Khu rừng ở bản Nhọt nằm ven quốc lộ 37, có diện tích khoảng 300ha, được hình thành từ 2 dãy núi bao bọc, quanh năm không khí trong lành. Năm 1954, trong chuyến hành quân từ Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân giải phóng đã dừng chân, đóng quân tại đây.
Trong rừng có một khu bằng phẳng, dòng suối Bùa chảy qua, lớp lớp cây rừng dày đặc đã trở thành “mái nhà” che chở an toàn cho đoàn quân, nên từ đó, khu rừng được người dân gọi với tên thân thương "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Ghi nhớ dấu tích lịch sử gắn với tên tuổi của Đại tướng, năm 2008, UBND tỉnh Sơn La đã công nhận khu “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã giao huyện Phù Yên triển khai, thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt bền vững, gắn với phát triển du lịch của Sơn La nói chung, huyện Phù Yên nói riêng, tạo điểm đến trong chuyến hành hương về chiến trường xưa, thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Cuối năm 2021, huyện Phù Yên đã khánh thành công trình bảo vệ rừng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sân đền thờ, sân hành lễ, cầu cảnh quan, cổng tam quan...
Gần 7 thập kỷ qua, cánh rừng ở bản Nhọt, vẫn bạt ngàn, xanh tươi, như thể hiện tình cảm yêu mến, thủy chung của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy. Tại khuôn viên đền thờ, nhân dân hai huyện Phù Yên, Bắc Yên đã trồng 103 cây hoa ban tương ứng số tuổi đời của Đại tướng như một cách để thể hiện lòng tôn kính và thương nhớ về con người đã có công lao to lớn trong việc giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc.
Ông Mùi Văn Lý (SN 1962), nguyên Phó phòng Hậu Cần Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La, hiện đang phụ trách trông coi "Rừng Đại tướng” chia sẻ: “Trước đây khu vực này là một cánh rừng mang dấu ấn lịch sử, kể từ khi xây dựng đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cánh rừng này còn là nơi khách thập phương lui tới thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Ngoài tôi ra, còn bác Đinh Công Són (SN 1958) cùng phụ trách trông coi, chúng tôi rất tự hào khi được góp sức mình gìn giữ màu xanh cho cánh rừng Đại tướng”.
Đến đây, người dân, du khách không chỉ được sống lại không khí hào hùng của Đoàn quân giải phóng tiến lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào, mà còn được hòa mình vào không gian thiêng liêng, trong lành của Khu di tích Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Cứ mỗi năm gần dịp lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách thập phương lại tới đây để thăm di tích. Trước đây để vào thăm di tích, xe phải đi qua đường cũ băng qua một con suối và có một đoạn cua tay áo khuất tầm nhìn.
Thời điểm ấy, đoạn đường này dễ xảy ra tai nạn và bà con đi lại rất vất vả. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, từ khi đoạn đường được nâng cấp lại, lượt phương tiện qua lại nhiều hơn và du khách có thêm cả điểm đến là đền thờ để dừng chân và nghỉ ngơi bà con rất phấn khởi”, ông Mùi Văn Lý chia sẻ thêm.
Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt và đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là các di tích lịch sử văn hóa có giá trị tinh thần quý báu, nhắc nhở thế hệ hôm nay về những cống hiến, hy sinh của ông cha vì nền độc lập dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự tưởng nhớ và trân quý của người dân nơi đây sẽ vẫn mãi trường tồn tựa như cánh rừng xanh đã từng chở che Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân năm ấy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận