Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, tránh mâu thuẫn
Phát biểu tại họp tổ Quốc hội sáng nay (25/5), đại biểu Dương Văn Thái (Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang) nêu thực trạng, nguồn tiền có nhưng lãi suất cao nên các doanh nghiệp không vay, điều này rất khó cho đầu tư.
Hiện nhiều doanh nghiệp khó khăn, phải tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Thậm chí, có doanh nghiệp phải bán tài sản.
"Quan ngại nhất là doanh nghiệp nước ngoài mua tài sản của doanh nghiệp trong nước, sẽ gây khó khăn cho chúng ta trong chỉ đạo", ông Thái nói.
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang
Theo Bí thư Bắc Giang, hiện nay tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm xuất hiện ở từ Trung ương đến địa phương.
"Chính phủ đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, đề ra 10 giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách Nhà nước trong năm 2023. Quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh vốn đầu tư công, như Chủ tịch Quốc hội từng nói, nếu giải ngân vốn đầu tư công hết thì góp thêm 2% tăng trưởng", ông Thái nói.
Bí thư Bắc Giang cho rằng, cần phải có giải pháp quyết liệt hơn để phá bỏ lực cản của nền kinh tế.
Thứ nhất, cần xử lý dứt điểm những bất cập của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. "Tới quý II năm nay, đến kỳ đáo hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta xử lý vấn đề này thế nào? Nếu không tháo gỡ thì sẽ không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn chuyển sang cả vấn đề xã hội", ông Thái nêu vấn đề.
Lực cản thứ 2, theo Bí thư Bắc Giang, là cần khơi thông điểm nghẽn của dòng vốn đầu tư, trở thành chất kích thích để tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Ngoài ra, cần phải hoàn thiện thể chế, cơ chế để làm sao để đẩy mạnh được phân cấp, phân quyền; hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật làm sao cho đồng bộ, tránh mâu thuẫn, cùng với đó là xác định trách nhiệm.
"Vừa rồi những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ thì lại sinh ra thêm khó khăn, điểm nghẽn mới", ông Thái nói.
Ông Thái lấy ví dụ ở Bắc Giang, nếu tháo gỡ được các điểm nghẽn về đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất lúa, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy thì sẽ tạo ra sức bật tăng trưởng.
"Chuyển đổi đất lúa 10 héc ta hiện nay Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - môi trường mà ủy quyền, phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm thì tôi cho rằng chắc chắn sẽ rất tốt. Thứ 2 là cấp phép xây dựng của Bộ Xây dựng, thứ 3 là tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy", ông Thái nói.
Ông Dương Văn Thái cho rằng, tháo gỡ những vướng mắc này không khó, thẩm quyền của Thủ tướng và các Bộ ngành. Phân cấp mạnh về cho tỉnh cùng với đó là tăng cường kiểm tra và cá thể hóa trách nhiệm.
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đoàn Quảng Trị)
Doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính
Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, thách thức các quý tới là rất khó khăn bởi để đạt được mục tiêu chung 6,5% cả năm 2023, thì các quý tới phải đạt trung bình 7,5%. Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, giải quyết nhiều ách tắc, tháo gỡ nhiều khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nhận định, doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.
Thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ cố gắng tháo gỡ dòng tiền để doanh nghiệp có tiền trả nợ đến hạn, đóng thuế, trả lương cho nhân viên, dùng làm vốn lưu động... và tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính.
"Hiện nhiều địa phương chậm giải quyết các thủ tục hành chính khiến các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn. Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm lại việc giải quyết công việc. Đề nghị các đại biểu Quốc hội giám sát luôn ở địa phương mình, để các địa phương nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế", Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nói.
Đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định)
Giải quyết 2 khâu yếu nhất trong giải ngân vốn đầu tư công
Đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) thì cho rằng, hiện có 2 khâu yếu nhất trong giải ngân vốn đầu tư công, đó là khâu chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng.
"Các dự án từ khi cho chủ trương đến khi thực hiện, công tác chuẩn bị đầu tư chưa chặt chẽ, hiệu quả dẫn đến phải điều chỉnh, kéo dài thời gian, là một nguyên nhân lãng phí", ông Toàn nhìn nhận và cho biết: Khâu giải phóng mặt bằng cũng là một khâu khó, việc thực hiện chậm sẽ gây tác động kéo dài.
Để giải quyết 2 yếu kém này, ông Toàn cho rằng cần phân cấp, giao quyền cho các địa phương chịu trách nhiệm trong khâu chuẩn bị đầu tư dự án. Ngoài ra, cần nghiên cứu tách phần giải phóng mặt bằng của các dự án thành một dự án riêng để triển khai trước, giúp rút ngắn thời gian đầu tư.
"Cùng với đó, chính sách phải đồng bộ", ông Toàn nói và dẫn chứng hiện nay, triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua các tỉnh miền Trung, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị mỏ đất, mỏ cát phục vụ đầu tư tuyến đường cao tốc theo thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, các mỏ đất, mỏ cát phục vụ cho dự án tái định cư của người dân trong diện ảnh hưởng khi xây dựng đường lại không được làm theo thủ tục rút gọn mà vẫn làm theo thủ tục thông thường.
"Như vậy, phải 1 năm sau mới hoàn thành, trong khi, nếu không thực hiện được tái định cư lấy đâu nơi ở để di dời người dân, lấy mặt bằng để làm đường?", ông Toàn bày tỏ băn khoăn và cho rằng, chính sách không đồng bộ, chồng chéo sẽ khiến công việc bị kìm hãm, trì trệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận