Y tế

Có phải cứ ăn các loại quả này sẽ có hơi cồn như uống rượu bia?

15/02/2023, 18:12

Nhiều ý kiến cho rằng việc ăn hoa quả có lượng đường cao, dễ lên men sẽ có nồng độ cồn như uống rượu bia, nên dễ bị "phạt oan".

Khi nào ăn hoa quả vẫn đo được nồng độ cồn?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Duy Thịnh, Chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết: "Cần hiểu cồn được sản xuất từ quá trình lên men từ tinh bột và các loại chất đường. Vậy về nguyên tắc thì tất cả các loại hoa quả mà nồng độ đường cao thì đều có khả năng lên men, đồng nghĩa sinh ra rượu.

Các loại quả có đường cao như chôm chôm, sầu riêng, hồng xiêm, xoài, và đặc biệt là xoài… khi chín dễ lên men rượu, tuy nồng độ rượu rất thấp, vẫn vào máu và sinh ra cồn. Do vậy, vẫn có thể xảy ra tình huống sau dùng hoa quả vẫn đo được nồng độ cồn trong hơi thở".

img

Hồng xiêm chín, dễ lên men rượu

“Mỗi người phản ứng nồng độ cồn khác nhau, do vậy việc quy định cấm tuyệt đối là điều cần làm. Vậy để tránh phạm lỗi thì mỗi khi điều khiển phương tiện thì mọi người cần chủ động không dùng sản phẩm có cồn. Vậy khi nào ăn hoa quả có sinh ra nồng độ cồn, đó là khi quả lên men, mà chỉ cần ngửi cũng thấy mùi rượu, thì đừng ăn”, ông Thịnh khuyến cáo.

Thông tin thêm về một số thực phẩm khi chế biến có dùng thêm rượu, bia như cá hấp bia hay bò sốt vang... ông Thịnh cho hay, khi cho rượu hoặc bia vào, đun sôi thì phản ứng hóa học khiến nồng độ cồn bay đi hết, chỉ để lại chất tạo mùi thơm. Như vậy, hoàn toàn không để lại nồng độ cồn trong máu, hay trong hơi thở.

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia công nghệ sinh học chia sẻ, có loại sữa chua nếp cẩm sử dụng nếp cẩm đã lên men, bản chất của món ăn này là người ta trộn rượu nhẹ vào sữa chua.

Tương tự, một số loại sản phẩm lên men khác cũng có thể khiến hơi thở có nồng độ cồn như nước quả lên men, hay trà lên men Kombucha sẽ có loại có một tỷ lệ rất nhỏ là rượu, có loại hoàn toàn không có.

Ngoài các loại thực phẩm, cồn còn là một loại tá dược phổ biến trong điều chế thuốc, dùng làm dung môi để tách chiết các hợp chất tự nhiên từ dược liệu, nên trong các loại thuốc dạng dung dịch như sirô ho thì cũng rất dễ gặp nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, các loại nước súc miệng có chứa cồn cũng có thể làm xuất hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, lượng cồn này rất dễ bay hơi và sẽ biến mất hoàn toàn sau một thời gian ngắn.

Có nới lỏng quy định “nồng độ cồn bằng 0”?

Trước ý kiến cho rằng cần nới lỏng quy định “nồng độ cồn bằng 0” với quy định mức tối thiểu, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được tham khảo từ nhiều nước khác, trong đó có khoảng 20 quốc gia quy định cấm hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe, tức là quy định “nồng độ cồn bằng 0”.

Theo lý giải của ông Quang, văn hóa rượu, bia của Việt Nam có phần nào mang tính hủ tục, nếu không nghiêm, không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia. Còn có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu, người dân vẫn tiếp tục uống và như thế, TNGT sẽ không thể giảm được.

Kết quả đạt được sau quy định “nồng độ cồn bằng 0” có hiệu lực, số ca tử vong do TNGT đã giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước đó.

Một công bố của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia. Cụ thể, một người có nồng độ cồn trong máu =0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thì đã bắt đầu có các rối loạn như: giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh,… trong khi điều khiển phương tiện giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.