360 độ thể thao

Nghị lực VĐV khuyết tật phá 4 kỷ lục Đông Nam Á

14/08/2022, 06:03

VĐV bơi Đỗ Thanh Hải của Đoàn Thể thao người khuyết tật VN giành tới 5 HCV, phá 4 kỷ lục, trở thành một trong những VĐV xuất sắc nhất Đại hội.

Trận sốt năm 3 tuổi khiến Đỗ Thanh Hải (1990) bị teo 2 chân nhưng cú sốc đó không thể ngăn cản anh vươn lên trong cuộc sống, trở thành VĐV bơi khuyết tật hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

img

VĐV Thanh Hải (ngồi xe lăn bên phải) trong lần tham dự Paralympic 2020

Thành công không bỗng dưng mà có

Tại Asean Para Games (Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á) mới kết thúc tại Indonesia, VĐV bơi Đỗ Thanh Hải của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành tới 5 HCV, phá 4 kỷ lục, qua đó trở thành một trong những VĐV xuất sắc nhất Đại hội.

Chia sẻ với Báo Giao thông, Thanh Hải cho biết, việc giành 5 chiến thắng nằm ngoài sức tưởng tượng của anh và một phần nhờ may mắn.

“Các đối thủ của tôi đều rất mạnh, trước ngày lên đường tôi chỉ đặt mục tiêu có 2 HCV, không ngờ thành tích lại vượt xa mong đợi. Tấm HCV quý nhất là ở cự ly bơi 50m ếch bởi lần đầu Việt Nam về nhất ở nội dung này trong các kỳ Para Games”.

Trong khi đó, HLV Nguyễn Đăng Viễn, người thày trực tiếp dìu dắt Hải những năm qua thì chia sẻ, ông không bất ngờ trước 5 tấm HCV của cậu học trò liệt hai chân:

“Hải có tố chất tốt và đặc biệt cực kỳ cần cù, bền bỉ, ý chí quyết tâm rất cao. Em chưa bao giờ bỏ dở giáo án, kể cả khi rất mệt vẫn cố gắng hoàn thành. Thế nên, thành công ngày hôm nay của em không phải bỗng dưng mà có”.

Nói sâu hơn về chuyên môn, ông Viễn đánh giá: “Hải có sải tay dài và khỏe, rất phù hợp cho môn bơi nên dù tập luyện chuyên nghiệp muộn (18 tuổi) nhưng nhanh chóng có được kết quả tốt. Nếu tiếp tục giữ được thái độ tập luyện và sự thăng tiến như hiện tại, cậu ấy có thể tiến vào Top đầu, đủ sức cạnh tranh huy chương ở tầm châu lục trong thời gian tới”.

Hỏi Hải về đôi chân liệt, anh kể, khi bố mẹ sinh ra vẫn lành lặn nhưng trận sốt năm anh 3 tuổi đã khiến anh mãi mãi không thể trở thành người bình thường: “Sau trận sốt thập tử nhất sinh đó, chân tôi bị liệt, co nhỏ lại. Tôi dùng nạng vẫn đi lại được chút ít nhưng rất khó khăn, chủ yếu phải di chuyển bằng xe lăn”.

Dù số phận không ưu ái nhưng VĐV người Cần Thơ chưa bao giờ rơi vào trạng thái tiêu cực, anh luôn suy nghĩ mình phải làm sao để có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Ông trời không lấy của tôi tất cả, vẫn cho tôi một lối thoát để sống cuộc đời có ý nghĩa”, anh chia sẻ.

Học bơi để đi thi, có tiền thưởng

img

VĐV bơi lội người khuyết tật Đỗ Thanh Hải tại Paralympic Tokyo 2020, tham dự nội dung 100m ếch nam

Rồi kình ngư sinh năm 1990 kể về cơ duyên đưa anh đến thể thao chuyên nghiệp: “Năm 18 tuổi, tôi theo dõi trên ti vi thấy có lớp dạy bơi cho người khuyết tật ở TP.HCM nên xin ba mẹ cho lên thử sức. Tôi nghe nói nếu bơi tốt sẽ được đi thi đấu, có tiền thưởng nên muốn thử sức bởi ở nhà tôi cũng chẳng làm được việc gì giúp ba mẹ”.

Tuy có chút lo lắng nhưng vì sợ con thêm mặc cảm nên ba mẹ Hải đã đồng ý đưa con lên TP.HCM để xin vào lớp bơi lội dành cho người khuyết tật của Trung tâm Huấn luyện thể thao. “Lúc đầu vào bơi thử tôi bơi kém lắm, thua nhiều bạn. Nhưng các thầy bảo tôi có năng khiếu nên giữ lại để rèn luyện thêm coi phát huy được không. Từ đó, tôi bắt đầu một cuộc sống mới”, anh kể.

“Những ngày đầu rất khó khăn bởi mọi người đều biết, bơi phải kết hợp cả tay và chân mới hiệu quả. Chân tôi không dùng được, chỉ có thể dùng lực ở đôi tay nên rất mỏi, mỏi tới mức muốn rời ra luôn. Nhưng sau dần tôi cũng quen với cường độ tập luyện. Bên cạnh đó, tôi tập thêm tạ, tập đu xà để cho đôi tay thêm chắc khỏe”, tiếp lời nhà vô địch Đông Nam Á.

Dưới sự dìu dắt của HLV Nguyễn Đăng Viễn, Hải tiến bộ rất nhanh, trở thành hạt nhân của đội bơi khuyết tật TP.HCM và sớm góp mặt ở đội tuyển quốc gia, gặt hái nhiều thành tích. Hỏi anh có nhớ đã giành được tất cả bao nhiêu tấm huy chương, anh cười: “Thú thực là tôi không nhớ, tôi chỉ biết kỳ Para Games vừa rồi tôi có 5 HCV, kỳ trước 3 HCV và kỳ trước nữa là 2 HCV. Tôi đã từng tham dự Paralympic 2020 nhưng không giành huy chương”.

Nói về mục tiêu mình theo đuổi, chàng trai 32 tuổi hồ hởi: “Tôi đang cảm thấy rất sung sức, tôi sẽ cố gắng giành huy chương ở giải châu lục và tiếp tục săn vé dự Paralympic 2024 diễn ra tại Paris. Thời gian không còn nhiều, tôi sẽ tranh thủ từng ngày để hoàn thiện bản thân”.

Vượt qua mặc cảm

Đối với người khuyết tật, khó khăn lớn nhất không phải là họ sẽ giải quyết bài toán cơm áo thế nào mà là đối mặt với sự mặc cảm vì một cơ thể không lành lặn. Đỗ Thanh Hải chẳng phải ngoại lệ.

Anh kể, ngày nhỏ anh ít khi chơi cùng các bạn cùng trang lứa bởi mặc cảm với đôi chân khác người. Nhưng rồi, dần dần anh hiểu không thể mãi co mình lại và mặc kệ thế giới bên ngoài nên từ đó anh mở lòng hơn, chịu khó giao tiếp hơn.

“Ở quê tôi, mọi người đều thích bơi, trong làng có một cái ao rộng nên mỗi cuối tuần thanh niên lại rủ nhau ra bơi thách. Người nào bơi nhanh nhất sẽ nhận được quà. Lần nào tôi cũng hào hứng tham gia, tuy chẳng về nhất bao giờ nhưng rất vui. Bà con làng xóm thấy thế cũng có người nói này nói nọ nhưng ngược lại nhiều cô bác thương nên động viên, thi thoảng cho tôi đồng quà tấm bánh”, VĐV vừa giành 5 HCV Asean Para Games nhớ lại.

Rồi anh kể tiếp, khi lên TP.HCM để tập luyện, vào hồ bơi, thấy đôi chân nhỏ, teo lại của anh, nhiều người cũng bĩu môi nói: “Chân thế mà còn đi tập bơi làm gì”. Bỏ ngoài tai những lời nói đó, anh tập trung vào việc vượt qua giới hạn bản thân, mỗi ngày anh đều muốn thành thích của mình tốt hơn hôm trước.

“Suy nghĩ của mọi người không sai nhưng tôi muốn chứng minh cho tất cả thấy, không phải cứ khuyết tật là phải chấp nhận một cuộc sống trong bóng tối, ăn bám xã hội. Ngoài ra, gia đình tôi kinh tế cũng rất khó khăn nên tôi muốn tập luyện để thi đấu tốt, qua đó có thể giúp đỡ ba mẹ chút ít về mặt tài chính”, Thanh Hải quả quyết.

Nguyện vọng của VĐV 32 tuổi những năm qua phần nào thành hiện thực, tiền lương, thưởng khi có huy chương anh đều gửi phần lớn cho ba mẹ. “Tôi ở trung tâm chẳng tiêu gì tới tiền, mình như thế này thì lại càng không có nhu cầu đi đây đi đó nhiều nên chỉ giữ lại một ít làm sinh hoạt phí, còn lại tôi đều gửi về nhà”.

Chờ “người ấy” xuất hiện

Ở cái tuổi mà hầu hết mọi người đều đã yên bề gia thất nhưng khi hỏi tới chuyện khi nào lập gia đình, Đỗ Thanh Hải trầm ngâm, cuộc sống của anh từ khi tới với bơi thì gần như chỉ làm bạn với bể bơi bên cạnh chiếc xe lăn. Việc ra ngoài đi chơi, tiếp xúc của VĐV thể thao vốn đã hạn chế, VĐV khuyết tật thì càng khó.

“Nói là vậy nhưng rồi cũng đến lúc tôi phải tìm cho mình một người bầu bạn. Tiêu chuẩn thì tôi không dám nói vì cơ thể mình khiếm khuyết làm sao có thể lựa chọn này nọ. Tôi chỉ cần bạn đời hiểu, thương và chia sẻ với mình là đã hạnh phúc lắm rồi. Ngặt nỗi, chưa biết khi nào người đó mới xuất hiện”, anh Hải bày tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.