Ga Yên Viên Hà Nội được đầu tư theo hình thức xã hội hóa sẽ nâng cao năng lực vận chuyển trên đường sắt với những công nghệ hiện đại - Ảnh: Anh Minh |
Đường thủy không còn là “vùng trắng”
Đường thủy được coi là lĩnh vực kém sôi động, nhiều năm trước rất ít nhà đầu tư ngó ngàng đến. Trước những năm 2014-2015 chưa có dự án xã hội hóa nào đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng luồng, tuyến. Điều này khiến năng lực vận tải thủy hạn chế và không khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển phương tiện, cảng thủy hiện đại.
Giải quyết vấn đề trên, tháng 12/2014, Bộ GTVT ban hành Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy, đặt nền tảng định hướng xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Đề án như là kim chỉ nam để năm 2015, đường thủy từ chỗ “trắng” dự án xã hội hóa đầu tư hạ tầng luồng tuyến đang trở nên rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
"Những năm gần đây, tổng số vốn ngành GTVT huy động được từ khu vực xã hội hoá thường cao gấp hơn hai lần so với nguồn vốn ngân sách đầu tư. Đến nay, Bộ GTVT đã và đang triển khai trên 70 dự án đầu tư bằng hình thức BOT, BT ở lĩnh vực đường bộ. Số vốn xã hội hóa đã đạt mức kỷ lục khi huy động năm 2013 đạt 68.563 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cả thời kỳ những năm 2012 trở về trước (49.605 tỷ đồng). Năm 2014, số vốn xã hội hóa đạt 42.572 tỷ đồng và năm 2015 khoảng trên 45 nghìn tỷ đồng, nâng tổng mức vốn xã hội hóa ngành GTVT huy động được trên 200 nghìn tỷ đồng." Ông Nguyễn Viết Huy |
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hàng chục dự án đang được nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý như: Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc; Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II; Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cải tạo sông Đuống, xây dựng cầu đường bộ tách khỏi đường sắt và nâng cấp cầu đường sắt qua sông Đuống); Cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải sông Móng Cái đoạn từ Vạn Gia - Ka Long); Cải tạo, nâng cấp cửa sông Trà Lý; Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng đoạn từ Việt Trì - Lào Cai kết hợp thủy điện…
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Hội Cảng - đường thủy - thềm lục địa VN cho biết, đường thủy là lĩnh vực khó thu hút đầu tư xã hội hóa, cần có các cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích. Nhiều dự án sắp được triển khai cho thấy việc thu hút đầu tư xã hội vào đường thủy là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh xã hội hóa đầu tư vào luồng tuyến, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, năm 2015 ngành Đường thủy đã hoàn thành việc cổ phần hóa các đơn vị quản lý bảo trì, tách hẳn chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ bảo trì đường thủy và chuẩn bị thí điểm đấu thầu dịch vụ bảo trì một số luồng tuyến, góp phần phát huy hiệu quả của vốn bảo trì. “Ngoài ra, trong năm 2015 có 20 dự án xã hội hóa nạo vét luồng tuyến kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét cũng đã hoàn thành thủ tục triển khai, góp phần giảm bớt đầu tư ngân sách vào cải tạo các đoạn cạn, khơi thông luồng tuyến”, ông Giang nói.
Đường sắt có hình mẫu để thúc đẩy xã hội hóa
Cũng như đường thủy, trước đây, lĩnh vực đường sắt trong nhiều năm ì ạch và gần như không có một dự án xã hội hóa nào triển khai thành công. Tuy nhiên, trong năm 2015 mọi chuyện khác hẳn và như có một luồng gió mới thúc đẩy ngành này xã hội hóa.
Ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, đường sắt đang thí điểm kêu gọi đầu tư vào dự án Đà Lạt - Trại Mát và đã có hai nhà đầu tư đăng ký tham gia.
“Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đến quý I/2016 thực hiện được dự án xã hội hóa này. Khó nhất hiện nay đối với các dự án đường sắt xã hội hóa là hành lang ATGT đường sắt bị lấn chiếm từ trước. Đối với ga Đà Lạt - Trại Mát là di tích quốc gia nên phải chờ ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Duy nói.
Ông Trần Hùng, Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt VN (VNR) cũng cho biết, VNR đang rất nỗ lực gỡ vướng về cơ chế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt. “Đến nay, dự án xã hội hóa đầu tiên đang được thực hiện là Trung tâm Logistics - Đường sắt ga Yên Viên (Hà Nội). Để thực hiện dự án này, cả VNR và đối tác là Tập đoàn ITL phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vừa làm vừa mò mẫm. Nhưng với quyết tâm, chúng tôi chắc chắn sẽ làm được”, ông Hùng nói và cho biết có những nhà đầu tư xã hội hóa quan tâm đến đường sắt nhưng còn nghi ngại về thủ tục, cơ chế chính sách và thời hạn cho thuê. Hơn nữa, sự hấp dẫn của đường sắt không nhiều, chỉ có khu vực thành phố lớn có sức hút, còn những ga vùng sâu, vùng xa không hấp dẫn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, Dự án xã hội hóa Trung tâm Logistics - Đường sắt ga Yên Viên đang như một hình mẫu để có thể áp dụng kêu gọi cho các dự án khác như bãi hàng ga Đồng Đăng, ga Lào Cai...
Hàng không hấp dẫn nhà đầu tư
Liên quan đến lĩnh vực hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không thời gian qua đã được cải thiện đáng kể. Cùng với việc đầu tư xây dựng mới các cảng hàng không, sân bay như CHK Đồng Hới và CHK Quốc tế Phú Quốc, hàng loạt CHK cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp như CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Chu Lai, Nội Bài và các CHK, sân bay nội địa như Côn Sơn, Rạch Giá, Liên Khương, Vinh, Thọ Xuân, Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa... “Những dự án này đã góp phần nâng cao đáng kể chất lượng dịch vụ hàng không. Theo công bố của trang The Guide to Sleeping in Airports (một trang web khá nổi tiếng với các bảng xếp hạng chất lượng máy bay, sân bay, chất lượng phục vụ, đồ ăn sân bay...), sân bay Đà Nẵng đứng thứ 23, sân bay Nội Bài đứng thứ 28 trong danh sách 30 sân bay tốt nhất châu Á”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, thời gian tới, ngành Hàng không phải tiếp tục đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành, CHK Vân Đồn, mở rộng các CHK quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các CHK nội địa. Theo tính toán, trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là hơn 230 nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Do đó, theo ông Thanh, việc xã hội hóa đầu tư và khai thác các nguồn vốn khu vực tư nhân là một nhu cầu cấp thiết.
Thực tế, thời gian qua, một số công trình và hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng CHK - sân bay đã được các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác như: Ga hàng hóa Nội Bài do CTCP Logistics Hàng không (ALS) đầu tư, nhà kho hàng hóa tại Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) liên doanh với Công ty Phục vụ mặt đất của Singapore đầu tư; Cơ sở chế biến suất ăn hàng không Tân Sơn Nhất do Vietnam Airlines liên doanh với Công ty suất ăn Cathay Pacific Hồng Kông đầu tư; Hệ thống nhà xưởng, kho bãi, dây chuyền công nghệ, trang thiết bị, phương tiện sản xuất đảm bảo cung ứng dịch vụ hàng không do các công ty cổ phần cung cấp dịch vụ hàng không thực hiện đầu tư. Ngoài ra, Dự án Khu hàng không dân dụng Sân bay Phan Thiết và Dự án CHK Quảng Ninh đang được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.
“Việc các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng CHK, sân bay thời gian qua về cơ bản đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không”- ông Thanh khẳng định.
Theo quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bình quân khoảng 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu, việc huy động nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư là yêu cầu sống còn đối với ngành GTVT.
“Từ việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước bị dừng, đình hoãn trước đây đã được chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Điều này không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn thúc đẩy tiến độ các dự án, tạo hiệu quả trong đầu tư”, ông Huy cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận