Dự kiến đến năm 2020, hệ thống phần mềm sẽ có đầy đủ dữ liệu về đơn vị và phương tiện kinh doanh vận tải - Ảnh: K.Linh |
Đề xuất bỏ cấp phù hiệu kinh doanh vận tải
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề xuất Bộ GTVT bỏ quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu trong kinh doanh vận tải. Đơn vị này cho rằng, quy định các xe ô tô tải phải dán phù hiệu, biển hiệu mới được lưu thông đang trở thành một loại “giấy phép con” gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp, chủ xe và phản khoa học.
Đồng tình đề xuất này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng, phù hiệu là để nhận biết xe kinh doanh vận tải nhưng thực tế phù hiệu này không có nhiều tác dụng. “Chất lượng của phù hiệu rất kém, chỉ được một vài tháng lưu hành đã “bay” hết các thông tin trên đó. Chưa kể, tình trạng làm giả phù hiệu hiện rất nhiều nhưng không ai kiểm soát được. Lực lượng chức năng trên đường cũng không biết được phù hiệu đó là giả hay thật”, ông Hải nói và nhấn mạnh: Việc cấp phù hiệu hiện nay cũng phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Sở GTVT Hải Phòng mỗi lần ký khoảng 7.000 phù hiệu vận tải, trong khi mỗi một phù hiệu phải mất rất nhiều giấy tờ đi kèm gây tốn kém”, ông Hải nói.
Điều 23, Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. |
Đề xuất quản lý khi bỏ phù hiệu, biển hiệu, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghệ, chúng ta nên đưa công nghệ thông tin để quản lý vận tải. Doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh vận tải, doanh nghiệp đăng ký xe gì, kinh doanh loại hình vận tải nào có thể quản lý qua phần mềm. Khi đã kết nối online chỉ cần gõ đúng biển số xe có thể biết được xe thuộc doanh nghiệp nào, kinh doanh loại hình vận tải gì, từng xe cụ thể sẽ được mã hóa trên phần mềm để quản lý. Khi doanh nghiệp có xe vi phạm, chế tài có thể xử phạt thật nặng bằng việc tước giấy phép kinh doanh vận tải.
Về lo ngại lực lượng chức năng không nhận biết được để xử lý, ông Hải cho rằng, ngay lúc này không thể bỏ được gắn phù hiệu, tới đây có thể quy định xe kinh doanh vận tải có một màu biển số riêng để phân biệt thay vì cùng một màu với các loại biển khác như hiện nay.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và du lịch Hà Lan (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, phù hiệu được dán mặt trong kính cabin xe. Sau vài ba tháng, do ánh nắng mặt trời nên phù hiệu bị phai chữ không đọc được khiến lái xe bị phạt do lực lượng thi hành công vụ nghi ngờ phù hiệu giả. Chủ xe lại phải xin xác nhận từ cơ quan cấp phù hiệu để xe được tiếp tục lưu hành. “Quy định cấp phù hiệu cho xe tải cần được xóa bỏ để tránh gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp”, ông Hà nhấn mạnh.
Chưa thể bỏ ngay
Không đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện thủ tục cấp phù hiệu có thể có nơi, có lúc còn phiền hà, tiêu cực nhưng không phải vì thế mà bỏ quy định này. Vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không quản lý, sẽ rối loạn thị trường vận tải.
“Mục tiêu chính của việc cấp phù hiệu là giúp các cơ quan chức năng dễ xác định xe đó thuộc doanh nghiệp nào. Trong trường hợp lưu thông trên đường, nếu bất kỳ vấn đề gì có thể dễ dàng xác định được chủ thể. Thông qua việc gắn phù hiệu mới nắm được đầu phương tiện của doanh nghiệp, biết được số lượng phương tiện của doanh nghiệp bao nhiêu. Đây cũng là cơ sở để quản lý đầu xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Liên quan đến đầu xe sẽ là chi phí và thuế đối với hoạt động vận tải của doanh nghiệp…”, ông Thanh nói.
Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, theo Nghị định 86/2014, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm 2 hình thức (kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp), trong đó quy định rõ các loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, các quy định về vận tải người nội bộ. Để quản lý mỗi loại hình kinh doanh này cần phải có các phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện.
Việc gắn phù hiệu trên xe là cơ sở để xác nhận xe đó thuộc đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Việc cấp, quản lý và sử dụng phù hiệu cho từng loại phương tiện là thực sự cần thiết. Đây cũng là một trong những công cụ hữu ích để các lực lượng chức năng phân biệt và xử lý vi phạm. “Trước mắt, để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các phương tiện kinh doanh vận tải của các lực lượng chức năng thì cần thiết phải có phù hiệu gắn trên xe. Hiện nay, Bộ GTVT đang ứng dụng và hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động vận tải đường bộ. Dự kiến đến năm 2020, hệ thống sẽ có đầy đủ dữ liệu về đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải, khi đó Bộ GTVT sẽ nghiên cứu bỏ quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu”, bà Hiền cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận