Xã hội

Công chức nộp thuế vài triệu, sao lại mua được nhà, được xe?

13/06/2018, 10:45

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị minh bạch tài sản công chức, không để "đóng thuế vài triệu nhưng lại mua nhà, mua xe".

DB nguyen lan hieu

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu - An Giang

Đề nghị có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng"

Hôm nay (13/6), Quốc hội dành cả ngày thảo luận Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Nhấn mạnh cử tri và nhân dân rất mừng vì quyết tâm của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), đặc biệt là những chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCTN trung ương và sự vào cuộc Ủy ban Kiểm tra trung ương, nhưng ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng nhân dân còn mong muốn phải tiêu diệt tham nhũng. Bởi vậy, ĐB đề nghị đổi tên Luật này thành Luật Phòng trừ tham nhũng.

ĐB tỉnh Bỉnh Thuận cũng nêu quan điểm, sự nghiệp PCTN là sự nghiệp của toàn dân nên cần quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác này. Tuy nhiên, theo ĐB này, Dự thảo luật chưa rõ việc khen thưởng đối với người có thành tích trong PCTN. Trong chống Mỹ chúng ta có "dũng sĩ diệt Mỹ" thì trong công tác này phải có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng - ông Việt kiến nghị.

Đề cập đến vấn đề nguồn gốc tài sản, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) nhấn mạnh quan điểm với những khoản kê khai không đầy đủ, không thể suy luận đó là thu nhập bất hợp pháp, bởi cán bộ, công chức ngoài lương thì có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác nhưng họ vì lý do nào đó muốn che giấu hoặc quên không kê khai.

Tranh luận lại quan điểm này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lại cho rằng, các khoản thu nhập hiện nay đều rõ ràng, từ thừa kế, cho tặng, trúng số xố… và tài sản của công chức đều phải được minh bạch. Ông góp ý nên thiết kế thêm điều khoản là buộc phải kê khai thuế hàng năm, từ đó so sánh với kê khai tài sản, căn cứ vào đó xem xét tính minh bạch của tài sản.

"Không thể có chuyện nộp thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ một vài triệu mà lại mua được nhà, được xe", ông Hiếu nhấn mạnh.

Cần cơ quan độc lập kiểm soát tài sản

cao-thi-xuan

ĐBQH Cao Thị Xuân - Thanh Hoá

Về cơ quan kiểm soát tài sản, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) băn khoăn nếu giao cho Thanh tra Chính phủ tập trung kiểm soát tài sản thì khó giải quyết mối quan hệ với các cơ quan đặc thù như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao... Vì thế, bà Xuân đề nghị nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết.

Đồng tình với ý kiến này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Pha cũng cho rằng cần thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và cơ quan này trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) thì đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập để thực hiện chặt chẽ, minh bạch và kiểm soát tài sản ngay từ đầu.

"Nhiều ý kiến cho rằng mở rộng khó nhưng vấn đề là phương pháp triển khai để kiểm tra biến động tài sản để phòng ngừa đấu tranh tham nhũng hiệu quả. Xử lý tài sản không giải trình được cần có các bước phù hợp. Tại sao chỉ xử lý 45%, vậy có phải vô tình hợp lý hóa 55% tài sản còn lại?. Cho nên cần làm rõ vấn đề này", bà Hạnh nói.

Nhấn mạnh tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, nữ ĐB Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, quyền luôn gắn với trách nhiệm, do đó quy định về trách nhiệm là một trong các giải pháp để hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền. Song thực tế, không ít quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể, tính khả thi không cao do sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn, vì thế, không thể đòi hỏi một người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những việc mà người đó không có quyền quyết định. 

“Việc áp đặt trách nhiệm một cách tràn lan, không căn cứ vào hành vi như trong dự thảo luật này chỉ mang đến những kết quả ngược lại. Đơn giản là điều này chỉ khuyến khích những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị che giấu tham nhũng mà thôi”, bà Thuý phân tích. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.