Kích thích chuyển dịch đất nông nghiệp
Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt vừa tổ chức Tọa đàm Bất động sản 2025 - Tìm cơ hội trong thách thức. Nội dung thu hút nhiều quan tâm của dư luận trong buổi tọa đàm là những lo ngại về tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp, nhất là trong các giai đoạn "sốt đất".
Bày tỏ quan điểm trước lo ngại này, ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết việc này không đơn giản, bởi khi gom đất người mua phải được Nhà nước cho phép, đúng quy hoạch. Khi thoả thuận đền bù, người dân, doanh nghiệp phải xin nhà nước thoả thuận. Khi cơ quan Nhà nước cho phép họ mới được quyền thoả thuận với người dân.

Ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói về lo ngại đầu cơ đất nông nghiệp.
Ông Bình cho rằng, đất nông nghiệp tăng giá là nhìn nhận đúng về giá trị vốn có của nó. Đất nông nghiệp tăng do bảng giá một phần, mà do người dân thấy giá trị giá đất tăng lên là phần lớn.
Giá đất nông nghiệp tăng lên, người dân sử dụng đất sẽ quý trọng đất hơn, bản thân người ta ý thức đầu tư vốn, bỏ ra công của bồi bổ đất để làm tăng sinh lợi đất, kích thích chuyển dịch đất nông nghiệp. Người có nhu cầu mua dễ tiếp cận hơn.
Luật Đất đai không cho người không làm nông nghiệp được sở hữu, sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu đất trồng lúa, nhưng nay đã có thể được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Điều này có thể giúp người dân làm việc ở lĩnh vực khác như công chức, viên chức đam mê có nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng để trồng lúa.
Bên cạnh đó, người dân được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, được gom đất để làm các dự án nông nghiệp, ông Bình chia sẻ.
Rủi ro khi giá nhà cao vẫn xuống tiền
Một trong những nội dung nữa được quan tâm là cơ hội của bất động sản trong năm 2025. Nhìn nhận về thị trường này trong năm mới dưới góc nhìn tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ, năm 2024, tín hiệu FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh cho thấy cơ hội 2025 rất rõ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Diễn biến này không chỉ liên quan đến hành lang pháp lý mà còn về sự kiện toàn trong cơ cấu tổ chức, kéo theo chi phí doanh nghiệp giảm đi đáng kể. Cùng với đó, nguồn vốn hơn 145.000 tỷ đồng đang đợi nhà đầu tư nhà ở xã hội cũng sẽ gợi mở hướng đi tốt cho thị trường bất động sản.
Dù vậy, ông Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng thị trường bất động sản bên cạnh những thuận lợi vẫn có những thách thức đan xen. Trong số đó là câu hỏi "Sản phẩm bán ra đến tay người tiêu dùng liệu có thật hay không?".
Bởi theo ông Hùng, gần 2 triệu tỷ đồng nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 16%. Trong đó đầu tư 2024 vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng trên 20%, tăng cao hơn tín dụng vào nền kinh tế. Trong số này, liệu bao nhiêu người dân mua nhà thực tế để ở hay họ chỉ mua nhà để tăng sở hữu?
Ông Hùng cũng cho rằng, giá nhà thời gian qua tăng cao nhưng nhiều người vẫn mua được. Những người này họ kỳ vọng trong tương lai, có thể tiếp tục hưởng chênh lệch về giá. Xét cho cùng, đây sẽ là rủi ro rất lớn cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Bàn luận về vấn đề đánh thuế bất động sản thứ 2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng là rất cần thiết. Đánh thuế bất động sản là một bài toán khó nhưng rất cần đưa vào triển khai dần, thông qua các phương tiện thông tin, qua đánh giá thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận