Thi viết về GTVT

Ít tiền cũng dành dụm mở đường miền Tây xứ Nghệ

10/05/2023, 10:12

Năm 2015, thu ngân sách chỉ đạt 8.712 tỷ đồng nhưng tỉnh Nghệ An đã quyết định đầu tư hơn 2.773 tỷ đồng làm tuyến QL7C.

Con đường không chỉ rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại cho người dân, mà còn đánh thức tiềm năng cả một vùng miền Tây xứ Nghệ.

Bí thư Tỉnh ủy đi từng nhà vận động

img

Tuyến QL7C là một trong rất ít tuyến đường phát huy hiệu quả ngay sau khi đưa vào khai thác

“Trước đây, làm dự án đường giao thông, nhất là tuyến mới, không giống như bây giờ. Đầu tiên là khó khăn do nguồn vốn nhỏ giọt, phân bổ theo năm…”, kỹ sư Phan Công Kiên, Trưởng phòng Dự án 2, Ban QLDA Công trình giao thông Nghệ An kể lại quá trình triển khai Dự án đường giao thông nối đường N5 đến xã Hòa Sơn (Đô Lương).

Anh Kiên nhớ lại: Dự án có tổng chiều dài gần 28,5km, với tổng mức đầu tư lên đến 1.265 tỷ đồng, do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư. Giai đoạn đầu, do ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn bố trí chỉ đủ chi trả GPMB. Sau này, được tỉnh quan tâm, ưu tiên thu xếp nguồn vốn nên dự án mới có điều kiện để tăng tốc.

QL7C từ xã Hòa Sơn (Đô Lương) đến xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), được khởi công từ tháng 8/2015, gồm 3 dự án: Đường giao thông nối từ QL7A đến đường N5 có chiều dài 28,5km, do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, với tổng số vốn là 1.265 tỷ đồng. Hai dự án đường N5 và D4 trong KKT Đông Nam do Ban Quản lý KTT Đông Nam làm chủ đầu tư. Trong đó, đường N5 có chiều dài 6,9km, với tổng mức đầu tư trên 760 tỷ đồng, đường D4 có chiều dài 7,1km, với tổng mức đầu tư 748 tỷ đồng.


Khó khăn thứ 2 là GPMB. Dù được khởi công từ tháng 8/2015 nhưng do vướng công tác GPMB nên đến năm 2016 mới có đủ công địa để thi công đồng loạt. Và phải đến tháng 10/2016, địa phương cuối cùng mới bàn giao xong mặt bằng.

Nối liền tuyến đường này là dự án đường N5 và đường D4 do Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (này là Khu kinh tế Nghệ An) làm chủ đầu tư cũng được triển khai cùng thời kỳ.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng ông Phan Cảnh Thịnh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Khu kinh tế Nghệ An vẫn nhớ như in: QL7C do Ban quản lý Khu kinh tế làm chủ đầu tư gồm 2 dự án, là đường N5 và đường D4.

Riêng đường D4, do công tác bồi thường, GPMB quá khó khăn nên UBND tỉnh đã điều chỉnh quy mô đoạn từ Km 4+800 – Km 7 (nay Km 0 – Km 2, QL7C) từ B nền 56m về B nền 12m.

Việc điều chỉnh này ngoài phù hợp với nhu cầu thực tại và tình hình GPMB, còn để đảm bảo kịp thời cho việc vận chuyển của doanh nghiệp.

“Khoảng tháng 4/2017, dự án đã gần như thi công xong. Thế nhưng, trên tuyến vẫn còn 2 nút thắt là 2 cụm dân cư lớn ở xã Nghi Đồng, Nghi Thuận (thuộc đường N5) và xã Nghi Yên, Nghi Thiết (đường D4).

Để dự án về đích đúng tiến độ, Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ là anh Nguyễn Đắc Vinh đi xuống từng nhà vận động. Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng xuống hiện trường để đôn đốc, kiểm tra thi công từng mét đường”, ông Thịnh kể.

Học công nghệ mới, ngày đêm bám công trường

Kỹ thuật thi công mới cũng thách thức cán bộ, kỹ sư lúc bấy giờ. Theo kỹ sư Kiên, đây là dự án đầu tiên trên địa bàn làm kết cấu đá dăm gia cố xi măng 14cm và thảm bê tông nhựa 2 lớp có phụ gia Polymer.

Để làm chủ công nghệ mới, Ban đã phải cử cán bộ vào Đà Nẵng học hỏi, tham vấn kinh nghiệm từ dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi rồi đưa về ứng dụng ở Nghệ An.

