Lạnh sâu, nhiều người nhập viện vì bệnh lý tim mạch
Theo TS. BS. Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mỗi ngày, tại các trung tâm tim mạch lớn trong đó có Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch. Chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó nhập viện và số lượng này tăng cao trong những ngày đông giá lạnh.
Lý do là về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp.
Bệnh nhân tim mạch nhập viện mùa giá lạnh
“Đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình, theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc”, BS. Tuấn Anh thông tin.
Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân mang tính chủ quan như việc tập luyện thể dục thể thao thường bị gián đoạn hoặc ngừng hẳn vào mùa đông. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tập thể dục đều đặn thì nguy cơ xuất hiện các biến chứng bệnh tim mạch nặng trong lúc tập đã giảm đến 50 lần so với những người lười vận động. Hơn nữa, có đến 90% các biến cố bệnh tim mạch thường xảy ra trong khi nghỉ ngơi, chứ không phải lúc đang vận động.
Mùa đông cũng là lúc không khí ô nhiễm nặng hơn, bởi gió mùa đông bắc tràn về, nhiệt độ thấp làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm khó phát tán lên cao. Dù chỉ tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn thì người bệnh tim mạch cũng có thể bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và suy tim...
Kiểm soát huyết áp phòng bệnh tim mạch ngày lạnh giá ra sao?
Thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là lạnh sâu như hiện nay là nguy cơ cao đối với người có bệnh nền, nhất là bệnh tăng huyết áp. Thời tiết lạnh sâu làm cơ thể phản ứng bằng cách co mạch gây nên tình trạng tăng huyết áp phản ứng.
Bên cạnh việc uống thuốc đều, giữ ấm và hạn chế hoạt động ngoài trời nếu thời tiết quá lạnh, người có bệnh tăng huyết áp cần bình tĩnh khi đo huyết áp thấy chỉ số quá cao nếu không có triệu chứng gì bất thường như: đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, tê bì..., khi đó nên nằm hoặc ngồi nhắm mắt thư giãn, hít sâu, thở ra chậm, thư giãn hoàn toàn.
Người bệnh cần đo lại huyết áp sau 1-2h, không đo huyết áp liên tục, không vội vàng uống thuốc hạ áp quá nhiều. Nếu sau một thời gian huyết áp chưa ổn định, nên đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều chỉnh huyết áp bằng các biện pháp y tế chuyên sâu hơn.
Để phòng tránh các bệnh tim mạch trong mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.
Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.
Theo BS. Tuấn Anh, với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể sẽ không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Tóm lại, mùa lạnh, để phòng bệnh cần giữ ấm cơ thể, khi làm việc ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, đặc biệt lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Hạn chế đến những chỗ đông người.
Duy trì việc ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Dọn dẹp nhà cửa sạch và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng gia đình (cốc chén, bát đũa…), nhất là khi trong gia đình có người ốm. Khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận