Mặc dù có thông tin được xét nghiệm sán lợn miễn phí tại địa phương, nhưng trong sáng 17/3, gần 300 phụ huynh vẫn lũ lượt từ tờ mờ sáng đưa con từ Bắc Ninh về Hà Nội khám và xét nghiệm.
Để có mặt tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ lúc 5 rưỡi sáng, vợ chồng anh Hoàng Công Th. (Đức Hiệp, Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã phải khua cô con gái lên 7 dậy từ 4 giờ sáng, hẹn taxi lên đường. Lên đến đây, anh Th. đã thấy nhiều gia đình đã có mặt ở đây để xếp hàng đợi tới lượt khám và xét nghiệm. Theo anh Th., gia đình vội vàng đưa con lên làm xét nghiệm vì trước đó, anh cho con con khám ở bệnh viện huyện Thuận Thành, bác sĩ có kết luận “có vi khuẩn lạ trong máu”. Cộng với việc con ốm sốt nhẹ nên anh buộc vượt tuyến lên đây để khám.
Anh Th. cho biết: “Từ sau khi có thông tin thực phẩm bẩn vào trường học ở khu vực Thuận Thành, đặc biệt khi có trẻ xét nghiệm có nhiễm sán lợn, gia đinh đã rất lo lắng. Với chúng tôi sức khỏe của con cái là điều quan tâm nhất. Tuy nhiên, chúng tôi rất bức xúc khi chính quyền địa phương, trường học rất thờ ơ với điều này”.
Cũng theo anh Th, chi phí cho con của anh hôm nay gồm: phí khám dịch vụ, 3 xét nghiệm sán lợn, sán dây chó, giun chó, mèo, tổng phân tích máy và một số chỉ số máu cùng chụp XQ ngực (do có dấu hiệu ho)… hết 1.640 nghìn đồng. “Chưa kể đến chi phí đi lại, thuê taxi cả đi và về chắc hết khoảng 800 nghìn nữa”, anh Th. cho hay.
Chị Dương Thị S. (Thị trấn Hồ, Bắc Ninh), cũng vội đưa hai cô con gái sinh đôi tới khám và xét nghiệm, nói: “Mặc dù hiện các con chưa có dấu hiệu gì nhưng tôi thật sự lo lắng khi thấy không ít các con nhiễm sán lợn. Hơn nữa, đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường tiểu học Thanh Khương cũng cung cấp cho cả trường của con gái tôi. Tôi phải đưa con đi khám chứ không thể chờ đợi thêm được nữa”.
Chi phí khám nội, xét nghiệm sán lợn và tổng phân tích tế bào máu cho hai cô con gái của chị S hết 1.170 nghìn đồng. Chưa tính đến chi phí thuê xe đi lại.
Theo ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng TƯ, tùy thuộc biểu hiệu, bệnh trạng từ trẻ mà bác sĩ có chỉ định 1 hay nhiều xét nghiệm.
Dù là chủ nhật nhưng theo Vũ Minh Điền, khoa Cấp cứu - BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, tính tới 9 giờ sáng, đã có hơn 100 trẻ làm xét nghiệm, số bệnh nhân vẫn tiếp tục lác đác đến trong ngày. Còn tại Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ, đến khoảng 8h sáng nay, đã có 160 trẻ tới đăng ký khám, xét nghiệm sán lợn.
Cộng dồn từ ngày 15/3 đến nay, có gần 1.600 trẻ đến khám và xét nghiệm sán lợn tại các cơ sở này. Và có thể con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Thiều cho biết, với gần 700 ca đến khám trong 2 ngày (15-16/3) thì phát hiện 75 cháu dương tính với sán dây lợn.
Còn tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, sau công bố 44 ca dương tính với sán dây lợn vào tối ngày 15/3, hiện các bác sĩ đang cho chạy lại toàn bộ xét nghiệm để loại trừ nhiễm chéo.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh sán lợn, ấu trùng sán lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành phố có ca bệnh nhiễm sán lợn và ấu trùng sán lợn.
Đây không phải là lần đầu tiên ghi nhận ổ dịch có số ca sán lợn lên đến hàng hàng trăm người mắc như vậy. Trước đó, Việt Nam đã từng phát hiện một ổ hơn 100 người mắc sán lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước vào năm 2018. Khi đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu của 904 người, phát hiện 108 người dương tính sán lợn.
Trao đối với PV Báo Giao thông, LS Nguyễn Kiều Hưng cho biết, nếu người dân chứng minh được hậu quả mắc bệnh nhiễm sán lợn là do nguyên nhân từ thực phẩm bẩn thì có thể kiện, đòi doanh nghiệp bồi hoàn thiệt hại. Còn trong trường hợp chỉ nghi ngờ và đưa con đi làm các xét nghiệm liên quan thì không thể đòi bồi hoàn được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận