ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng cần có Luật biểu tình |
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (11/6) về tình trạng nhiều người dân tụ tập phản đối Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt (đặc khu), ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh, quyết định của Chính phủ, Quốc hội về dừng thông qua Dự án Luật này là kịp thời, đáp ứng mong muốn của người dân về việc các bộ luật được xây dựng trên cơ sở tham khảo các ý kiến của người dân.
Chia sẻ trên cương vị ĐBQH, ông Quốc khẳng định ông đã đóng góp rất nhiều ý kiến và thấy những ý kiến của mình, kể cả những ý kiến phát biểu tại hội trường hay ý kiến gửi thẳng cho các nhà lãnh đạo, đều được tiếp nhận.
Vậy sau những vụ việc như vừa qua, khi nhân dân phản ứng với một chính sách được ban hành, theo ông, bài học rút ra là gì?
Tôi nghĩ đây là bài học lớn, chắc chắn quá trình xây dựng luật chúng ta vẫn chưa lấy được hết ý kiến của người dân, chưa kịp thời, nhanh chóng, đặc biệt là những tổ chức nghề nghiệp hay của các chuyên gia, nên đến phút cuối cùng mới tạo thành những bức xúc không đáng có.
Thứ hai, nếu chúng ta có ý thức bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, tôi nghĩ rằng mục tiêu cuối cùng đạt được là tìm được sự đồng thuận, tìm được sự nhất trí, sự đoàn kết. Chúng ta đoàn kết lại, chúng ta mới mạnh được. Đừng biến đó thành nguyên nhân để chính chúng ta phân tâm.
Đây là bài học cho cả cơ quan lập pháp, trong đó có Quốc hội, trong quá trình xây dựng luật cần cố gắng thu thập được nhiều hơn ý kiến của người dân. Và ngược lại, tăng cường ý thức của người dân đối với những việc chung của đất nước.
Ngay sáng sớm 9/6, thông cáo về việc xin lùi thời hạn thông qua Luật đặc khu đã được công khai. Tuy nhiên, ở một số địa phương, đặc biệt là Bình Thuận, vẫn xảy ra tình trạng người dân kích động, biểu tình, đập phá trụ sở UBND tỉnh. Theo ông vì sao lại như vậy?
Việc ra thông cáo là rất kịp thời, vì chúng ta biết Bộ chính trị còn họp đến gần 3h sáng mới ra quyết định được. Cơ sở ở địa phương không kịp thời làm công tác tốt. Ở đâu cũng có các tổ chức, đoàn thể chính trị của chúng ta cả nhưng chúng ta không vào cuộc nên một bộ phận người dân tự phát, rồi cũng có thể có người gửi gắm vào đó ý đồ này, ý đồ khác nhưng chúng ta phải kịp thời ngăn chặn việc đó.
Cũng nhân dịp này, theo tôi, chúng ta rất cần một Luật biểu tình. Nếu có Luật biểu tình thì người dân có thể bày tỏ thái độ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ. Và chúng ta có thể điều chỉnh được đối với những người quá khích. Chính vì chúng ta không có luật nên mới xảy ra tình trạng này.
Tôi biết có không ít người dân rất thành tâm tham gia việc này, chứ không phải ai cũng là quá khích. Nhưng chúng ta không có hệ thống pháp lý để người dân bày tỏ quan điểm của mình dưới hình thức biểu tình
Còn việc ai đó cho rằng đã có thông cáo nhưng người dân vẫn biểu tình, thực ra không thể nói tất cả người dân đều đọc được thông tin.
Tại sao chúng ta không phổ biến cho người dân ở địa phương? Rõ ràng ở đây có vấn đề thông tin không kịp thời. Mặt khác, tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương gần như không nắm được.
Tôi biết chắc là có rất nhiều người dân không phải tự phát, vì không ít người dân còn hỏi ý kiến tôi rằng chúng tôi có nên thế này, có nên thế kia không? Quả thực là thông tin của họ không đầy đủ. Sự việc này gây bức xúc cho người dân do chúng ta tuyên truyền chưa tốt và lấy ý kiến cũng chưa tốt.
Bởi vậy, tôi nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn thiếu một luật để điều chỉnh về một quyền của người dân đã có, để người dân có cơ hội, có điều kiện bày tỏ quan điểm của mình nhưng trong khuôn khổ của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận