Phía sau 30km vượt núi bạt rừng là ký ức không thể quên của những người làm dự án.
Chuyến đi ám ảnh
Những xóm làng của đồng bào Cor mọc lên dọc hai bên tuyến đường, cuộc sống trở nên sung túc hơn
Đã gần 20 năm kể từ khi cùng đồng nghiệp lội suối, vượt rừng, cheo leo giữa non cao để vẽ hình hài tuyến đường Di Lăng - Trà Trung và giám sát thi công, những cán bộ, kỹ sư thuộc Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng ngành GTVT Quảng Ngãi (Ban QLDA) vẫn nhớ như in những kỷ niệm không thể nào quên.
Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Ngãi Đinh Tấn Dũng, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật của Ban QLDA nhớ lại, để có hướng tuyến, ông cùng các đồng nghiệp phải xẻ rừng, đánh dấu từng đoạn mốc trên các thân cây gỗ lớn.
Dù xác định chuyến đi sẽ rất gian nan, song không ai hình dung nổi đây là chuyến đi ám ảnh nhất cuộc đời.
Tuyến đường mở ra, bà con hai huyện như mở cờ trong bụng. Từ ngày có đường, nông lâm sản người dân làm ra, thương lái đến tận nơi thu mua, ai đau ốm thì đưa đến các trung tâm y tế cũng nhanh hơn. Không có hạnh phúc nào lớn hơn khi quê hương có những con đường huyết mạch được mở ra, thông thương thuận lợi, đời sống người dân dần ấm no."
Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Văn Tơ
Hôm đó là một ngày hè năm 2004, ông Dũng nhận nhiệm vụ đi khảo sát tuyến. Điểm dừng chân để cắt rừng tại xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà.
Theo chỉ dẫn của bản đồ và người dẫn đường, ông cùng các đồng nghiệp cuốc bộ leo qua từng ngọn núi. Đến xế chiều, mưa giông trút nước.
Để xuống núi tìm nhà dân trú qua đêm và sáng ra tiếp tục cắt rừng, họ phải đi ngược về hướng cũ khoảng 1km, trong đó phải “trượt” xuống một dốc núi dựng đứng cao khoảng 60m.
Ông Dũng bám cây bụi để bò xuống, nhưng chỉ được chừng 10m thì hai chân run lẩy bẩy, cố hết sức cũng không tài nào đi được.
Ông ôm lấy gốc cây rồi nói vọng với đồng nghiệp Nguyễn Phong (Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi hiện nay - PV): “Tôi có mệnh hệ gì thì anh và các anh em chăm sóc vợ con tôi với. Tôi đuối quá, nếu không may trượt chân thì là số mệnh”.
“Anh em ai cũng mệt lả, có người còn nằm vật ra nền đất… uống nước mưa. Trong khi bên dưới toàn đá tảng, chỉ cần một giây bất cẩn thì khó giữ được tính mạng. Vậy mà cuối cùng cũng ráng bám vào cây trượt lần xuống. Đến giờ tôi vẫn không thể hiểu vì sao mình qua được chặng đó”, ông Dũng tâm sự.
Những bữa cơm chan nước mắt
Tuyến đường không chỉ tạo điều kiện trong phát triển kinh tế, giao thương mà còn là tiền đề để các thế hệ người Cor, Hre đến trường thuận lợi
Cũng như ông Dũng, ông Trương Đình Hiếu, nguyên Phó phòng Kỹ thuật Ban QLDA chia sẻ, ông được phân công phụ trách dự án đường Di Lăng - Trà Trung. Cứ ngỡ khi được phân công về Di Lăng, nơi ông sinh ra mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Thế nhưng, khi bắt tay vào công việc mới biết có quá nhiều gian khó.
“Những tháng ngày ăn rừng ngủ núi để xây tuyến đường huyết mạch quá gian lao, thậm chí là ăn cơm chan nước mắt để làm đường”, ông Hiếu nói và chia sẻ, thời đó (năm 2006) mở tuyến đường này phải hoàn toàn làm mới và phải xẻ núi, bạt rừng.
Không thể nào hình dung hết được những khó khăn. Ở đầu tuyến còn gần nhà dân, nhưng đi sâu vào lõi rừng thì chỉ có cây rừng, chim, thú. Anh em cán bộ kỹ thuật, công nhân dựng lán trại giữa rừng để mở đường. Đêm xuống, mọi thứ mới thực sự đáng sợ, nhìn quanh quẩn chỉ là màn đêm tối mịt.
“Mùa nắng còn chịu được, nhưng mùa mưa thì muôn vàn thử thách. Mưa rừng khiến đất liên tục sạt, nền đường mới đắp xong bị cuốn trôi. Tối đến thì lều bạt tạm bợ, nhiều lần nửa đêm đang ngủ cả trại bật dậy vì mưa lũ tràn đến cuốn phăng mọi thứ”, ông Hiếu nhớ lại.
Khúc hoan ca giữa đại ngàn
Từ ngày tuyến đường được mở ra, giao thương giữa các huyện miền Tây Quảng Ngãi trở nên gần hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển
Nguyên giám đốc Ban QLDA Nguyễn Huyền Vũ kể, thời bấy giờ thiết bị cơ giới phục vụ công tác thi công hiện đại nhất cũng chỉ là các máy đào, máy lu và xe tải loại nhỏ chứ không được như bây giờ.
Điều kiện thi công, trang thiết bị quản lý dự án cũng khác nên đa phần anh em phải vừa tính toán trên giấy vừa căn cứ thực tế. Có điểm trên bình đồ nền đất ổn định, nhưng đào sâu lại gặp đá hoặc chân đất yếu dẫn đến sạt lở liên tục.
Máy móc không thể tiến đến được buộc phải làm thủ công. Có những lần nhà thầu thi công taluy dương dọc tuyến xong, sáng ra đã đổ sập, nền địa chất thiếu ổn định, cộng với mưa rừng nên làm xong lại bằng không.
“Có những đoạn làm cầu, làm cống trong mùa giông bão, lũ đổ về, hệ thống giàn giáo bị cuốn trôi. Anh em vừa làm vừa canh đủ thứ để bảo vệ tính mạng và bảo đảm chất lượng công trình”, ông Vũ hồi tưởng.
Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng chỉ hai năm kể từ ngày khởi công dự án (11/2/2006), tuyến đường Di Lăng - Trà Trung chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng kết nối các huyện vùng cao miền Tây Quảng Ngãi.
Tuyến đường có chiều dài 31km, mặt cắt ngang 7,5m, nền đường 5,5m, toàn tuyến có 18 cầu lớn được xây dựng bằng bê tông cốt thép và 220 cống các loại, tổng mức đầu tư 144 tỷ đồng
“Nhiều kỹ sư, cán bộ tham gia quản lý và công nhân thi công dự án bảo rằng, nhiều việc trong đời có thể lãng quên, nhưng ký ức những tháng ngày dầm mình nơi rừng sâu núi hiểm để mở đường thì không thể”, ông Vũ xúc động.
Khi mọi khó khăn dần đi qua, ngày những vạt dầu cuối cùng được thảm lên nền đường đoạn qua xã Trà Lãnh, cả công trường như vỡ òa trong hạnh phúc.
Nhiều người từng tham gia thi công dự án thở phào vì đã vượt qua được những thử thách mà trong đời khó bao giờ trải qua lần thứ 2. Họ ôm chầm lấy nhau, cười sảng khoái giữa đại ngàn.
Ngày nay, đi dọc theo tuyến, những xóm làng của người đồng bào Cor mọc lên ven lộ. Hàng quán bán buôn và phương tiện chở nông lâm sản về miền xuôi và hàng hóa từ miền xuôi chở lên miền ngược tấp nập.
Với nhiều người dân hai huyện Trà Bồng và Sơn Hà, tuyến đường Di Lăng - Trà Trung không chỉ có ý nghĩa lớn về giao thương. Con đường còn giúp bà con bên này và bên kia rừng Ca Đam có thể đến với nhau mà không phải chịu cảnh cách trở như trước đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận