Thử thách nối tiếp thử thách
Sự kiện Thanh Vũ (Vũ Phương Thanh) về nhất tại cuộc thi SwissUltra 2022 (bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy 422km) với thành tích 328 giờ 27 phút 55 giây đang khiến làng chạy Việt Nam sửng sốt. Đây vốn là cuộc thi có tính chất khắc nghiệt bậc nhất thế giới, đòi hỏi sự bền bỉ và ý chí ở mức cao nhất.
Thanh Vũ trở thành người Việt Nam đầu tiên vô địch SwissUltra 2022. Ảnh SwissUltra 2022
Thanh Vũ không phải là cái tên xa lạ với giới chạy bộ Việt Nam. Cô từng giành vô số danh hiệu ở các giải đấu lớn nhỏ trong và ngoài nước. Đặc biệt phải kể tới những sa mạc khắc nghiệt bậc nhất thế giới như Namib (châu Phi), Gobi (châu Á), Atacama (Nam Mỹ) hay Everest Trail Race, một trong những giải trail có tính thách thức cao nhất.
Dù vậy, SwissUltra 2022 vẫn là một định nghĩa quá khác biệt với tổng cộng hơn 2000km cùng ba nội dung bơi, đạp xe và chạy. Chia sẻ về động lực đưa mình đến với SwissUltra 2022, Thanh Vũ nói đơn giản đó là lẽ sống của cô.
“Tôi luôn muốn chinh phục thử thách, duy trì khát khao vươn lên bởi nhận thấy việc mình tham gia những sân chơi lớn mang đến nhiều giá trị cho bản thân cũng như truyền cảm hứng cho xã hội.
Tôi tâm niệm phải liên tục thách thức giới hạn của bản thân, năm sau tốt hơn năm trước và trở thành phiên bản tốt nhất ở mỗi thời điểm. Cùng tham gia SwissUltra 2022 có cả những VĐV 60-70 tuổi nên tôi cho rằng tuổi tác không phải là giới hạn cho con người.
Cơ thể con người là một cỗ máy thần kỳ, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, quan trọng là chúng ta có cho phép nó thử thách hay không”, Thanh Vũ chia sẻ.
Kể thêm về hành trình chinh phục SwissUltra 2022, cô gái quê Hà Nội cho rằng thời tiết là một thử thách rất lớn bởi khi mưa rất lạnh còn lúc nắng thì cháy da. Gió thậm chí còn đổi chiều liên tục theo giờ.
Bên cạnh đó, cung đường đạp xe cũng khiến VĐV cảm thấy lạnh sống lưng. “Đường đạp rất hẹp, chỉ đi vừa một xe, một bên là sông, một bên xuống thung lũng, cộng thêm sức gió nên chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ gặp tai nạn. Đó là chưa kể tới có những khúc cua rất gắt, dù đã tìm hiểu kỹ trước khi thi nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng mọi thứ khó khăn đến vậy”.
Tuy nhiên, theo cô gái sinh năm 1990, thử thách lớn nhất là tâm lý: “Tôi từng tham gia rất nhiều giải đấu khác nhau nhưng khi tới SwissUltra 2022 thì mình vẫn thuộc hàng yếu nhất, non kinh nghiệm nhất.
Nhiều thành viên nắm các kỷ lục thế giới. Cá biệt có một bác 70 tuổi từng hoàn thành 70 lần cự ly Ironman (chạy, đạp xe và bơi) phổ thông. Trước những đối thủ như thế, rồi gặp thời tiết không ủng hộ, tôi cảm thấy tủi thân vì quá kém cỏi, nghi ngờ khả năng của bản thân.
Nhưng tôi vẫn kịp trấn tĩnh rằng mình từng đứng trước không ít khó khăn bất ngờ và đều vượt qua nên còn tiến lên được thì phải tiến lên, không cho phép dừng lại.
Rồi việc lặp đi lặp lại các cung đường thi đấu mang đến sự nhàm chán khủng khiếp. Ví dụ như chúng tôi phải đạp xe 200 vòng để hoàn thành quãng đường 1.800km hay cuộc thi kéo dài tới 2 tuần. Nếu không kiên trì, chiến thắng bản thân thì rất dễ bỏ cuộc”.
Cần lắng nghe cơ thể
Thanh Vũ trong khoảnh khắc nhận kỷ niệm chương của SwissUltra 2022. Ảnh SwissUltra 2022
Trong buổi trò chuyện cùng Báo Giao thông, Thanh Vũ cũng chia sẻ rất nhiều về việc chăm sóc bản thân. Bởi nếu không có thể trạng, sức khỏe tốt, chắc chắn cô không thể thoàn thành xuất sắc SwissUltra 2022.
“Mình phải lắng nghe cơ thể để điều chỉnh sao cho phù hợp. Đơn giản như việc bị rộp da hay chệch chân, nếu không chăm sóc, điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn tới chấn thương hoặc nhẹ thì ảnh hưởng tới thành tích. Ngoài ra, việc bổ sung năng lượng cũng rất cần chú trọng và tính toán khoa học”, Thanh Vũ nói.
Đi vào chi tiết, nữ VĐV Hà Nội cho hay, lượng calo đốt trong tập luyện và thi đấu đã được cô cụ thể hóa thành công thức. Từ đó, dựa trên quãng đường thi để cho ra con số năng lượng cần nạp.
“Tôi chạy 100km sẽ đốt hết 6800 calo, tức cứ 1km sẽ phải nạp 68 calo. Cơ thể tôi hấp thụ tốt năng lượng qua chất lỏng tôi nạp chủ yếu là chất lỏng. Thông thường cứ mỗi 1 vòng đạp xe hay chạy tôi uống 1 cốc nhỏ protein có hạt chia, chất béo, chất khoáng; 1 cốc nhỏ điện giải và 1 cốc nhỏ nước lọc.
Nếu buồn ngủ thì tôi bổ sung cafein bằng một chút nước tăng lực. Việc nạp năng lượng phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật, nước không phải khát mới uống, protein cũng vậy, không đợi đói mới ăn bởi tùy điều kiện ngoại cảnh mà cơ thể có những biến đổi để chống chọi, đánh lừa cảm giác.
Đó là nạp năng lượng trong từng chặng thi đấu. Còn khi nghỉ quãng dài thì tôi ăn bữa chính. Thực đơn bữa chính gồm trứng làm nhuyễn, cải bó xôi, cá hồi xông khói. Những thực phẩm này rất giàu protein, chất béo và đạm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận