng ngay vào việc xây dựng các đèn hải đăng trên đảo Trường Sa. Bước qua một chặng đường dài bằng phép cược tính mạng với “thần chết”, công tác khảo sát năm 1992 không những là cơ sở quan trọng dân sự hóa cuộc sống của ngư dân, góp phần giúp đất nước Việt Nam khẳng định chủ quyền độc lập và vững chắc tại 9 đảo nổi, 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.
Chuyến đi là tiền đề quan trọng cho sự hình thành hệ thống đèn biển, giúp ngư dân và các tàu nước bạn xác định được tọa độ dễ dàng, tránh mắc cạn, di chuyển thuận lợi giữa biển khơi với hàng loạt công trình: Đèn biển cấp I Song Tử Tây (1993); đèn biển Đá Tây (1994); đèn biển cấp I trên đảo Đá Lát (1994); đèn biển cấp III trên đảo An Bang (1995); cơ sở tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương thực, phao neo trú cho tàu thuyền trên vũng Đá Tây (1998); đèn biển cấp III trên đảo Tiên Nữ (năm 2000); tiếp theo là đèn biển trên các đảo: Trường Sa lớn, Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết.
Đã 25 năm trôi qua, những “chiến binh” trong chuyến đi bão táp năm 1992, một số người đã mất, một số đang đương nhiệm, một số đã về hưu sau những năm cống hiến cho ngành Hàng hải Việt Nam, song cứ đến ngày 25/10 hàng năm, tất cả anh em lại tề tựu tại Hội Trường Sa 92 để ôn lại những ngày sống chết có nhau, những ngày “bát cơm sẻ nửa”, những ngày “lặng người cùng nhau hi vọng sống” và những thành quả vang bóng khi nhìn về thực tại. |
Chỉ huy trực tiếp công trình đèn biển cấp I Song Tử Tây (1993) và đèn biển Đá Tây (1994), ông Lưu Văn Quảng cho hay, thời gian biển lặng để thi công rất ngắn, chỉ trong khoảng 3 tháng đầu năm Âm lịch. Ngày bắt đầu thi công đèn biển Song Tử Tây (17/5/1993), 56 công nhân được chia làm 2 lực lượng: Vận chuyển và thi công, do không có bãi tập kết nên hơn 4.000 tấn vật tư đưa tới là phải gùi, khiêng để lắp đặt ngay.
“Tất cả các thao tác đều dựa vào sức người, lương thực, vật liệu vận chuyển ra không tiếp cận được sát đảo, thế rồi lại huy động anh em ngâm mình trong nước, chân bước đi trên bãi san hô đưa canô ra lăn lộn đón từng mã hàng trong tình trạng gió quật, tàu lắc một phương, canô chòng chành lệch một hướng”, ông Quảng nói.
Thời điểm thi công móng đèn, để không bị chậm tiến độ, hơn 300 khối bê tông làm phần móng được trộn và thi công liên tục xuyên đêm hơn 24 giờ đồng hồ, người mệt lại vào nghỉ, người đói lại vào ăn, tất cả thực hiện công trình trong thời tiết gió lớn, sóng biển bập bùng. Lúc hoàn thành, ngoái lại nhìn nhau, từ cán bộ đến công nhân, ai cũng một màu da đen bóng, mái tóc hung hung như râu ngô, mặt hốc hác, gầy còm.
Đó cũng là chuỗi ngày thi công đèn Đá Lát do đồng chí Phạm Thanh Bình chỉ huy. Do đặc thù địa hình nên kết cấu đèn phải thiết kế thành 2 cấu kiện: Thân đèn bằng bê tông cốt thép trọng lượng 600 tấn, tháp đèn bằng thép ống mạ kẽm, chiều cao đèn 36m. Việc kéo sà lan chở kiện hàng siêu trường siêu trọng đã gian nan, đến ngày thi công hố móng, thi công vị trí để neo đậu sà lan và cần cẩu 600 tấn lại khó gấp ngàn lần khi phải thực hiện hoàn toàn trên đại công trường thủ công, tiến độ thi công phải tính theo nước thủy triều, mỗi tháng chỉ có 4-5 ngày nước lớn để sà lan và cần cẩu làm việc, nếu chậm trễ, việc thi công lại phải chờ nguyên một tháng trời.
“Thời điểm thi công xong cũng là lúc gió mùa Tây Nam nổi lớn, công nhân trở về trong lúc sóng biển đạt cấp 6, cấp 7, hiểm nguy rình rập đến tận phút chót của hành trình”, ông Dong cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận