Du lịch

Cơ cấu lại thị trường du lịch sau dịch, chú trọng hút khách ASEAN

15/12/2020, 15:29

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tính đến các thị trường gần như các nước Đông Nam Á, đã an toàn để mở cửa và đón khách.

img

Đoàn famtrip của Hiệp hội Du lịch Thái Lan khảo sát du lịch Khánh Hòa vào tháng 7/2019

Khách ASEAN tới Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, khách du lịch Việt Nam đến các nước ASEAN đạt gần 4,1 triệu lượt; trong đó nhiều nhất đến Thái Lan, Lào, Campuchia, và Singapore.

Nghiên cứu về thị hiếu của một số quốc gia trong khu vực như Campuchia nhiều năm qua rất thịnh hành tour du lịch đến Việt Nam kết hợp chữa bệnh, thăm khám sức khỏe. Người Thái lại thích biển và khám phá di sản. Du khách đến từ Indonesia hay Philippines lại rất mê y học cổ truyền bấm huyệt, điều trị bằng bài thuốc, cây thuốc của Việt Nam.

Cụ thể tại TP.HCM thống kê mỗi năm có từ 30.000 - 40.000 người nước ngoài đến khám và chữa bệnh, tuy nhiên chủ yếu là người Campuchia, Lào. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông của Công ty Du lịch TST travel khẳng định rằng, hầu như người dân Campuchia khi sang TP.HCM là nhằm mục đích khám chữa bệnh.

Trong khi đó, ẩm thực hấp dẫn, văn hóa đặc sắc, nhiều danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí và giá cả phù hợp là những yếu tố chính thu hút ngày một đông đảo du khách Thái Lan đến Việt Nam. Cùng với Đà Nẵng, nhiều điểm đến hấp dẫn nổi tiếng của Việt Nam như Đà Lạt - nơi được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, “xứ sở Trầm hương” Khánh Hòa, Phố cổ Hội An... đều trở thành thỏi nam châm hút du khách Thái Lan.

Trước sự bùng nổ của lượng khách Thái Lan đến Việt Nam, các hãng hàng không đã tăng cường tần suất chuyến bay, mở mới các đường bay nhằm kết nối những điểm đến hấp dẫn bậc nhất giữa hai nước như Đà Nẵng, Hà Nội, Cam Ranh, TP. Hồ Chí Minh với Bangkok, Chiangmai, Phuket và ngược lại.

Tuy nhiên nhìn lại năng lực cung ứng dịch vụ trong nước, các chuyên gia nhận định, sản phẩm du lịch nhắm vào dòng khách ASEAN lâu nay chưa được xây dựng một cách chuyên nghiệp, bài bản. Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, hầu hết họ xây dựng sản phẩm du lịch trọn gói chung cho tất cả các thị trường trong nước và quốc tế và các dịch vụ bán lẻ, rất ít sản phẩm dành riêng cho thị trường ASEAN.

Trong khi đó, phía cơ quan xúc tiến du lịch lại vắng bóng việc định hướng sản phẩm, điều tra xu hướng thị trường, cũng như kế hoạch quảng bá… trong khối ASEAN.

Cần cơ cấu lại thị trường khách và sản phẩm du lịch

img

Du lịch Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào khách đến từ thị trường Đông Bắc Á

Nhìn vào bức tranh thị trường khách du lịch đến Việt Nam cho thấy: Khách Đông Bắc Á chiếm khoảng 66,8%, ASEAN chiếm khoảng 11,3%, châu Âu chiếm khoảng 12% .

Từ kết quả trên, các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, du lịch Việt Nam đã quá phụ thuộc nhiều vào thị trường Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Một số thị trường khách châu Âu, châu Mỹ và đặc biệt ASEAN vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Điều này đòi hỏi cơ cấu lại, đảm bảo phát triển cân đối khách du lịch quốc tế đến từ nhiều thị trường. Theo đó, cần tăng tỷ lệ khách đến từ các thị trường còn chiếm tỷ lệ thấp như ASEAN, hoặc các thị trường xa như Tây Âu, Bắc Mỹ có thời gian lưu trú dài và chi tiêu cao...

“Việt Nam đang sở hữu những bãi biển đẹp nhất thế giới tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, những danh lam thắng cảnh như Huế, Hội An, Hạ Long, Ninh Bình, Sapa rất nhiều những vùng đất xinh đẹp, thu hút, đậm đà bản sắc văn hóa... Tuy nhiên, việc cần làm lúc này tìm cách đổi mới để các sản phẩm du lịch ấy thu hút hơn, du khách không chỉ tới một lần mà còn muốn quay lại nhiều lần sau nữa” Giám đốc điều hành Vietjet Đinh Việt Phương chia sẻ.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội, cho rằng: Bên cạnh việc tập trung khai thác thị trường khách nội địa, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, cũng cần phải tính tới những sản phẩm mới, phù hợp với bối cảnh. Trước mắt, Việt Nam có thể tính đến các thị trường gần trước như là các nước Đông Nam Á, các nước lân cận với Việt Nam đã an toàn và mở cửa đón khách.

Tương tự, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhấn mạnh, thị trường du khách quốc tế đến Việt Nam thời điểm này khá đặc thù, chủ yếu là khách ngoại giao, đi công tác... chúng ta có thể xem xét nghiên cứu thiết kế các tour cách ly phục vụ họ.

Nói về dòng sản phẩm du lịch hút khách trong mùa dịch Covid-19, ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Sun World Holding (Sun Group) cho rằng: Chính phủ, Tổng Cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền, phát triển những sản phẩm du lịch mới.

"Covid-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch. Theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái... hiện được ưa chuộng", ông Nam nhận định.

Ngoài ra, theo ông Nam, Việt Nam cần gia tăng trải nghiệm cho hành khách, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình "kinh tế đêm".

"Đây là giai đoạn thích hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm. Trước mắt nên thực hiện ở một số địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, thiết lập các khu mua sắm tập trung, đảm bảo chất lượng, gia tăng các dịch vụ giải trí, các show nghệ thuật, các loại hình ẩm thực về đêm...", vị Tổng giám đốc Sun Group nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.