Suốt quá trình triển khai, Ban cắt cử 1 phó giám đốc và toàn bộ nhân sự của 2 phòng dự án ngày đêm bám tuyến, bám công trường để cùng với tư vấn dự án, giám sát thi công giải quyết ngay các vướng mắc, chỉ dẫn kỹ thuật để nhà thầu thi công…

Nhờ đó, cả 3 dự án đã đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Riêng Dự án đường giao thông nối đường N5 đến xã Hòa Sơn đã về đích sớm hơn tới 6 tháng. Ngày 29/4/2017, các dự án vinh dự được đón Chủ tịch nước, cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành về dự lễ cắt băng khánh thành.

Nhà máy, xí nghiệp san sát dọc đường mới

img

Từ khi có tuyến đường QL7C, các nhà đầu tư, doanh nghiệp ồ ạt về đầu tư xây dựng nhà xưởng, khu chế xuất ở các cụm công nghiệp dọc hai bên tuyến

Khoảng 10 năm về trước, Đô Lương vẫn là huyện khó khăn của tỉnh Nghệ An. Dù có nhiều tiềm năng nhưng vì giao thông cách trở, nên kinh tế mãi không bứt phá được.

Giao thông ở Đô Lương vốn lệ thuộc vào 2 trục đường là QL7 và QL15. Thế nhưng cả 2 tuyến này đều mang tính cục bộ địa phương, bề rộng chỉ đủ 2 làn xe cơ giới, có chỗ có đoạn đã mãn tải, không đảm bảo an toàn.

Cự ly kết nối tới các trục phát triển kinh tế như Khu Kinh tế Đông Nam, TP Vinh, QL1, cụm cảng Cửa Lò, Nghi Thiết... còn dài, chủ yếu chạy theo hình vòng cung nên không thu hút được đầu tư phát triển.

Năm 2017, tuyến đường N5 đưa vào sử dụng, chỉ vỏn vẹn 5 năm nhưng toàn bộ huyện Đô Lương nay đã “thay da đổi thịt”. Sau nhà máy xi măng, các nhà máy may liên tục mọc lên, đời sống người dân thay đổi từng ngày. Từ một huyện lị nhỏ bám ngã ba QL7 và QL15 nay không ngừng đô thị hóa…

Trong khi đó, dọc tuyến N5, đoạn qua địa phận huyện Nghi Lộc, Khu Công nghiệp WHA giai đoạn 1 đã chật kín các nhà máy, xí nghiệp. Giai đoạn 2 dù đang được đầu tư, xây dựng hạ tầng nhưng đã có doanh nghiệp ký kết thỏa thuận đầu tư…

Kỹ sư Phan Công Kiên khẳng định, tuyến đường N5 – Đô Lương (QL7C) sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả to lớn về mọi mặt.

Đầu tiên là đã rút ngắn thời gian di chuyển. Trước đây người dân các xã Trù Sơn, Hiến Sơn (Đô Lương) xuống TP Vinh, cả đi lẫn về mất tới 1 ngày, nay rút ngắn chỉ còn 1 buổi.

“Tuyến đường đã mở toang cánh cửa, đánh thức tiềm năng phát triển khu vực miền Tây xứ Nghệ, vùng Bắc thượng Lào. Đầu tiên là kết nối Nhà máy xi măng Đô Lương (sau này là Xi măng Sông Lam) với Cảng chuyên dụng Vissai Nghi Thiết (Nghi Lộc).

Để rồi, hàng năm Tập đoàn Xi măng The Vissai đem về cho ngân sách cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Tuyến đường cũng là tiền đề cho sự đầu tư tổng kho và cảng xăng dầu ĐKC, mỗi năm Tập đoàn Thiên Minh Đức đóng thuế cho tỉnh Nghệ An trên dưới 2.000 tỷ đồng.

Tuyến đường N5, cùng với các tuyến đường khác trên địa bàn đã góp phần không nhỏ vào việc đưa Nghệ An lên vị trí thứ 10 cả nước về thu hút FDI vào năm 2022”, ông Thịnh cho biết thêm.

Từ những lợi ích to lớn mà tuyến đường mang lại, năm 2022 tỉnh Nghệ An đã quyết định đầu tư thêm hơn 1.000 tỷ đồng để nối dài thêm 21,36km QL7C đoạn từ Hòa Sơn (Đô Lương) tới đường Hồ Chí Minh (huyện Tân Kỳ) và đoạn N5 từ QL1 xuống đến đường ven biển (Nghi Lộc).

Ông Phan Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ không giấu được niềm vui: “Sau khi hoàn thành, đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối với TP Vinh, cũng như với các Khu Công nghiệp Nam Cấm, WHA, cụm cảng nước sâu, cảng Cửa Lò… với Tân Kỳ, tương lai, tuyến đường sẽ kết nối với cầu Rỏi 2 và đường 2 đầu cầu (cũng đang được đầu tư). Từ đó mở ra triển vọng mới cho Tân Kỳ nói chung và 6 xã phía Bắc nói riêng – nơi đã được tỉnh quy hoạch khu công nghiệp 600ha”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.