Tài chính

“Cơn lốc” Temu, lộ góc khuất quản lý thương mại điện tử

Từ vụ việc Temu đại náo thị trường Việt nhưng chưa được cấp phép, bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước sớm có giải pháp "bịt những lỗ hổng" để phát triển môi trường thương mại điện tử bền vững.

Hàng giá rẻ đại náo thị trường Việt

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, cán bộ một ngân hàng thương mại trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) khoe vừa tải ứng dụng Temu, sau khi được đồng nghiệp "rỉ tai" sàn thương mại điện tử (TMĐT) này đang có chiến dịch giảm giá tới 90% cho khách hàng mới.

“Cơn lốc” Temu, lộ góc khuất quản lý thương mại điện tử- Ảnh 1.

Nhiều người tiêu dùng Việt bị cuốn vào “cơn nghiện” mua sắm online từ các sàn TMĐT không phép như Temu, Shein, 1688…

Theo chị Hồng, các sản phẩm trên sàn Temu đều có xuất xứ từ Trung Quốc và giá siêu rẻ.

"Tôi mua 1 dụng cụ tách vỏ hải sản (kìm) chỉ còn 20.739 đồng so với giá niêm yết 186.700 đồng. Hoặc hộp bảo quản thực phẩm đông lạnh chỉ còn 77.093 đồng so với giá niêm yết 258.180 đồng.

Nhiều mặt hàng hiện nay đều giảm giá từ 50 - 90%, trong khi các mặt hàng tương tự ở sàn TMĐT chỉ giảm tối đa 51%", chị Hồng cho biết.

Không chỉ những người tiêu dùng như chị Hồng, ngay cả lãnh đạo cơ quan quản lý là Bộ Công thương mới đây cũng phải "giật mình" vì mức giá siêu rẻ của Temu.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và cơ quan quản lý lo ngại cho khả năng cạnh tranh không chỉ của của doanh nghiệp trong nước mà của chính các sàn TMĐT "nội" khác như Shopee, Lazada hay Tiki...

Trong khi đó, Temu không phải là "đối thủ" duy nhất. Chị Đỗ Ngọc Bích, cán bộ kế toán một công ty công nghệ thông tin tại Cầu Giấy cho biết, vài năm gần đây, chị gần như mất thói quen đi mua sắm trực tiếp vì nghiện shopping online.

"Trên sàn TMĐT, tôi có thể mua thượng vàng hạ cám, từ quần áo, giày dép đến đồ gia dụng, điện tử… Gần đây, Shien còn xuất hiện nhiều thương hiệu nổi tiếng như túi Coach, Baly, mỹ phẩm YSL, giày Nike…

Đương nhiên, giá trên Shein cũng rất rẻ, nhiều mặt hàng giảm giá từ 50 - 70% so với giá niêm yết và thường được miễn phí giao hàng", chị Bích cho hay .

Tìm hiểu của PV, sàn TMĐT Shein hoạt động tương tự như Shopee, Lazada hay Tiki. Người tiêu dùng chỉ cần thao tác đăng ký đơn giản bằng số điện thoại, hoặc địa chỉ email là thoải mái mua sắm.

Chưa được cấp phép vẫn rầm rộ bán hàng

Mặc dù vậy, các sàn như Shein hay Temu và 1688 cho đến ngày 28/10 vẫn chưa đăng ký hoạt động TMĐT với cơ quan chức năng Việt Nam.

Ngoại trừ sàn Temu mới nổi lên khoảng gần 1 tháng nay (vừa có văn bản xin cấp phép ngày 24/10) thì các sàn còn lại đều ngấm ngầm hoạt động tại thị trường Việt Nam nhiều năm nay.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác thực thi pháp luật đối với hoạt động của các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein hay 1688…

Từ nay đến hết tháng 10, các sàn này không đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Bộ Công thương sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật. Bộ này cũng khuyến cáo người dân không nên mua hàng trên các sàn TMĐT chưa được cấp phép.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ Công thương cho biết: Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương.

Như vậy, các sàn liệt kê nêu trên đều thuộc đối tượng phải đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Bộ Công thương, hai căn cứ quan trọng nhất để xử lý vi phạm hành chính với các sàn TMĐT hoạt động mà không thông báo tại Việt Nam là Nghị định 52/2013 và Nghị định 85/2021.

Hay Nghị định số 98/2020 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Thành, từ trước tới nay, rất nhiều trường hợp sàn TMĐT bị xử lý vì hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý. Mức phạt có thể lên tới 80 triệu đồng.

Về băn khoăn "chưa được cấp phép vẫn rầm rộ bán hàng, vì sao không yêu cầu tạm dừng bán hàng cho đến khi được cấp phép", ông Thành khẳng định: "Bản chất của việc chưa được cấp phép mà đã bán hàng là sai. Về nguyên tắc là có thể bắt các sàn này phải đóng.

Khi chưa đăng ký với Bộ, họ chỉ được phép chạy ngầm. Tức là chỉ chạy dưới địa chỉ IP để cập nhập, xét duyệt, hiển thị thông tin lên trang. Cho đến khi được cấp nhãn đã đăng ký với Bộ Công thương thì mới được phép bán hàng.

Chế tài xử phạt hiện nay là "buộc gỡ bỏ", thế nhưng trong trường hợp doanh nghiệp không gỡ bỏ thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng không có cơ chế gì để buộc doanh nghiệp thực hiện việc này".

Cạnh tranh bất bình đẳng, Nhà nước thất thu thuế

Theo đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), trong lúc các sàn TMĐT đã được cấp phép như Shopee, Lazada hay Tiki chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, chấp hành các quy định về thuế, bảo vệ người tiêu dùng… thì Temu, Shein và 1688 ngang nhiên hoạt động không phép, đồng nghĩa với việc sẽ chưa hoặc không nộp thuế, không chịu sự kiểm soát, tạo ra một cuộc chơi không công bằng.

Mặt khác, không giống như các sàn nội địa, sàn TMĐT Temu, Shein và 1688 yêu cầu khách hàng phải thanh toán bằng thẻ Visa hoặc một số trung gian thanh toán từ nước ngoài và họ cũng giao 100% hàng từ nước ngoài. Như vậy sẽ phát sinh vấn đề về cạnh tranh, chất lượng sản phẩm cũng như nghĩa vụ nộp thuế.

Vấn đề đang được dư luận quan tâm là liệu sàn nêu trên có phải chịu thuế hay không khi đã có hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký cấp phép?

Đại diện cơ quan Hải quan cho hay, khi chưa đăng ký hoạt động hay đặt trụ sở tại Việt Nam, các sàn này sẽ chưa chịu trách nhiệm về các loại thuế nội địa (do Tổng cục Thuế quản lý).

Theo vị này, trách nhiệm của chủ sở hữu giao dịch TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, Tổng cục Thuế, được quy định tại Nghị định 91/2022 (thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân, một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ…).

Riêng với sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các thông tin chung, còn phải cung cấp thông tin về doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến. Trường hợp sàn không lưu giữ đầy đủ các thông tin chung nêu trên vẫn phải thực hiện việc cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, đúng hạn.

Nếu tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT không cung cấp thông tin theo quy định, cơ quan thuế sẽ xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 125/2020.

Để làm rõ vấn đề quản lý thuế, PV Báo Giao thông đã đặt loạt câu hỏi với Tổng cục Thuế: Các sàn TMĐT như Temu, Shein, 1688... đã hoạt động rầm rộ nhiều năm nay, thu hút đông đảo khách hàng, nhưng không đóng thuế chỉ vì chưa cấp phép, điều này có vi phạm? Nếu vi phạm thì việc xử lý, truy thu thuế thế nào? Tuy nhiên, Tổng cục Thuế chỉ thông tin ngắn gọn "sẽ kiểm tra và trả lời".

Ngành thuế buộc phải thích ứng nhanh

Trước sức nóng của Temu, ngày 26/10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ yêu cầu thực hiện ngay việc rà soát thuế với sàn thương mại điện tử này.

Hiện Tổng cục Thuế đang kiểm tra dữ liệu và yêu cầu kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phó thủ tướng cho hay, hiện có 102 đơn vị đăng ký nộp thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Facebook, Microsoft… trong diện nộp thuế. Đơn cử, ở Hà Nội đã thu được 33.000 tỷ đồng tiền thuế. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), buộc chúng ta phải thích ứng nhanh, nếu không sẽ tụt hậu.

Hé lộ những 'mặt tối' khi mua sắm trên sàn TMĐT TemuHé lộ những "mặt tối" khi mua sắm trên sàn TMĐT Temu

Temu là một nền tảng mua sắm phổ biến nhờ vào giá rẻ và sự phong phú của sản phẩm, nhưng người dùng cần cân nhắc các rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt liên quan đến chất lượng sản phẩm và bảo mật thông tin cá nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.