Vẫn còn những ý kiến tranh cãi xung quanh việc trao quyền điều tra cho công an xã |
Sáng 27/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoa XIII, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang đã thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Về trách nhiệm của Công an xã, Ủy ban Tư pháp QH cho biết nhiều ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an vào dự thảo Luật này. Bởi vì, trên thực tế, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của Công an xã vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.
Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của Công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra chuyên trách hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.
Nhưng cũng có một số ý kiến đồng tình với quy định này vì cho rằng trên thực tế, nhiều trường hợp Công an xã là cơ quan trực tiếp và đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Việc giao các cơ quan này việc tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển cho Cơ quan điều tra chuyên trách, phối hợp với Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra hình sự là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhưng chỉ nên xác định ở một số loại tội phạm nhất định, mà không nên mở ra đối với mọi loại tội phạm.
Thẩm tra tờ trình về Dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết nhiều ý kiến của Ủy ban đặc biệt quan tâm đến việc bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp có hai loại ý kiến.
Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vì cho rằng, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay thường có địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trong khi đó, hoạt động của các cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này.
Đối với cơ quan Kiểm ngư, mặc dù có địa bàn hoạt động trên biển nhưng trên địa bàn này cũng có lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng nên loại ý kiến này cũng đề nghị cân nhắc việc bổ sung Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Bên cạnh đó, một số ý kiến nhất trí với đề nghị bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vì đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hiện nay, các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách. Trong nhiều trường hợp, hoạt động này không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe tội phạm.
Hơn nữa, việc giao các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu sẽ giảm tải cho các Cơ quan điều tra chuyên trách. Riêng đối với Kiểm ngư, thực tế cho thấy việc giao cơ quan này là cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra còn góp phần tăng cường vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận