Hình ảnh trên mạng xã hội được một người dùng facebook cho rằng "cố tình lắp thêm ghế ở lối thoát hiểm để tăng lượng khách ngồi" |
Những ngày qua, một Facebooker (người dùng Facebook) đã đăng tải hình ảnh hàng ghế bên trong tàu bay Airbus A321 của Vietnam Airlines, ngay gần khu vực cửa thoát hiểm và cho rằng hãng này cố tình lắp thêm ghế ở lối thoát hiểm. Facebooker này thậm chí còn cho rằng Vietnam Airlines cố tình thay đổi thiết kế của máy bay, lắp thêm hai hàng ghế ở hai bên cửa để tăng lượng khách ngồi, chắn một nửa cửa thoát hiểm của máy bay đồng thời không bố trí thêm ghế và bố trí đèn thoát hiểm báo đến khu vực cửa để thoát hiểm.
Trao đổi với Báo Giao thông về vụ việc này, một chuyên gia trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay cho biết hàng không có những quy định cực kỳ chặt chẽ về an ninh an toàn, hơn bất kỳ loại hình giao thông nào hiện nay. Riêng đối với tàu bay, sẽ không có bất kỳ một vật gì được lắp thêm trên tàu bay nếu không được sự đồng ý của nhà sản xuất, thậm chí chỉ là một cái đinh vít, chứ không phải là cả một hàng ghế.
Trong trường hợp có sự điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng ghế trên tàu bay cần phải có bản vẽ, tính toán cân bằng trọng tâm trọng tải, khoảng cách giữa các dãy ghế,… đáp ứng các quy định an toàn của Mỹ, Châu Âu. Hồ sơ pháp lý kỹ thuật liên quan điều chỉnh ghế phải được trình lên nhà chức trách của Quốc gia sản xuất tàu bay Airbus A321, cụ thể là Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu – EASA.
Liên quan đến yêu cầu thiết kế thoát hiểm cho hành khách trên tàu Airbus A321, vị này cho biết: Tài liệu của Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu - EASA nêu rõ cửa trên tàu bay được thiết kế đảm bảo sao cho tất cả hành khách trên tàu thoát ra ngoài trong vòng 90 giây đối với trường hợp khẩn nguy.
Việc đáp ứng này phải được thực hiện thông qua diễn tập thực tế với yêu cầu không sử dụng quá 50% số cửa thoát hiểm. Cửa thoát hiểm được phân ra nhiều loại như Type A (thoát được 110 người trong 90 giây), Type B (thoát được 75 người trong 90 giây), Type C (thoát được 55 người trong 90 giây), Type I (thoát được 45 người trong 90 giây), Type II (thoát được 40 người trong 90 giây), Type III (thoát được 35 người trong 90 giây) và Type IV (thoát được 9 người trong 90 giây).
“Căn cứ vào hình ảnh đăng tải trên, dễ dàng nhận thấy đây là cửa thoát hiểm Type III” – vị này khẳng định.
Về cáo buộc của hành khách, đại diện Vietnam Airlines khẳng định các tàu bay của hãng đang khai thác đều được các Nhà chức trách hàng không (bao gồm Nhà chức trách Mỹ FAA, châu Âu EASA - nơi thiết kế, chế tạo máy bay đến Nhà chức trách Việt Nam - nơi khai thác) kiểm soát về an toàn, trong đó bao gồm cả vấn đề về cửa thoát hiểm cho hành khách. Trước khi nhận và đưa vào khai thác, tàu bay bắt buộc phải được cấp chứng chỉ kiểu loại (Type Certificate), chứng chỉ đủ điều kiện khai thác để xuất khẩu (Export Airworthiness Certificate) và bản tuyên bố về máy bay được sản xuất đã tuân thủ yêu cầu của các Nhà chức trách hàng không nói trên (Statement).
Cũng theo Vietnam Airlines, các cửa thoát hiểm trên tàu bay A321 được đánh số từ 1 đến 4. Với môt số tàu bay A321 của VNA hiện này, cửa số 1 và 4 là Type C. Cửa số 2 và 3 (2 cửa giữa) là giống nhau và về cơ học là Type C. Tuy nhiên, do cách bố trí ghế nên sẽ có một cửa (2 hoặc 3) bị hẹp lại phần lối đi, do đó, theo yêu cầu thoát hiểm được xác định là Type III. Như vậy, các tàu này đang được bố trí 08 cửa thoát hiểm, trong đó 06 cửa Type C và 02 cửa Type III ở 2 bên thân tàu bay. Trong trường hợp cần thiết, 50% số cửa thoát hiểm sẽ đảm bảo toàn bộ khách được thoát hiểm ra ngoài trong 90 giây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận