"Cò" vé ngang nhiên hoạt động công khai trong khuôn viên ga Sài Gòn. Ảnh: Linh Hoàng. |
Trong khi ga Sài Gòn thông báo hết vé đi các tỉnh miền Trung vào những ngày cao điểm Tết Đinh Dậu thì bên ngoài, "cò" hoạt động công khai và tuyên bố mua bao nhiêu cũng có, chỉ cần đặt cọc, khi lên được tàu mới lấy đủ tiền.
Công khai mời chào giữa sân ga Sài Gòn
Sáng 18/12, trong vai một hành khách bước ra từ trong khu bán vé với vẻ mặt thất thần vì không mua được vé tàu Tết, ngay lập tức chúng tôi được hai người đàn ông ngồi trên xe máy đậu sẵn trong sân ga Sài Gòn tiến đến mời chào. Một “cò” nhanh nhảu: “Hết vé rồi đúng không? Thời điểm này trên mạng hay ga tàu không còn đâu, em muốn vé nào? Đi đâu, ngày mấy, anh có hết!”.
Video hướng dẫn mua vé tàu qua mạng:
“Ngày 26 Tết (23/1/2017) đi Quảng Ngãi còn không anh?”, tôi hỏi. Sau một hồi chần chừ, người này liền ngoắc một “cò” khác đang đứng trò chuyện với nhóm “cò” ngoài cổng ga, chạy xe máy tới và hỏi: “Còn vé ngày 26 Tết đi Quảng Ngãi không, bán cho chú em này”. Người này bảo còn 3 vé và đặt vấn đề muốn mua loại ghế nào, cứng, cứng điều hòa hay mềm điều hòa. Khi tôi hỏi giá vé mềm điều hoà, người này báo giá 1,6 triệu đồng (trong khi giá vé ga bán ra chỉ 1,1 triệu đồng). Thấy tôi ngập ngừng, “cò” giải thích: “Chú em cứ nghĩ đi, giờ làm gì còn vé những ngày cận Tết nữa, trên mạng người ta cũng đặt hết rồi. Giờ chú em bảo trong ga bán 1,1 triệu đồng mà ở đây anh bán 1,6 triệu đồng là khi anh đổi vé sang tên cho chú thì mất 30% phí của giá vé, 30% còn lại là tiền cò, Tết nhất thì giá vé nó phải lên chứ!”.
Thấy tôi nghi ngờ về việc sang thông tin vé, người này tiếp tục trấn an: “Cứ yên tâm, vé thật 100%. Chú em để lại số CMND, đặt 300 nghìn đồng tiền “cò” rồi sau đó sẽ nhận được vé theo đúng nhu cầu. Sau khi có vé sẽ để chú trực tiếp đến nhà ga kiểm tra thật hay giả rồi mới phải trả khoản 1 triệu đồng tiền vé, kèm theo mức phí 30% tiền đổi thông tin cho mỗi vé, tức là thêm 600 nghìn đồng. Tụi anh có nhiều vé dự trữ nên chú yên tâm bao nhiêu cũng có… Tụi này làm việc ở đây nhiều năm rồi nên hiểu rõ cách thức mua vé, bảo đảm vé thật”.
Anh Hà Trịnh Anh Tuấn (quê Thừa Thiên - Huế), một người đang tìm mua vé trong sân ga, thổ lộ: “Tôi mới hỏi vé về Huế ngày 28 Tết, nhưng vé trong ga không còn. Sau đó tôi được các “cò” mồi chài vé về Quảng Bình (ga Đồng Hới). Nghe mấy ảnh nói vậy tôi tính mua nhưng giá cao quá, gần gấp đôi nên đang do dự…”.
Thông tin sai, không được lên tàu
Theo quan sát của chúng tôi, thời điểm này có nhiều nhóm “cò”, mỗi nhóm khoảng 3 người hoạt động công khai trong khu vực sân ga Sài Gòn. Một nhóm hoạt động ngay cổng vào ga, các nhóm còn lại dùng xe máy chạy lòng vòng trong sân ga để quan sát người mua vé từ trong ra là lập tức áp sát mời chào. Đáng nói là lực lượng bảo vệ ga Sài Gòn ngồi quanh khu vực bán vé nhưng tuyệt nhiên không thấy ngăn chặn “cò” vé.
Các "cò" vé hoạt động trong khuôn viên ga Sài Gòn. Ảnh: Linh Hoàng |
Theo số liệu của ga Sài Gòn, tính đến ngày 17/12, hầu hết các chặng từ Sài Gòn - Quảng Bình vé ngày 23/1/2017 (tức ngày 26 Tết) đã không còn và không phải hành khách nào cũng có thể mua được đúng nhu cầu. Theo tìm hiểu của PV, tuyến về Quảng Ngãi cũng không còn vé, nhiều người đi tuyến này mua không được nên đã phải thông qua “cò”, chấp nhận may rủi bởi có thể mất tiền mà vẫn không được lên tàu.
Đại diện ga Sài Gòn cho biết, để hạn chế tình trạng “cò” vé, dịp Tết Đinh Dậu 2017, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn áp dụng mức phí đổi, trả vé thời gian cao điểm là 30% giá vé. Công ty cũng đã thỏa thuận với các đại lý phải bán đúng giá vé niêm yết của ngành đường sắt và chỉ được thu thêm phí dịch vụ. Trường hợp mua vé qua “cò”, vé giả, khi lên tàu mà kiểm tra thông tin không khớp sẽ không được lên tàu.
Video trẻ trâu trêu tàu hỏa và cái kết đau đớn:
Bắt quả tang cũng không xử lý được?
Ngày 19/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Quốc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết hiện tượng “cò” vé tàu ở ga Sài Gòn năm nào cũng có. Nhưng vì công ty là đơn vị kinh doanh nên không có trách nhiệm quản lý tình trạng “cò” vé mà việc này phải thuộc về địa phương.
Tuy nhiên, để hành khách không mua phải vé giả, vé không hợp lệ, trước khi mở bán vé tàu Tết công ty đã đưa ra khuyến cáo đến người dân thông qua nhiều kênh thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, năm nay công ty đã tăng mức trừ tiền khi trả vé từ 5% lên 30% nhằm hạn chế các đối tượng “cò mồi” đầu cơ vé.
Ông Trung cũng cho biết thêm, ở ga Sài Gòn có rất nhiều đơn vị. Trong đó, công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thuộc đơn vị kinh doanh còn việc giữ gìn an ninh trật tự là do Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn (trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) đảm nhiệm. Do đó, công ty không có thẩm quyền giải quyết.
Về việc các “cò” vé công khai mồi chài hành khách tại cổng nhà ga nhưng bảo vệ không có biện pháp xử lý, ông Trung cho rằng: “Nhà ga là nơi công cộng nên không thể cấm người ta được. Khi nào phát hiện họ vào ga có hành động chèo kéo khách thì mới có biện pháp xử lý chứ thực tế công ty không có quyền gì cả. Trách nhiệm quản lý Đội Bảo vệ dù là của Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn nhưng bây giờ người ta (“cò” vé - PV) đi vào ga mình cũng không cấm được. Thậm chí, nếu bắt quả tang buôn bán vé chưa chắc đã xử lý được”.
Về việc ga đã hết vé nhưng các “cò” vẫn có vé, ông Trung cho biết, các “cò” có rất nhiều chiêu trò, khi hành khách hỏi đều nói còn vé nhưng thực chất vé ấy có thể là vé giả. Các “cò” chỉ cần in “vé” và sửa tên cho đúng với hành khách cần mua nhưng thực chất trên hệ thống bán vé thì không có. Ông Trung cũng cho biết, có trường hợp vé đúng là do người này không có nhu cầu đi nữa và sang lại cho người kia vì đây là quyền lợi.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận