Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn vẫn liên tục xả thải ngang nhiên giữa ban ngày (Chụp lúc 11h ngày 9/4) |
Chiều 12/4, PV Báo Giao thông đã có buổi làm việc với đại diện UBND tỉnh Hòa Bình về những vấn đề liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường của hai Nhà máy Xi măng Trung Sơn và Vĩnh Sơn.
Theo đó, ngay sau khi Nhà máy Xi măng Trung Sơn bắt đầu vận hành (đầu năm 2015) đã phát sinh ô nhiễm. Từ đơn thư phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc kiểm tra và xác nhận tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn và khói bụi là có thật.
Từ đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Sở TN&MT và UBND huyện Lương Sơn xây dựng phương án di dời người dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của nhà máy, nguồn kinh phí di dời sẽ do chủ đầu tư nhà máy xi măng chi trả. Theo tính toán ban đầu, kinh phí di chuyển hộ dân đang sống trong phạm vi bán kính 500 m gần Nhà máy Xi măng Trung Sơn cần khoảng 600 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: “Hiện, chúng tôi đang đưa ra hai hướng giải quyết: Một là sẽ di chuyển các hộ dân ra khỏi phạm vi ảnh hưởng theo đúng quy chuẩn; Hai là DN phải đầu tư trang thiết bị, công nghệ để giảm thiểu tiếng ồn và khí thải. Công ty sẽ phải lựa chọn một trong hai phương án trên... Để lâu thêm một ngày thì dân khổ thêm một ngày. Tỉnh rất chia sẻ với người dân về điều đó”.
Trước thông tin đại diện Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn đổ lỗi cho dây chuyền sản xuất của nhà máy chưa được chuyển giao hết công nghệ dẫn đến sự cố gây ô nhiễm, ông Khánh tỏ ra rất bất bình. “Công nghệ mua về phải theo đúng dự án đã được Nhà nước phê duyệt. Trách nhiệm của DN là phải mua đúng, mua đủ còn nếu nói không được chuyển giao hết thì phải đóng cửa”, ông Khánh lập luận. Tuy nhiên, trước câu hỏi trách nhiệm đơn vị kiểm định công nghệ, đánh giá tác động môi trường trước khi Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn được phép hoạt động, ông Khánh cho biết cần phải có thời gian để kiểm tra lại?!
Ông Bùi Văn Toàn, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cũng thừa nhận, vấn đề ô nhiễm của Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn (vận hành từ năm 2013) chưa xong , lại đến lượt Nhà máy Xi măng Trung Sơn đi vào hoạt động. Về nguyên nhân tại sao để nhà máy xi măng sát khu dân cư, ông Toàn cho hay: “Thời điểm phê duyệt giấy phép, quy định về khoảng cách an toàn từ nhà máy đến khu dân cư không lớn như hiện nay. Lúc đó khoảng cách an toàn chỉ khoảng 300 m thôi (tức 300 m bán kính tính từ nhà máy xi măng đến khu dân cư - PV).
Giờ quy chuẩn môi trường mới có nâng khoảng cách lên nhưng khó triển khai vì phải đầu tư nguồn lực vào đó rất lớn. Phương án hợp lý nhất là kết hợp giữa di dời những hộ dân gần nhất, bị ảnh hưởng nhất với việc nhà máy cũng phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị để giảm thiểu ô nhiễm”, ông Toàn phân tích.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án Nhà máy Xi măng Trung Sơn (chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh) nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2006. Trong khi đó, Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn thuộc Công ty CP Xi măng Vĩnh Sơn, dù không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng vẫn được cấp phép xây dựng ngay sát Nhà máy Xi măng Trung Sơn!?
PV Báo Giao thông đã đặt vấn đề với Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình song đơn vị này lại “khất hẹn” để có thời gian chuẩn bị hồ sơ vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận