Cần tạo ra môi trường để TP.HCM "lấy lại tinh thần"
Chiều này (30/5), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp Thứ 5, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhất trí với việc cần có cơ chế đặc thù cho TP.HCM vì sẽ tạo ra những khuôn khổ pháp lý riêng để địa phương phát huy được điểm mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội)
Song ông Cường cũng rất băn khoăn với câu chuyện Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói, một năm TP.HCM có hơn 500 văn bản xin ý kiến.
"Điều này thể hiện thành phố không còn một chút nào là năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm", ông Cường nói và cho rằng Nghị quyết mới cần tạo ra môi trường để TP.HCM "lấy lại được tinh thần".
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, trong dự thảo Nghị quyết có một số cơ chế được đánh giá đặc thù rất cần nhấn mạnh.
Đầu tiên là cơ chế thực hiện các dự án BT bằng tiền - 1 cơ chế hoàn toàn đúng với điều kiện phát triển. Bởi, thanh toán bằng đất như BT trước đây dẫn đến không ngang giá, dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng.
"Nếu làm tốt BT bằng tiền, dần dần sẽ có cơ chế Chính phủ đặt hàng các doanh nghiệp đầu tư vào nhiều công trình công, dự án công, các sản phẩm tạo ra được nhiều ngành nghề, tập đoàn mạnh", đại biểu Cường nói và kỳ vọng điều này sẽ trở thành cơ chế rộng khắp trên cả nước.
Thứ hai, ông Cường đề xuất mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư).
Theo đại biểu Cường, mô hình thí điểm đô thị TOD không chỉ riêng TP.HCM mà có thể áp dụng cho Hà Nội sau này để tạo nên đô thị văn minh, hiện đại.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)
Cân nhắc làm đường BOT chồng lên đường hiện hữu
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) thì cho rằng, không nên áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu.
"Điểm c, khoản 3, điều 4 của Dự thảo Nghị quyết có đề xuất việc này. Tôi cho rằng, với việc đề nghị hợp đồng BOT để nâng cấp đường hiện hữu thì chắc chắn xảy ra xung đột lợi ích. Bởi đường hiện hữu là đường rất đông phương tiện đi lại, khả năng thu hồi vốn cao. Tuy nhiên, người dân tham gia giao thông sẽ phải trả phí", ông Khải nói và dẫn chứng việc xung đột này đã từng xảy ra ở một số địa phương và không thể giải quyết được, buộc phải dừng thực hiện BOT.
Còn đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, dù trao cho TP.HCM những đặc thù tích cực trong 3 lĩnh vực là đầu tư, tài chính và đất đai, nhưng bộ máy của họ không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì những 3 nhóm cơ chế ưu đãi kia cũng không còn ý nghĩa.
Do vậy, ông Vân cho rằng, nên trao cho TP.HCM năng lực pháp lý trong việc tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương này.
"Các sở ban ngành có tính chất chuyên chính cần giữ nguyên; còn các sở ban ngành liên quan đến văn hoá, thiết chế kinh tế thì nên trao cho họ quyền năng động hơn, có thể tự tổ chức bộ máy cho phù hợp; quyền linh hoạt trong việc định đoạt tổng số biên chế. Làm được điều này mới tạo ra bộ máy vận hành phù hợp với năng lực của mảnh đất này", ông Vân lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Vân cho rằng, nên trao cho TP.HCM quyền phân cấp cán bộ mạnh hơn nữa.
"Ví dụ như Trung ương chỉ quản lý đến cấp trưởng, cấp phó ở những cơ quan trụ cột; còn cấp dưới như thường vụ nên cho TP.HCM tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước pháp luật", ông Vân nói và đề xuất, TP.HCM nên được quyền ban hành cơ chế chính sách nổi trội, thậm chí khác pháp luật hiện hành để thu hút nhân tài. Như vậy, T.PHCM mới có nhiều động lực để phát triển thực sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận