Tin vui thứ nhất
Tờ Business Insider trích thông tin nghiên cứu của các nhà khoa học đăng trên tạp chí Nature Geoscience hồi tháng 3/2023 cho biết, Mặt trăng có thể chứa tới 297 tỷ tấn nước được lưu trữ trong các hạt thủy tinh nhỏ trên bề mặt của nó.
Thông tin này là kết quả nghiên cứu của 28 nhà khoa học quốc tế nhằm khẳng định những nghi ngờ trong nhiều thập kỷ rằng Mặt trăng có chứa nước.
Các nhà khoa học ước tính rằng có thể có tới 297 tỷ tấn nước trên Mặt trăng. Ảnh: Sưu tầm
Sau sứ mệnh thu thập mẫu vật Mặt trăng Chang'e-5 của Trung Quốc năm 2020, các nhà khoa học đã lọc được 150 hạt thủy tinh (nhỏ hơn 1 milimet) và tìm ra nước ẩn trong chúng. Thông qua biện pháp làm nóng các hạt thủy tinh siêu nhỏ đến nhiệt độ 100 độ C trở lên, họ đã thu được nước.
Sau khi xác định, những hạt thủy tinh siêu nhỏ này chiếm khoảng 3 đến 5% đất Mặt trăng được thu thập, các nhà khoa học ước tính rằng có thể có tới 297 tỷ tấn nước trên Mặt trăng.
Theo nghiên cứu, các hạt thủy tinh tự hình thành khi các thiên thạch nhỏ va vào bề mặt Mặt trăng và tan chảy cùng với vật chất trên bề mặt.
Hejiu Hui, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Kinh được ghi nhận trong nghiên cứu, nói với CNN rằng những phát hiện này là một bước hướng tới việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên mà một ngày nào đó có thể được sử dụng làm nước uống hoặc thậm chí là nhiên liệu tên lửa cho loài người.
ESA đang xem xét dự án "Ngôi làng trên Mặt trăng". Ảnh minh họa: ESA
Phát hiện này được đưa ra khi Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang xem xét liệu việc thiết lập các căn cứ lâu dài trên Mặt trăng có khả thi hay không. Một dự án như vậy có tên là "Ngôi làng trên Mặt trăng" sẽ có phi hành đoàn và mở cửa cho các quốc gia thành viên, tương tự như cách Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vận hành.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực đưa người của mình lên Mặt trăng, cam kết hoàn thành sứ mệnh đó vào năm 2030.
Chang'e-5 là sứ mệnh trả lại mẫu Mặt trăng của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA). Sau sứ mệnh, Chang'e-5 mang về Trái đất khoảng 1,7 kg vật liệu ở độ sâu 1 mét, NASA thông tin.
Tin vui thứ hai
Niềm vui từ phát hiện này chưa dứt, giới thiên văn học tiếp tục đón nhận tin vui: Nhà khoa học tìm thấy mối liên kết đặc biệt của Trái đất và Mặt trăng, cụ thể: Hành tinh chúng ta có thể đã mang nước đến vệ tinh của nó.
Nghiên cứu công bố ngày 14/9/2023 trên tạp chí Thiên văn học Tự nhiên cho biết, Shuai Li, nhà khoa học hành tinh của Đại học Hawaii tại Mānoa - tác giả nghiên cứu - đã phát hiện ra rằng các electron năng lượng cao nằm trong đuôi plasma xung quanh Trái đất đang góp phần vào quá trình phong hóa trên bề mặt Mặt trăng. Thú vị hơn, các hạt electron này có thể đã hỗ trợ sự hình thành nước trên bề mặt Mặt trăng, Space thông tin.
Đuôi plasma xung quanh Trái đất là một khu vực chứa các hạt tích điện bị mắc kẹt trong từ quyển - một vùng không gian xung quanh Trái đất được kiểm soát bởi từ trường của hành tinh.
Lý thuyết của Shuai Li và nhóm nghiên cứu kết nối nước trên Mặt trăng với bong bóng từ tính bao quanh Trái đất gọi là từ quyển. Từ quyển che chắn hành tinh của chúng ta khỏi các hạt tích điện năng lượng cao được truyền từ Mặt trời trong gió Mặt trời.
Bản đồ hàm lượng nước trên khắp Mặt trăng. Ảnh: Shuai Li và cộng sự, 2023
Khi gió Mặt trời đập vào từ quyển, nó làm biến dạng lá chắn từ tính này, tạo ra một đuôi từ tính dài ở phía Trái đất, quay mặt ra xa Mặt trời. Cái đuôi này được gọi một cách khéo léo là đuôi từ. Các electron và ion năng lượng cao từ gió Mặt trời (và từ chính Trái đất) tạo thành một tấm plasma bên trong đuôi từ.
Vì vậy, khi Mặt trăng quay quanh Trái đất, nó sẽ đi qua đuôi từ. Kết quả là, giống như từ quyển che chắn Trái Đất, đuôi từ che chắn Mặt trăng khỏi các hạt tích điện trong khi vẫn cho phép ánh sáng Mặt trời tiếp cận bề mặt Mặt trăng.
Shuai Li và nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu được thu thập từ năm 2008 đến năm 2009 bằng thiết bị Bản đồ khoáng vật học Mặt trăng (MMM) trên tàu vũ trụ Chandrayaan-1 của Ấn Độ để đánh giá sự hình thành nước thay đổi như thế nào khi Mặt trăng đi qua đuôi từ.
"Tôi rất ngạc nhiên, các quan sát viễn thám cho thấy sự hình thành nước ở đuôi từ của Trái đất gần như giống với thời điểm Mặt trăng ở bên ngoài đuôi từ của Trái đất. Điều này chỉ ra rằng, ở đuôi từ, có thể có các quá trình hình thành bổ sung hoặc các nguồn nước mới".
Đặc biệt, Shuai Li phát hiện ra rằng bức xạ gây ra bởi các electron năng lượng cao trong đuôi từ thể hiện những hiệu ứng tương tự như bức xạ do các ion trong gió Mặt trời gây ra.
Khi gió Mặt trời - thực chất là một cơn mưa hạt tích điện từ Mặt trời - tấn công từ trường bảo vệ Trái đất, cú sốc sẽ tạo ra từ trường hỗn loạn, cuồn cuộn bao phủ hành tinh và kéo dài hàng trăm ngàn km. Nguồn: Đại học California - Berkeley
Shuai Li ban đầu bắt đầu nghĩ đến sự tương tác giữa đuôi từ và Mặt trăng bằng cách xem xét các quá trình phong hóa trên bề mặt Mặt trăng xảy ra khi Mặt trăng đi qua đuôi từ của Trái đất. Điều này tiết lộ rằng oxy trong đuôi từ làm rỉ sắt ở các vùng cực của Mặt trăng.
Nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục khám phá này bằng cách nghiên cứu môi trường plasma xung quanh Mặt trăng và hàm lượng nước ở các cực của Mặt trăng trong những thời điểm khác nhau khi Mặt trăng đi qua đuôi từ.
Công việc này sẽ được thực hiện như một phần của Chương trình Artemis của NASA - nỗ lực mới nhất của Mỹ trong hành trình đưa người đổ bộ bề mặt Mặt trăng.
Chandrayaan-1 là tàu vũ trụ đầu tiên trong Chương trình Chandrayaan thám hiểm Mặt trăng của Ấn Độ. Chandrayaan-1 được tên lửa phóng đi năm 2008 và hoạt động đến tháng 8/2009.
Nếu như Chang'e-5 giúp các nhà khoa học phát hiện ra "chỗ chứa nước" và nguồn gốc nước từ thiên thạch - thì dữ liệu của Chandrayaan-1 giúp giới chuyên gia hiểu được nguồn gốc của nước trên Mặt trăng đến từ Trái đất.
Giới chuyên môn đánh giá, việc biết được nồng độ và sự phân bố của nước trên Mặt trăng đóng một vai trò rất quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu được sự hình thành và tiến hóa của nó cũng như cung cấp tài nguyên nước cho hoạt động khám phá của con người trong tương lai.
Kiến thức về sự phân bố và tập trung nước trên Mặt trăng có thể giúp chúng ta hiểu vệ tinh tự nhiên của Trái đất đã phát triển như thế nào.
Nước có thể được những nhà thám hiểm không gian thu hoạch không chỉ để làm nguồn cung cấp thực phẩm mà còn để tạo ra nhiên liệu tên lửa có thể sử dụng cho các sứ mệnh thực hiện từ bề mặt Mặt trăng, để khám phá sâu hơn vào Hệ Mặt trời, trước hết là sao Hỏa.
Nguồn: Businessinsider, Space, NASA
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận