Giao thông

Cơ quan chức năng nói gì việc chuyển phí thành giá BOT?

24/05/2018, 07:59

Dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến băn khoăn về việc chuyển đổi thuật ngữ từ thu phí sang thu giá...

11

Từ ngày 1/1/2017, các trạm thu phí chuyển thành trạm thu giá

Chuyển từ phí sang giá, bản chất không thay đổi

ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết: Trong câu chuyện về phí hay giá, xét về tổng thể, chúng ta phải rà soát tất cả những khoảng trống về mặt pháp lý để làm sao chi phí xã hội cho người dân và DN minh bạch nhất, đặc biệt là các dịch vụ công.

Với giao thông, tài sản này thực chất theo Luật Quản lý tài sản là tài sản công, đã là tài sản công thì định giá phải do Nhà nước quản lý. Nhưng với BOT là DN bỏ vốn ra đầu tư, Nhà nước giao quyền cho các chủ dự án được quyền thu để hoàn vốn lại vốn đầu tư ban đầu. Tất cả dự án đầu tư BOT đang được kiểm soát các khâu để xác định giá trị đầu tư cho dự án một cách chính xác nhất về mặt đầu tư.

Theo nguyên tắc, lâu nay việc ban hành, quản lý giá hay điều hành giá đều có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước, sau đó các chủ DN mới được thu dựa trên quyết định đó. Trước đây, khi áp dụng thu phí do HĐND quyết định, thì nay chuyển sang giá cũng chỉ là chuyển vai trò, trách nhiệm từ HĐND sang cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT để đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Bên cạnh đó, khi cơ quan hành pháp thực thi pháp luật, các cơ quan giám sát được quyền giám sát, như Quốc hội vẫn giám sát Chính phủ. Chúng ta không bao giờ bỏ khâu giám sát. Bản chất trong việc này không thay đổi. Trước kia thu phí BOT giao thông do Bộ Tài chính ban hành mức thu, không phải địa phương ban hành. Nay chuyển sang giá, nhiệm vụ này lại được chuyển sang cho Bộ GTVT. Trước kia khi quyết định mức phí, Bộ Tài chính phải ngồi lại với các địa phương bàn bạc, thống nhất rồi mới quyết định mức thu, giờ với Bộ GTVT cũng như vậy.

Chúng ta phải cùng nhau thực hiện vai trò giám sát, để người dân và DN bỏ tiền ra sẽ được hưởng một dịch vụ tương xứng. Đó là mục đích cuối cùng.

Vì thế, phải rà soát lại cho tất cả phù hợp với đối tượng điều chỉnh, đối tượng quản lý và đối tượng giám sát. Còn bản chất chuyển từ phí sang giá cũng vẫn có sự quản lý của Nhà nước, cũng không phải anh là DN đầu tư, anh thích tăng bao nhiêu thì tăng, thích giảm bao nhiêu thì giảm. Chúng ta có cả hệ thống và đầy đủ công cụ để quản lý, giám sát việc này.

Gọi tên “thu giá” là đúng quy định

Đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây, trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí được Quốc hội ban hành năm 2001 quy định: Phí bao gồm cả phí dịch vụ công do khu vực Nhà nước cung cấp và phí dịch vụ do DN cung cấp. Tuy nhiên, để khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa, Luật Phí và Lệ phí do Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017) quy định: Dịch vụ do cơ quan Nhà nước cung cấp là phí (thu phí), còn dịch vụ do DN cung cấp là giá (thu giá).

Theo đại diện Bộ Tài chính, đối với các dự án BOT, BT giao thông cơ bản được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, theo hình thức xã hội hóa, nên phí sử dụng đường bộ (quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí 2001) được chuyển đổi sang thành giá sử dụng đường bộ (Luật Phí và Lệ phí 2015). Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông là những dự án đầu tư có tác động đến xã hội, nên trong Luật Phí và Lệ phí đã nêu rõ: Giá sử dụng dịch vụ do Nhà nước định giá và quản lý.

Theo quy định của Luật Phí và Lệ phí, 17 sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá (từ ngày 1/1/2017) gồm: Thủy lợi phí (chuyển thành: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi), phí chợ (giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ), phí sử dụng đường bộ (giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh), phí qua đò, qua phà (giá dịch vụ sử dụng đò, phà), phí sử dụng cảng, nhà ga (giá dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga), phí trông giữ xe (giá dịch vụ trông giữ xe), phí kiểm dịch y tế (giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng)…

Ông Vũ Khắc Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định: Chiếu theo quy định của Luật Phí và Lệ phí, trạm BOT ghi “thu giá” là hoàn toàn đúng. “Từ phí chuyển thành giá rồi thì bây giờ phải gọi là thu giá. Nhiều người cứ bắt bẻ câu chữ. Để trạm thu giá là không sai hoặc có thể để trạm thu giá dịch vụ đường bộ”, ông Liêm nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có hai đạo luật liên quan đến nhau, thứ nhất là Luật Phí và Lệ phí, thứ hai là Luật Giá. “Luật Phí định nghĩa phí là khoản tiền trả cho dịch vụ công. Trước kia, đường sá do Nhà nước đầu tư và thu tiền hoàn vốn, nên gọi là phí sử dụng đường bộ”.

“Đến nay, DN tư nhân đầu tư xây dựng đường, không còn là dịch vụ công nữa, bởi nếu gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ trái luật”, ông Đức nói và cho biết, dịch vụ đường bộ lúc này trở thành một quan hệ dân sự, được gọi là giá dịch vụ sử dụng đường bộ, giống như giá dịch vụ vận tải, giá dịch vụ du lịch. Do đó, các trạm BOT đổi tên là trạm thu giá dịch vụ đường bộ.

12

Một trạm thu giá thuộc dự án BOT đường tỉnh 830 - Ảnh: Long An

Chủ động giảm mức thu cho phương tiện

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trước khi Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí và Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng. “Trong đó, mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí và mức phí phải nằm trong quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính”, ông Hiếu nói và cho biết, thủ tục ban hành thông tư thu phí cho mỗi dự án phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, mất rất nhiều thời gian. Đến khi thông tư thu phí được ban hành cũng phải chờ hiệu lực thực hiện, thông thường khoảng 45 ngày.

Sau khi có Luật Phí và Lệ phí, ngày 11/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá năm 2012, trong đó nêu rõ: Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. “Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại thông tư này”, ông Hiếu nói và cho biết, khi chuyển sang cơ chế giá, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động.

“Thời gian qua, khi mức thu dịch vụ đường bộ chuyển sang cơ chế giá đã tạo điều kiện để Bộ GTVT chủ động đàm phán với các nhà đầu tư trong việc miễn, giảm giá cho các loại phương tiện và người dân lân cận trạm thu giá tại nhiều dự án BOT. Việc miễn, giảm giá được tiến hành ngay khi các bên ký hợp đồng thống nhất mà không cần phải chờ thủ tục ban hành thông tư mới, mất rất nhiều thời gian như trước đây còn quản lý bằng phí, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vận tải tại các trạm thu giá BOT”, đại diện Vụ Tài chính chia sẻ. 

 

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách:
Chỉ là thuật ngữ

Việc chuyển từ thu phí sang thu giá, vấn đề chỉ liên quan đến thuật ngữ. Còn gọi là phí hay giá khi bù đắp chi phí của nhà đầu tư cũng phải thực hiện đúng thẩm quyền, đặc biệt là phải chú ý đến lợi ích của người dân địa phương.

Về bản chất, thu phí hay thu giá vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đúng thẩm quyền và phải có phương án tính toán hợp lý lợi ích của cả hai phía, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.

Việc chuyển từ phí sang giá thể hiện sự vận động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung - cầu. Tức là trong cơ chế thị trường, nhà đầu tư phải có sự tính toán cho phù hợp. Việc đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư cũng phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương.

Thực tế, dù là thu giá theo cơ chế thị trường, vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là những loại hàng hóa cung cấp dịch vụ công cộng như trạm thu BOT. Trước hết, Bộ GTVT phải có trách nhiệm với người dân vì quản lý trực tiếp ngành Giao thông. Sau đó, Bộ Tài chính và các ngành liên quan cũng phải kiểm soát, dù theo cơ chế thị trường.

Hoài Thu (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.