Sơ đồ giả định hệ thống xe buýt khép kín |
Để xe buýt hoạt động hiệu quả, phải giải quyết được hai vấn đề là đảm bảo người tham gia giao thông ở bất kì đâu dù xa hay gần bến xe buýt đều có thể đến bến và rời bến một cách nhanh chóng và thuận tiện - hành trình này là trung chuyển.
Có được điều này, chúng ta sẽ có một hình thức vận chuyển bằng xe buýt nhanh chóng và thuận tiện, cả ở khâu trung chuyển và bản thân xe buýt. Hệ thống này là xe buýt khép kín (XBKK).
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn... |
Phương tiện trung chuyển ở đây là xe đạp (hoặc các loại phương tiện tương đương về tính nhỏ gọn và cơ động như xe đạp điện…). Xe đạp được dùng chung cho việc trung chuyển từ điểm xuất phát ra bến và ngược lại từ bến xe về đến tận điểm cuối cùng của hành trình. Chúng ta gọi phương tiện trung chuyển này là “Xe đạp công cộng” (XĐCC).
Mở rộng ra, chúng ta có thể sử dụng phương tiện trung chuyển để kết nối với tất cả các nhà ga, bến tàu, bến xe và sau này là các hệ thống giao thông tương lai như: Tàu điện ngầm, đường sắt trên cao cùng với xe buýt. Khi đó, hệ thống giao thông này sẽ trở thành một chỉnh thể hoàn hảo, giúp cho việc lưu thông của hành khách trong nội đô được nhanh chóng, thuận tiện và văn minh. |
Hệ thống XBKK ngoài XĐCC và xe buýt còn có cơ sở hạ tầng của nó. Để mô tả hệ thống hạ tầng này, chúng ta giả định hệ thống XBKK bao gồm: Đường cơ sở được xác định theo các trục đường chính chạy dọc và ngang thành phố (chú thích số 2) tạo thành ô bàn cờ (chỉ mang tính tương đối, thực tế các ô này không được vuông vắn như vậy), đây là làn đường xe buýt lưu thông; Ô cơ sở là phần diện tích giới hạn bởi đường cơ sở (chú thích 1); Đường nội bộ (chú thích số 3) là đường lưu thông bên trong ô cơ sở; Đầu ngõ (chú thích số 4) là nơi đường nội bộ thông với đường cơ sở; Trạm gửi xe (chú thích số 7) được bố trí trên phần ô cơ sở, thường ở vị trí đầu ngõ và cạnh điểm đỗ xe buýt (chú thích số 6); Làn đường xe đạp (chú thích số 5) được bố trí trên đường cơ sở, giáp với ô cơ sở là làn đường dành riêng cho XĐCC và nên quy định là làn đường một chiều.
Việc thiết kế các yếu tố này phải dựa trên cơ sở điều tra cơ bản thật tỉ mỉ, khoa học, đặc biệt là phải đảm bảo sức chứa của trạm gửi xe, sao cho hệ thống này hoạt động nhanh và thuận tiện. Việc quản lý XĐCC được thực hiện trên hai nguyên tắc chính: Mỗi người sử dụng chỉ được sở hữu nhiều nhất là một XĐCC. Việc này được thực hiện bằng việc quẹt thẻ từ tại trạm gửi xe.
XĐCC của ô cơ sở nào chỉ được gửi ở trạm xe thuộc ô cơ sở đó để tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì đủ số lượng xe phục vụ cho ô đó, tránh việc XĐCC của ô cơ sở này dồn sang ô cơ sở khác gây thiếu hụt hoặc dư thừa XĐCC.
Giả sử có một người đi từ điểm A thuộc ô cơ sở m đến điểm B thuộc ô cơ sở n. Người này bắt đầu xuất phát từ điểm A bằng XĐCC theo đường nội bộ đi thẳng đến trạm gửi xe (nếu trạm gửi xe được bố trí ngay đầu ngõ) hoặc ra đến làn đường xe đạp đi đến trạm gửi xe. Tại đây, người này trả xe, quẹt thẻ từ để xác nhận là “sở hữu 0 xe” và lên xe buýt với tư cách là hành khách của hệ thống. Tiếp theo xe buýt di chuyển đến ô cơ sở thứ n, xe dừng tại điểm đỗ xe buýt tại ô cơ sở này. Người đó xuống trạm gửi xe ở ngay đó, nhận XĐCC qua cửa quẹt thẻ để xác nhận “sở hữu 1 xe” và tiếp tục đi đến điểm cuối của hành trình (lưu ý khi sở hữu 1 xe thì hành khách phải tự quản lý XĐCC và chịu trách nhiệm về nó). Đến đây hành khách đã hoàn thành hành trình của mình.
Như vậy, ta có một nhận xét nhỏ: Hệ thống này mang tính liên tục và hành khách hầu như không phải đi bộ. Vấn đề thứ nhất (như đã nói ở phần đầu) đã được giải quyết. Nó là tiền đề thuận lợi để thực hiện vấn đề thứ hai - hạn chế ở mức độ cao phương tiện cá nhân và nên được thực hiện ngay bởi hệ thống XBKK chỉ hoạt động tốt khi giải quyết đồng thời hai vấn đề nêu trên.
Mặt khác, ta cũng không phải phân vân về việc hạn chế xe cá nhân vì người dân lúc này đã có phương tiện đi lại thay thế, đó là hệ thống XBKK, nó có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân kể cả khi 100% dân số sử dụng hệ thống này nếu ta trang bị đủ cơ sở vật chất kĩ thuật yêu cầu (số lượng xe đạp, xe buýt…).
Phạm Bá Quang
Địa chỉ: Số 4 ngõ 145, An Xá, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận