Khu vực trước ga Sài Gòn nhiều “cò” vé vẫn ngang nhiên hoạt động. |
Chiều 17/1, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Ga Sài Gòn, tình trạng “cò” vé tàu Tết vẫn hoạt động rất nhộn nhịp. Mức giá được “cò” đưa ra cao hơn từ 200 - 400 nghìn đồng so với quy định.
Khi vừa đến gần Ga Sài Gòn (đường Nguyễn Thông, quận 3, TP HCM), không hành khách nào là không được các “cò” vé tàu Tết mời chào nồng nhiệt. Theo quan sát của PV, khoảng hơn 10 “cò” vé hoạt động ngay trước Ga Sài Gòn và thậm chí còn có mặt… tại quầy bán vé của nhà ga. Các “cò” vé này thường thu với mức giá cao hơn từ 200 - 400 nghìn đồng so với mức giá mà ga bán ra. Cũng trong chiều 17/1, tại khu vực bán vé Ga Sài Gòn, các nhân viên ở đây cho biết đã hết vé đi các tuyến miền Trung.
Vé nào cũng có!
Trong vai người đi mua vé về Ga Quảng Ngãi và Vinh (Nghệ An), PV Báo Giao thông đã tiếp xúc với bà L. Theo bà L., vé về Quảng Ngãi chỉ còn ngày 24 và 28/12 (Âm lịch). Giá vé ghế cứng ngày 24 là 633 nghìn cộng thêm “tiền công” là 250 nghìn đồng. Nếu muốn lấy vé ngay cũng có, còn không phải đặt cọc trước 200 nghìn đồng, trước hai giờ ngày khởi hành đến lấy vé. Còn vé về Vinh giá 1,095 triệu, “tiền công” 250 nghìn đồng.
Khi PV thắc mắc nếu mua vé có liền tại chỗ, không đúng tên đúng tuổi có đi được không, bà L. ấp úng: “Vé có liền không đúng tên, cầm vé tên người khác đều có thể đi. Vé đó ở trên mạng có tên tuổi đầy đủ rồi, giờ chỉ cầm vé là đi thôi. Còn nếu không tin tưởng thì giờ đặt cọc trước tiền vé, tới ngày đi lên cô đưa vé, đúng tên đúng tuổi rồi con hãy trả tiền”.
Tiếp tục hỏi về hình thức đặt cọc, L. nói: “Nếu được thì đặt cọc trước hai vé là 300 nghìn đồng. Tới ngày đi, tàu chạy lúc 9h45 thì đúng 8h phải có mặt ở ga. Lúc đó tới gọi cô, cô dẫn lên tới tàu, nhân viên đưa vé đúng tên đúng tuổi. Con lên tàu rồi mới trả tiền đủ cho cô”. Thấy chúng tôi còn e ngại, bà L. lật quyển sổ ghi chi chít chữ mà theo bà là “Sổ biên nhận” và nói: “Đây, người ta đặt rất nhiều. Chỉ cần để lại số điện thoại, tới ngày đi đảm bảo có vé cho con”.
Trong lúc đó, một thanh niên khác tới mua hai vé về Phú Yên và Quảng Ngãi. Người thanh niên này sẵn sàng đưa 200 nghìn đồng cho bà L. để có được tấm vé tàu mơ hồ!
Từ chối bà L., chúng tôi vào quầy vé của nhà ga thì được nhân viên thông báo hết vé. Ngay lúc đó, một người đàn ông tên V. giữ chúng tôi lại và nói chỉ cần đưa cho ông 400 nghìn đồng sẽ có vé ngay tại chỗ, đúng tên, đúng tuổi. Ông V. còn cẩn thận dặn: “Đừng tin mấy người ngoài cổng mà đưa tiền đặt cọc. Họ lừa đó!”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông V. cũng là một “cò” vé tàu.
“Cò” vé đủ mánh khóe để vào ga
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Thái Văn Huyện, Phó trưởng Công an phường 9 (quận 3) cho biết, để bảo đảm ANTT ở khu vực Ga Sài Gòn dịp Tết Nguyên đán 2016, lực lượng công an đã tăng cường phối hợp với bảo vệ dân phố, trật tự, bảo vệ ga thường xuyên tuần tra, giải tán các đám đông, không để xảy ra tình trạng trộm cắp, móc túi… Riêng đối với “cò”, lực lượng phối hợp cũng đã kiểm soát chặt chẽ, giải tán các đối tượng ra khỏi khu vực ga, do đó, lượng “cò” dịp cận Tết này đã giảm đáng kể.
Trước đây, Ga Sài Gòn có 30 “cò” bị lưu danh sách quản lý thì hiện nay đã giảm xuống 19 “cò”, trong đó có 6 đối tượng được theo dõi sát sao. Công an phường cũng đã yêu cầu 19 người này làm cam kết không tham gia bán vé chợ đen, không tụ tập ở ga. “Sở dĩ còn có tình trạng “cò” mò vào trong ga là do các đối tượng này có nhiều mánh khóe. Chẳng hạn như, nhiều “cò”… mắc bệnh thận, mỗi ngày vào ga đi vệ sinh hàng chục lượt, chúng tôi cho người kiểm tra thì chỉ phát hiện họ mang theo cây viết và mẩu giấy chứ không có vé trong người nên không thể xử lý”, Trung tá Huyện nói.
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, mặc dù đã bán vé điện tử nhưng những vé tàu trả lại sẽ được đưa lên mạng vào 8h sáng hôm sau để người dân tìm mua. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 200 vé tàu được trả lại trong thời gian cao điểm Tết từ ngày 20- 28 tháng Chạp. Các “cò” lợi dụng điều này để nhận tiền của khách, sau đó lên mạng “ngồi rình” vé… Có thể vé từ “cò” là thật, nhưng cũng sẽ không có tác dụng đi tàu nếu các thông tin trên vé không trùng khớp với giấy tờ tùy thân của hành khách. Người dân cần cảnh giác để không bị lừa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận