Cổ phần hoá DN, cần công khai đấu thầu quyền sử dụng đất nhà nước (Ảnh Hanel).
Theo QĐ 908 của Thủ tướng Chính phủ thì chưa đầy 30 ngày nữa 120 doanh nghiệp phải thoái vốn nhà nước.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp "ôm" nhiều đất vàng vẫn đang loay hoay, điển hình như Công ty cổ phần Hanel.
Theo tìm hiểu của PV, Hanel đang sở hữu tương đối nhiều đất "vàng" như: 2.660 m2 tại số 2 Chùa Bộc, Đống Đa; 221.9 m2 tại A12 Khương Thượng, Thanh Xuân; 413,6m2 tại 128C Đại La, quận Hai Bà Trưng; 92,9m2 tại Hàng Bông, Hoàn Kiếm...
Tình trạng tương tự đối Công ty Giày Thượng Đình, việc giải quyết hơn 36 nghìn mét vuông đất tại số 277 Nguyễn Trãi, và nhiều ô đất doanh nghiệp này sở hữu trên phố Hạ Đình (Thanh Xuân), Tôn Đức Thắng, Đống Đa cũng đang là một bài toán. Vướng mắc này là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm cổ phần hoá theo chỉ đạo của TTCP.
Tại Đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Hanel thẳng thắn thừa nhận, việc chưa thoái vốn nhà nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án của Công ty.
Việc chậm cổ phần là do còn nhiều bất cập trong quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần nhà nước và quy định về phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất.
Bên cạnh việc chậm cổ phần vốn doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng thẳn thắn chỉ ra những "chiêu trò" ăn chặn, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho biết, thời gian gần đây, công luận rất bức xúc với những kẽ hở trong cổ phần hóa DNNN gây hệ lụy tiêu cực không chỉ về công bằng xã hội, mà còn làm thất thoát tài sản công. Một số cổ đông vốn là lãnh đạo DNNN trước cổ phần hoá đã lạm dụng quyền lực và trách nhiệm để mua gom cổ phần và trở thành nhóm nhỏ cổ đông lớn nhất, nắm quyền khống chế trong và sau khi cổ phần hóa DNNN, biến DNNN từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân – "gia đình trị".
Cũng theo ông Phong, cả nước có hàng trăm trường hợp cổ phần hoá và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DNNN, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá. Có những trường hợp tính giá trị doanh nghiệp chưa sát với giá thị trường làm thất thu NSNN. Hay khi cổ phần hoá không thực hiện đấu giá và niêm yết trên TTCK và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước…
Ông Phong ước tính, có hàng nghìn tỷ đồng tài sản đã và đang bị thất thoát và NSNN thì thất thu do diện tích đất, mặt bằng kinh doanh, giá trị quyền sử dụng đất và các giá trị và lợi thế kinh doanh, các tài sản vô hình khác đã không được tính đúng, tính đủ hoặc định giá quá thấp.
Đề xuất tới giải pháp tháo gỡ vướng mắc này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nhà nước cần có sự công khai minh bạch, tiến hành đấu thầu công khai các dự án. Tránh những tổn thất cho nguồn vốn nhà nước. "Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy rất mạnh mẽ việc thoái vốn nhà nước, nên làm thí điểm ở một hai doanh nghiệp, sau đó mở rộng ra cho các doanh nghiệp khác bằng hình thức đấu thầu công khai, công khai cả toàn bộ những người tham gia để hạn chế tối đa tiêu cực trong việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sở hữu đất vàng", ông Doanh cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận