Cò vé “dài cổ” chờ chẳng có người mua |
Người cố bám trụ, người chuyển nghề
Nhiều ngày qua, PV Báo Giao thông có mặt tại ga Sài Gòn ghi nhận, quang cảnh tại khu vực ga khá nền nếp, thoáng đãng. Không có người hỏi mua, một số “cò” vé chợ đen ngồi nép ở góc phố, không lượn lờ mời chào khách như những năm trước.
Chiều 18/10, PV vào quán nước tại cổng ra của ga Sài Gòn, vừa trông thấy PV, người phụ nữ tên H. nhanh nhảu: “Ngồi uống nước đi, chú mua vé về đâu?”. Tôi ngỏ ý muốn mua vé về Thanh Hóa ngày 25 tháng Chạp, giường nằm và hỏi giá thế nào, ngồi mềm giá bao nhiêu, mua 2 vé được không? Ngay lập tức, bà H. bấm điện thoại gọi cho ai đó hỏi kỹ càng, lát sau bà tắt máy, quay sang tôi: “Đi ngồi mềm nhé, từ giường nằm chuyển đổi, đi tối 24, 25 không có. Giá vé trên 1,7 triệu đồng cộng thêm 250 nghìn tiền công. Chú đưa họ tên, địa chỉ, số CMND người đi đây, mai đến lấy vé, trả tiền luôn”.
"Khách hàng nên mua vé tàu Tết tại những điểm bán vé chính thức của ngành Đường sắt. Có nhiều điểm không phải là đại lí nhưng khách đến mua vé tàu vẫn bán. Vì vậy, sẽ xảy ra 2 trường hợp như bán vé hợp lệ để ăn tiền dịch vụ và nhiều khi khách hàng bị lừa, thông tin không chính xác, vé không có giá trị đi tàu”. Ông Đỗ Quang Văn |
Khi tôi thắc mắc, nhỡ mua phải vé không hợp lệ thì sao, bà H. khẳng định, vé thật 100%, đến lấy vé, đem vào ga kiểm tra, đối chiếu rồi mới trả tiền. Để khách tin tưởng, bà. H nói thêm: “Vé tôi nhờ người trong ga đặt nên anh yên tâm. Mà tôi chỉ được mỗi vé 50 nghìn đồng tiền công thôi, chứ có nhiều nhặn gì mà lừa hành khách…”.
Thực ra, trong lúc bà H. điện thoại, chúng tôi kịp nghe được đầu đuôi câu chuyện bà trao đổi với một người phụ nữ. Đầu dây bên kia bảo bà đợi để kiểm tra và báo còn vé ngồi mềm đi tối 24, mác tàu SE và chỉ đặt giữ chỗ được trong vòng 24 giờ.
Sáng 19/10, tiếp tục trong vai người cần mua vé, PV tấp vào hỏi người phụ nữ luống tuổi đang ủ dột ngồi gần cây ATM cạnh cổng vào ga. Vừa trông thấy khách, bà N.T.T như bừng tỉnh, vội vàng hỏi, anh muốn mua vé về Bắc hả, mua mấy vé, khi nào đi?... Tôi nói cần 3 vé giường nằm đi Hà Nội vào 23 tháng Chạp, bà T. lắc đầu: “Không còn vé nằm đâu, anh mua vé ngồi mềm đi”.
Bà T. báo giá vé ngồi mềm bằng với giá vé của nhà ga bán (giá chúng tôi đối chiếu - PV) và xin thêm 250 nghìn tiền công/vé. Bằng kinh nghiệm, bà T. cho hay, vé ngồi mềm cũng chỉ mua được trong vòng 1 tháng nữa, sau đó chỉ còn ghế phụ, nếu khách muốn mua thì để lại địa chỉ, số CMND để bà nhờ người đặt chỗ, khoảng 1 - 2 ngày sau đến nhận vé, thanh toán tiền.
Khi PV lựa lời hỏi thăm chị Nguyệt, chị Linh, bà Lùng… (những “cò” vé ở khu vực ga mà chúng tôi thường gặp mấy năm trước) sao năm nay không thấy giới thiệu vé cho khách? Bà T. cho biết, hiện nay, công môi giới thấp mà mỗi ngày bình quân chỉ kiếm được vài ba khách, không đủ sống nên nhiều người đã chuyển nghề…
Công nghệ bán vé chấm dứt nạn đầu cơ
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Hiện phương thức bán vé đã được đổi mới mạnh mẽ, nhờ sự phát triển của công nghệ nên hệ thống bán vé điện tử đã ghi nhận hết các thông tin. Chẳng hạn vé đó do ai bán, bán khi nào... Nếu nhân viên làm không đúng sẽ lưu lại dữ liệu. Khách mua 1 lượt không quá 4 vé; nếu bán vượt, nhân viên phải giải trình, được sự cho phép của lãnh đạo mới được bán.
Tính đến nay, vé đi tàu Tết từ 25/1 - 19/2/2019 (tức 10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết), tổng số chỗ đã đặt là 99.094 vé (tương đương gần 140 tỷ đồng); Tổng số chỗ đã thanh toán/xuất vé là 139.218 vé (bằng gần 197 tỉ đồng). Vé đi tàu từ 25/1 - 4/2/2019 (tức từ 20 đến 30 tháng Chạp) có tổng số chỗ đã đặt là 53.790 vé (gần 77 tỉ đồng); Tổng số chỗ đã thanh toán/xuất vé là 74.885 vé (hơn 107 tỉ đồng).
Vé từ ngày 5/2 - 19/2/2019 (mùng 1 đến 15 tháng Giêng), tổng số chỗ đặt là 45.304 vé (bằng hơn 63 tỉ đồng); Tổng số chỗ đã thanh toán/xuất vé là 64.333 vé (tương đương gần 90 tỉ đồng).
“Hiện, mỗi ngày có khoảng 150 vé trả, trong đó có khoảng 1/2 lượng vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019. Kể cả những chỗ quen biết nhờ mua, chúng tôi cũng phải vào hệ thống chờ có người “nhả” chỗ để đặt, không có trường hợp ngoại lệ. Khách mua vé tàu Tết phải có giấy tờ tùy thân, đúng tên, tuổi, số CMND… bản chính. Tuyệt đối không có trường hợp đầu cơ, găm vé để trục lợi…”, ông Văn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận