Nếu bạn có con, và con bạn học ở một trường mà thịt lợn được cung cấp cho bữa ăn bán trú lổn nhổn sán gạo, bạn có nhảy dựng lên không?
Sau rồi, một số gia đình trong trường của con bạn đi khám, cho kết quả dương tính với sán lợn, bạn có ôm con ngồi im ở nhà để nghe lãnh đạo địa phương nói rằng, tỷ lệ nhiễm sán như vậy nằm trong bình quân chung của cả nước, tương đương với các địa phương khác, nên không phải lo lắng, hoang mang quá không?
Hay bạn sẽ ôm con ngủ ngon, chờ đến khi con bạn có dấu hiệu như ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... mới đi xét nghiêm, theo lời khuyên của các bác sỹ chuyên khoa mấy ngày nay?
Hoặc bạn sẽ mỉm cười khi đọc các con số tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng ở các tỉnh, thành phố Việt Nam rồi lẩm nhẩm: “Chuyện chả có gì phải ầm ĩ. Có nhiều thứ còn đáng kinh hoàng hơn chuyện con sán này vạn lần"?!
Chưa kể, hỏi thật bạn nhé: Nếu bạn biết miếng thịt heo đã bị nhiễm sán, bạn cũng biết chỉ cần nấu thật chín thì ăn sẽ không sao. Bạn cũng biết cho dù nhiễm sán thì uống thuốc xổ “là xong”, câu hỏi đặt ra là liệu bạn có dám ăn miếng thịt đó không?
Nếu câu trả lời là không, thì đừng phán xét đám đông phụ huynh phải khăn gói rồng rắn đưa con từ Bắc Ninh về Hà Nội xét nghiệm sán lợn.
Cũng đừng ngạc nhiên khi họ từ chối xét nghiệm ở địa phương, khi mà công ty cung cấp thực phẩm được đồn thổi là “sân sau” của lãnh đạo tỉnh, khi những phụ huynh quay clip tung lên mạng hình ảnh thịt lợn lổn nhổn sán gạo tại trường mầm non Thanh Khương trước đó từng bị khủng bố, bị dọa giết!
Giờ nói tiếp nghe này!
Có thể những con số lạnh lùng về tỷ lệ nhiễm sán trung bình của cả nước kia là đúng. Kiến thức về giun sán cũng như biện pháp chữa trị của các bác sỹ cũng đúng nốt!
Nhưng, những điều đúng ấy chỉ xảy ra trong điều kiện nhất định và mọi thứ đều phải được thực hiện chuẩn mực. Ví dụ như việc nấu chín thịt lợn bị sán gạo, ai đảm bảo rằng mọi miếng thịt được đun trong nhiệt độ, thời gian như yêu cầu? Và kể cả khi đã đun nấu kỹ lưỡng, ai đảm bảo rằng các nang sán trong miếng thịt đều chết sạch?
Không phải tự nhiên các lò hấp tiệt trùng dụng cụ cho y khoa bằng hơi nước truyền thống đều phải đạt được nhiệt độ 120 độ C hoặc hơn. Làm sao để có thể đạt được nhiệt độ đó trong nấu ăn thông thường?
Một bác sỹ ngoại thần kinh, Giám đốc một phòng khám tại TP HCM chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên gặp các ca bệnh ấu trùng giun sán "lạc" vào các mô thần kinh, như não, tủy. Đó là thảm họa, vì đại đa số các trường hợp đều để lại di chứng, gây ra tàn tật, hoặc tử vong. Hiếm có một trường hợp nào các nang giun, sán đi vào não, tủy, được phát hiện, mà không để lại di chứng, tàn tật”.
Còn nữa, chưa hết đâu!
Các con số tỷ lệ nhiễm sán ở Việt Nam ấy, nó đúng đấy, nhưng nó có phải là cái mang ra để nhìn ngắm lúc này, rồi ôm con ru ngủ? Xin thưa rằng, nguyên nhân cốt lõi nhiễm giun sán, là vấn đề vệ sinh ăn uống, thể hiện một lối sống còn lạc hậu, hoang dã. Và để một đất nước mà tỷ lệ nhiễm giun sán còn cao, vấn đề chất lượng VSATTP còn nhức nhối, thì đó là sự yếu kém, bất lực của chính quyền các cấp, mà cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu là Bộ Y tế!
Hơn nữa, với những người trưởng thành, ít nhiều có thể lựa chọn cách thức, đồ ăn hợp vệ sinh, để hạn chế nguy cơ. Nhưng với trẻ em, nhất là trẻ mầm non, hoàn toàn không có khả năng lựa chọn hay phản kháng. Để thực phẩm bẩn lọt vào bếp ăn trường học, chế biến không đảm bảo an toàn, có thể nói luôn, đó là tội ác!
Việc phụ huynh Bắc Ninh đổ xô đi xét nghiệm giun sán cho con, có thể gây tốn kém, lãng phí cả tiền bạc, thời gian, công sức, thậm chí có thể gây ra một sự hỗn loạn nhất định về xã hội. Song đó là hậu quả của việc kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm lỏng lẻo của mọi đầu mối có trách nhiệm, xuất phát từ việc chưa coi trọng đúng mức sức khỏe, mạng sống con người!
Mong rằng, qua vụ việc này, bữa ăn của các cháu bé ở Thuận Thành, Bắc Ninh sẽ sạch sẽ hơn, an toàn hơn, chất lượng hơn!
Đây cũng là lời nhắc để các bậc phụ huynh trong cả nước quan tâm, giám sát kỹ lưỡng hơn chất lượng bữa ăn bán trú của con mình.
Và cũng là sức ép để cơ quan có trách nhiệm phải bằng mọi cách giúp người dân nói không với thực phẩm bẩn, độc hại, dù dưới bất cứ hình thức nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận