Bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa khi có bệnh lý về mắt (Trong ảnh: Bác sỹ Khoa Mắt - Bệnh viện GTVT thăm khám bệnh nhân) - Ảnh: Tạ Tôn |
Trẻ mù mắt, loét mắt vì mẹ nhỏ sữa, bà vắt chanh
Đầu tháng 11/2017, BV Mắt T.Ư đã tiếp nhận một ca bệnh nhi Đinh Phương T. mới 16 ngày tuổi được chuyển lên từ Sơn La. Theo chị Đinh Thị Sinh (mẹ bé Thảo, tại xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), bé T. sinh non lúc mới được 37 tuần, nặng 2,5kg. Hai ngày đầu mới sinh, bé hoàn toàn bình thường, đến ngày thứ ba, thấy mắt con có nhiều gỉ, chị Sinh đưa con ra Trung tâm Y tế Phù Yên khám thì được bác sĩ kê đơn hai lọ nước muối sinh lý và một lọ thuốc điều trị đau mắt. Sau một tuần, dùng theo đơn bác sĩ, mắt bé Thảo không đỡ mà còn nặng hơn, chị Sinh lại được “rỉ tai” cách chữa đau mắt cho con bằng cách nhỏ sữa mẹ theo "dân gian". Theo đó, hàng ngày, chị Sinh nhỏ 3 - 4 giọt sữa vào mắt con. Được vài ngày thì mắt bé Thảo sưng to, không thể mở ra. Lúc này, gia đình vội vàng đưa trẻ đi viện. Bé Thảo được các bác sĩ BV Mắt T.Ư chẩn đoán loét thủng giác mạc hai mắt.
"Mùa đông xuân thường xảy ra nhiều bệnh lý về mắt, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ, như đau mắt đỏ, viêm kết mạc. Do vậy, các gia đình cần cảnh giác, tuyệt đối không tự ý chữa bằng các phương pháp dân gian truyền miệng, tránh những hậu quả đáng tiếc”. PGS.TS Hà Huy Tài |
Mới đây, bé Phan Hoàng A. (15 ngày tuổi, TP.HCM) được gia đình đưa vào Khoa Mắt, BV Thủ Đức (TP HCM) cấp cứu trong tình trạng mắt có nhiều chất tiết vàng nhầy, loét giác mạc rộng. Qua khai thác bệnh sử của trẻ từ gia đình, được biết, khi thấy bé ra nhiều gỉ trắng ở mắt, bà nội đã áp dụng mẹo dân gian nhỏ chanh vào mắt để điều trị. May mắn, được mẹ đưa đi khám kịp thời nên bé A. đã được điều trị sớm và phục hồi thị lực.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Hà Huy Tài, Cố vấn chuyên môn BV Mắt Hà Nội 2 cho biết: “Dù đã có rất nhiều cảnh báo nhưng vẫn còn quá nhiều vụ việc đau lòng do tự điều trị mắt bằng phương pháp dân gian “rỉ tai”. Và trẻ nhỏ lại chính là nạn nhân. Nhiều trường hợp bị tổn thương giác mạc, hỏng giác mạc, hoặc có thể mất thị lực dẫn đến mù lòa vĩnh viễn”.
PGS.TS. Hà Huy Tài cho hay, việc vắt chanh vào mắt vô cùng nguy hiểm bởi chanh chứa acid citric, còn giác mạc rất nhạy cảm. Vì vậy, khi nhỏ chanh vào mắt giống như nhỏ acid lên da và có thể gây kích ứng, bỏng giác mác. Thậm chí, mắt đang bị viêm nhiễm mà nhỏ chanh càng khiến bệnh nặng hơn.
“Các phương pháp dân gian điều trị bệnh lý mắt như xông lá trầu không, nhỏ sữa, nhỏ chanh… vẫn đang được truyền tai nhau. Đây đều là các phương pháp không có cơ sở khoa học. Do vậy, các gia đình tuyệt đối không thực hiện theo”, ông Tài khuyến cáo.
Massage, bấm huyệt có thể gây hỏng nhãn cầu
Trước thông tin về việc tập yoga hay massage mắt có thể giúp chưa khỏi tật khúc xạ ở trẻ, Ths.BS. Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khẳng định: Các phương pháp này hoàn toàn không có cơ sở khoa học chứng minh là phương pháp điều trị các dị tật khúc xạ về mắt, cho dù yoga hay massage là phương pháp rèn luyện sức khỏe rất tốt. Theo ông Nguyên, những thông tin sai lệch trên nếu lan truyền rộng rãi sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trẻ nhỏ đang đeo kính cận mà bỏ kính để điều trị bằng phương pháp yoga sẽ rất nguy hiểm. Trong thời gian đầu, khi massage và tập yoga, trẻ có thể dễ chịu do những tác động vật lý bên ngoài. Tuy nhiên, sau đó mắt trẻ sẽ mỏi hơn vì phải tăng điều tiết. Do vậy, không ít trường hợp vì phải điều tiết quá mức gây ra hiện tượng nhược thị, điều trị sẽ khó khăn hơn.
BS. Đặng Xuân Nguyên còn khuyến cáo: “Việc massage mắt thô bạo thậm chí còn có thể làm hỏng nhãn cầu của trẻ, khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Cha mẹ không nên đặt niềm tin vào những người không được đào tạo về y tế, như vậy sẽ rất nguy hiểm”.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định: “Hiện, Sở Y tế Hà Nội chưa cấp phép cho bất cứ bài thuốc dân gian và gia truyền nào điều trị các bệnh lý mắt. Bởi Sở Y tế Hà Nội nhận thấy các bài thuốc dân gian chưa đủ cơ sở khoa học để điều trị bệnh về mắt. Do vậy, để tránh “tiền mất, tật mang” khi khám chữa bệnh về mắt, người bệnh cần phải tới cơ sở chuyên khoa, cơ sở khám bệnh, nhân viên y tế, bác sĩ có trình độ về nhãn khoa”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận