Ngày 5/12, Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, 150 xe buýt điện ở 17 tuyến đã sẵn sàng nhập cuộc khi tuyến metro số 1 chính thức khai thác vận hành. Đây là các tuyến buýt điện gom, chở khách từ khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trường học, đầu mối giao thông... ở TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1... đến các ga metro và ngược lại.
Hệ thống buýt điện này do Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang Futabuslines trúng thầu và đảm nhận khai thác.
Theo đó, 17 tuyến gồm tuyến: 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169.
Được biết, để đáp ứng yêu cầu vận hành liên tục và ổn định, Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang Futabuslines đã xây dựng hai trạm sạc điện tại TP Thủ Đức và tận dụng hạ tầng hiện có như bến xe, trạm dừng nghỉ... để đầu tư thêm hệ thống này.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, hệ thống nhận diện xe buýt kết nối các nhà ga metro số 1 được xây dựng với các yếu tố nổi bật như màu sắc đặc trưng, số hiệu tuyến, tên tuyến, logo, và hình ảnh hoa hướng dương - biểu tượng của TP Thủ Đức.
Xe buýt gom sử dụng màu sắc hài hòa giữa màu xanh dương (xe buýt), xanh - trắng (metro số 1), vàng (TP Thủ Đức) và xanh lá (phương tiện xanh, bảo vệ môi trường). Thông tin số hiệu tuyến và tên tuyến hiển thị bằng đèn LED, cùng sơ đồ lộ trình rõ ràng tại nhà ga, nhà chờ.
Toàn bộ 17 tuyến buýt gom đều là xe điện, tích hợp tiện ích hiện đại như ứng dụng Go!Bus và hệ thống thanh toán tự động, mang lại trải nghiệm giao thông công cộng tiện lợi, thân thiện với môi trường.
Trước đó, Trung tâm quản lý giao thông công cộng cũng đã chuẩn bị 17 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp với các ga metro. Các tuyến xe buýt này không chỉ đóng vai trò hỗ trợ việc di chuyển, mà còn góp phần nâng cao sự thuận tiện và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng.
Một số tuyến buýt nổi bật như tuyến 165, 166 và 167 (kết nối các trường đại học lớn ở khu vực phía Đông và khu công nghệ cao, giúp sinh viên và người lao động dễ dàng tiếp cận hệ thống metro); tuyến 161 và 158 (hỗ trợ hành khách di chuyển giữa các khu vực trung tâm như Bến xe Văn Thánh, Bến Thành cũng như các khu vực ngoại ô như Tân Cảng và Cư xá Thanh Đa); tuyến 169 và 163 (phục vụ các khu vực dân cư đông đúc như Vincom Thủ Đức, trường Cao đẳng Công thương... kết nối với nhà ga Bình Thái).
Về lộ trình, các tuyến xe buýt đều được thiết kế để tối ưu hóa quãng đường, tiết kiệm thời gian và tạo sự liên thông chặt chẽ với hệ thống metro.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến khai thác vào ngày 22/12 tới đây. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20km với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Tuyến metro số 1 bắt đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức).
Ngoài mạng lưới xe buýt để kết nối đồng bộ với metro số 1, hệ thống cầu bộ hành, bãi đậu xe, xe trung chuyển... cũng được TP.HCM quan tâm, xây dựng bài bản trước khi metro khai thác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận