Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, thay thế cho Quyết định 28 năm 2014. Trong đó, nội dung đề xuất mới về giá điện cho hoạt động sạc xe điện nhận được nhiều quan tâm.
Bộ Công thương đưa ra 3 phương án về giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện.
Phương án 1: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.
Phương án 2: Áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện theo giá kinh doanh.
Còn phương án 3 là theo giá sản xuất.
Áp giá điện kinh doanh là hợp lý
Đưa ra các ưu - nhược điểm giữa các giải pháp, Bộ Công thương kiến nghị lựa chọn phương án 2, tức là áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện theo giá kinh doanh.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia năng lượng đồng tình với đề xuất của Bộ Công thương.
Chứng minh lập luận của mình, ông so sánh chi phí vận hành giữa xe điện và xe xăng. Chuyên gia này giả sử mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của xe xăng phân khúc 2.0 là 10 lít/100 km. Tức là đi 5.000 km tiêu tốn 500 lít xăng. Trong khi đó, sạc điện 1kWh có thể đi được 5 km, tương đương mức tiêu thụ 1.000 kWh điện cho chặng đường 5.000 km.
Nếu tính theo giá xăng bình quân 24.000 đồng/lít và giá điện bình quân 3.200 đồng/kWh (theo giá điện kinh doanh) thì chi phí tiêu thụ cho dòng xe xăng và điện lần lượt là 13,5 triệu đồng và 5 triệu đồng.
"Với ví dụ trên, có thể dễ dàng nhận thấy chi phí vận hành xe xăng gấp 2,7 lần xe điện. Việc sử dụng ô tô điện sẽ tiết kiệm chi phí hơn, đặc biệt là trong thời điểm xăng ngày càng tăng giá như hiện nay", vị chuyên gia nói và khẳng định, việc áp giá điện kinh doanh cho trạm sạc xe điện là hợp lý, nhằm tránh tình trạng người dân phải gánh tiền điện do bù chéo nếu áp giá điện sản xuất.
Đưa ra đánh giá, Bộ Công thương cũng thừa nhận nếu áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất (phương án 3) đối với mục đích sạc xe điện sẽ phát sinh bù chéo từ các nhóm khách hàng khác. Do đó, phương án này không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết 55 là không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
Đại diện Công ty TNHH Thiết bị & Giải pháp sạc điện EV One (EV One), một đơn vị phát triển mạng lưới trạm sạc điện công cộng, cho biết hiện giá dịch vụ sạc tại trụ sạc xe điện của EV One là 7.900 đồng/kWh cho trụ sạc AC (sạc chậm) và 9.900 đồng/kWh với trụ sạc DC (sạc nhanh). Nếu sạc ở trụ DC (công suất 180kW), một xe điện có pin công suất 93kWh sẽ sạc đầy trong 30 phút. Tức là sẽ phải trả khoản tiền dịch vụ sạc gần 930.000 đồng cho mỗi lần sạc, hoạt động trong phạm vi 433 - 472 km. So với xe xăng, số tiền trên còn rẻ hơn.
Mong đơn giản thủ tục
Đại diện EV One cho rằng mức giá điện hợp lý cho trạm sạc xe điện sẽ làm giảm chi phí vận hành cho người sử dụng xe, làm tăng tính cạnh tranh của xe điện với các dòng xe chạy xăng, dầu nhằm thúc đẩy người sử dụng xe dịch chuyển dần sang phương tiện này.
Theo vị này, có thể áp giá điện kinh doanh để tránh tác động đến đối tượng khác (do bù chéo), nhưng song song đó, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cố định để thúc đẩy chuyển đổi dòng xe này. Đó là chiến lược dài hạn.
Theo đại diện EV One cho biết, quá trình triển khai, đơn vị đã gặp phải một số khó khăn có liên quan đến vấn đề mua bán điện, làm ảnh hưởng đến kế hoạch lắp đặt trạm.
Cụ thể, quá trình xin đấu nối nguồn điện, ký hợp đồng mua bán điện (PPA), các công ty điện lực tại một số địa phương yêu cầu EV One phải đăng ký địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, tại mỗi trạm sạc, công ty chỉ lắp đặt một hoặc một số trụ sạc nên việc thực hiện thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh tại mỗi địa điểm làm mất nhiều thời gian, chi phí không cần thiết.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng, tại các địa điểm đang được áp giá bán lẻ điện khác nhau theo quy định của EVN (giá điện kinh doanh, giá điện sản xuất, giá điện sinh hoạt…) mặc dù EV One chỉ được sử dụng cho một mục đích duy nhất là vận hành trạm. "Điều này làm cho việc tính toán giá bán dịch vụ sạc điện của EV One trở nên phức tạp và khó được thống nhất trên toàn quốc nhằm mang đến sự thoải mái cho khách hàng", theo EV One.
Trước những khó khăn trên, EV One mong được hướng dẫn để có thể giảm lược bớt thủ tục xin đấu nối, PPA tại các địa điểm đặt trạm sạc. Và áp một mức giá điện cho trạm sạc để dễ tính toán vì giá điện hiện nay áp theo giờ thấp điểm, cao điểm, giờ bình thường.
Ngoài ra, đại diện EV One đề xuất không cần phải đăng ký địa điểm kinh doanh mới tại cho từng địa điểm đặt trạm sạc mà chỉ cung cấp cho công ty điện lực tại địa phương Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà EV One ký với đối tác tại địa điểm (trong hợp đồng hợp tác kinh doanh có nêu rõ việc hợp tác để lắp đặt và vận hành khai thác trạm sạc, tuân thủ mọi quy định về kế toán, thuế và đầu tư theo luật pháp).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận