Các dự án xã hội hóa nạo vét luồng do nhà đầu tư bỏ kinh phí thực hiện và thu hồi vốn bằng sản phẩm nạo vét được |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vừa ký ban hành quyết định số 1508, có hiệu lực từ 17/5, công bố danh mục dự án xã hội hóa nạo vét duy tu, bảo đảm bảm giao thông, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Trên cơ sở danh mục này, nhà đầu tư đủ năng lực đăng ký với Cục Đường thủy nội địa VN và thực hiện dự án theo hình thức tự bỏ kinh phí nạo vét luồng theo chuẩn tắc kỹ thuật và thu hồi vốn từ các sản phẩm nạo vét được.
Theo đó, tổng số có 20 dự án trên các tuyến đường thủy thuộc địa bàn 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang. Các đoạn cụ thể thuộc các tuyến: sông Đà, Tiên Yên (phía Bắc), sông Hiếu, Thạch Hãn, Đầm Phá Tam Giang và sông Hương (miền Trung); kênh Xáng Long Định, Rạch Sỏi, Lấp Vò Sa Đéc, Bến Tre, Xà No, Vành Đai, Rạch Đai, Rạch Giá Hà Tiên, Mặc Cần Dưng, Vĩnh Tế, Bảy Hạp Gành Hào, Sông Bảy Hạp, Tắt Năm Căn, Gành Hào, sông Trẹm và kênh sông Trẹm Cạnh Đền (phía Nam).
Việc triển khai các dự án được thực hiện theo Thông tư số 69 ngày 9/11/2015 của Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nơi có dự án đi qua chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về bảo vệ tài nguyên môi trường, đăng ký sản phẩm tận thu và các thủ tục khác liên quan theo quy định tại Chỉ thị số 03 ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, Chỉ thị 03 nêu: Việc đăng ký khối lượng cát thu hồi trong diện tích nạo vét, khơi thông luồng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận