Màn đêm buông xuống, thêm một ngày nữa của tháng 3 dần khép lại, đích thông xe chỉ còn cách chưa đầy 50 ngày. Lưng chừng núi Thần Vũ, tiếng máy móc trở nên dồn dập hơn. Những tổ công nhân thay ca từ 18h tối vẫn chưa ngơi tay, dù đôi phần thấm mệt.
Từ cửa hầm phía Bắc trở về căn phòng quây tôn chưa đầy 10m2 lọt thỏm phía cuối khu lán công nhân, kỹ sư Bùi Văn Toàn, Chỉ huy trưởng thi công hầm Thần Vũ thuộc Tập đoàn Cienco4 cởi chiếc áo bảo hộ đầy bụi bặm, khẽ đi ra phía bàn uống nước ngoài sân để không làm mất giấc ngủ của đồng nghiệp giường kế bên.
"Nhiều khó khăn lắm. Nhưng điều mình nghĩ không thể làm cũng gần đến đích", anh Toàn nói.
Tham gia phụ trách thi công 567m nhánh hầm trái phía Bắc, anh kể, nếu hầu hết công trình hầm khác, cửa hầm thường được mở dưới chân núi thì điểm xuất phát của cửa hầm Thần Vũ lại ở lưng chừng ngọn núi đi qua.
Địa chất thay đổi liên tục, đánh giá khảo sát chưa được chính xác, có những phân đoạn đánh giá là đá cứng, thực tế là đá dễ rơi.
Căng thẳng nhất là lúc đào đến đoạn giữa hầm (khoảng tháng 6/2023), nhiều công nhân tâm lý yếu nhất định không chịu vào gia cố vòm hầm khi tận thấy một số trường hợp đá rơi dù không có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra.
"Họ đúng khi yêu cầu đủ an toàn mới làm việc. Nhưng thế nào là an toàn tuyệt đối? Phải giải thích với họ thế nào đây? Với cương vị cao nhất ở hiện trường, tôi đứng ra làm biên bản cam kết nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", anh Toàn kể và cho biết, nhờ đó công nhân dần trở lại các vị trí thi công.
Các bước đào cũng cẩn trọng, tỉ mỉ hơn. Theo kế hoạch ban đầu, nếu thuận lợi, mỗi ngày nhà thầu đào được 3m nhưng địa chất khó khăn, tốc độ trung bình chỉ được khoảng 1m/ngày. Đến ngày 5/10/2023, phát mìn cuối cùng nổ an toàn, tất cả như trút được gánh nặng, chấm dứt chuỗi ngày nơm nớp, không biết rủi ro ập tới lúc nào.
Ông Võ Sơn Hải, Chỉ huy trưởng thuộc Công ty TNHH Hòa Hiệp cũng thừa nhận, thi công qua khu vực nền đất yếu là khoảng thời gian cân não nhất: "Có trường hợp anh em đang làm vòm, vừa lùi vài bước thì hòn đá to rơi xuống, may mắn là người không sao nhưng ước khoảng 10% nhân lực đã xin nghỉ sau đó vì quá sợ".
Địa chất yếu cũng là nút thắt từng khiến công tác thi công hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tuyến hầm dài nhất trong 6 hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1) phải liên tục dừng thi công trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 - 6/2023.
Ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho hay, địa chất ở ống hầm phía Nam phức tạp đến nỗi kết thúc bước đào, có những vị trí nước phun ra như "vòi rồng", thùng sơn 18 lít tràn đầy nước chỉ trong tích tắc.
"Khó khăn đó buộc chúng tôi phải lựa chọn: dừng thi công, chậm tiến độ hoặc đào tiếp hoặc chấp nhận rủi ro. Vừa làm vừa dò giải pháp, tiến độ đào hầm phía Nam bị chùng xuống. Nếu hầm cửa Bắc mỗi ngày đào được 3m thì phía Nam 3 ngày chỉ đào được 1m", ông Thắng kể và cho biết, Tập đoàn Đèo Cả đã tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hầm phía Bắc.
Bước đào được tính toán dài hơn, chu trình thực hiện được tối ưu. Nếu thông thường các bước là khoan, nổ, bốc xúc, gia cố, vận chuyển ra ngoài mất khoảng 24 giờ thì tất cả phải tăng tốc rút xuống 20 giờ. Trước đây, một chu kỳ chỉ khoan nổ được 100m3, thời điểm tăng tốc phải tính toán tăng thêm vài chục khối.
Khi hợp long, phía Nam đào được khoảng 350m thì phía Bắc đào được khoảng 1.800m thay vì mỗi đầu thi công đào một nửa chiều dài hầm như phương án ban đầu. Nhờ giải pháp đó, đến tháng 8/2023, hầm Núi Vung được đào thông.
"Nếu viết hồi ký, chắc tôi sẽ mất khoảng 6 tháng để kể về hành trình thi công tại cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo", vừa chầm chậm bước trên con đường dẫn về trụ sở ban điều hành, ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty đầu tư xây dựng 194 (Công ty 194) vừa thổ lộ.
Tiếp cận dự án từ những ngày đầu, ông Ngợi ấn tượng với khoảng thời gian thi công hai cây cầu vượt địa hình lớn nhất dự án. "Đây là cầu Km55+982", chỉ tay về phía trụ giữa cầu, ông Ngợi cho biết, thi công cọc khoan nhồi là hạng mục cực kỳ căng thẳng.
Ở khu vực này đều là đá cứng, thời gian đầu thi công, cách khoan thông thường chỉ làm được một lúc là gãy mũi khoan. Không dưới 5 đơn vị vào khoan được một cọc là bỏ, nhà đầu tư có trả thêm tiền cũng không làm tiếp. Mất đến 3 tháng loay hoay đủ các giải pháp, thành công mới đến với giải pháp sử dụng máy khoan lớn hơn, vòng tua cao hơn, mũi khoan đặc biệt hơn.
Với ông Trần Nam Trung, Tổng giám đốc Công ty 194, kỷ niệm đáng nhớ nhất là cây cầu Km60. Cây cầu nằm giữa thung lũng giữa hai ngọn núi cao. Theo biện pháp thi công được duyệt (lao dầm dọc), thời gian hoàn thành 1 nhịp phải mất 1 tháng, tức là sẽ mất đến 22 tháng để thi công 22 nhịp cầu và đến khoảng tháng 6/2024, cây cầu mới được làm xong.
Tối ưu tiến độ, Công ty 194 đã chuyển giải pháp lao dọc sang lao ngang. Nhà thầu đã mở rộng đường công vụ, đưa những nhịp dầm 60 - 70 tấn xuống khu vực trụ cầu, dùng hai cẩu loại 350 và 450 tấn nâng lên, tốc độ trung bình 3 ngày/nhịp. Nhờ đó, chưa đầy 18 tháng, cây cầu đã về đích, đáp ứng thời gian thông xe dịp 30/4/2024.
Táo bạo trong chuyển đổi giải pháp thi công cũng là hướng đi giúp Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tối ưu thời gian thi công 2/4 cầu vượt địa hình lớn nhất dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đứng trên cầu Thần Vũ 2 - cây cầu vượt địa hình dài nhất dự án (1.300m), Đại tá Lê Minh Đức, Giám đốc điều hành gói thầu XL2 cho biết, theo phương án ban đầu, việc thi công dầm, mặt cầu sẽ triển khai từ giữa ra hai đầu.
Quá trình thi công, nhận thấy đầu phía hầm Thần Vũ có chiều dài thi công lớn hơn, nhà thầu đã cải tiến phương pháp, tăng gấp đôi dây chuyền thi công thay vì chỉ một dây chuyền.
Những phiến dầm 70 - 80 tấn không vận chuyển trên đường mà được nâng lên từ bãi đúc phía dưới, dịch chuyển trên mặt cầu. Công suất làm việc tăng lên 5 nhịp/tháng so với 2,5 nhịp/tháng so với biện pháp ban đầu.
"Nếu không sớm tính toán, thời gian thi công có thể kéo dài thêm ít nhất 1,5 tháng nữa, tức là đến tháng 5 hoặc tháng 6/2024 mới hoàn thành. Với đặc điểm là cầu cao, dài, khối lượng lớn, ban đầu, cầu Thần Vũ 2 là công trình mà nhiều đơn vị không dám nhận", đại tá Đức cho biết
Ở cầu Thần Vũ 2, 346 cọc khoan nhồi với tổng chiều dài khoảng 6.000m thi công trên địa chất toàn đá là một thách thức rất lớn. Có những cọc dài 7m phải làm 7 ngày mới xong. Đó là lý do mục tiêu hoàn thành cọc khoan nhồi trong 6 tháng được đặt ra là điều không ai dám tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận