Nhiều khó khăn trong quản lý, xử lý xe hợp đồng trá hình
Tại tọa đàm "Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở" do Báo Giao thông tổ chức chiều 19/12, Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định vẫn diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.
Điển hình là việc cá nhân, tổ chức kinh doanh xe hợp đồng sử dụng nền tảng mạng xã hội, website quảng cáo bán vé; tìm đủ chiêu trò hợp thức hóa hợp đồng. Các đối tượng cũng sử dụng văn phòng đại diện, điểm kinh doanh đặt gần các bến xe, tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để đón trả khách, qua mặt lực lượng chức năng.
Để xử lý các trường hợp xe hợp đồng trá hình, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian theo dõi, ghi hình, đấu tranh với hành khách đi xe mới lật tẩy được chiêu trò.
Nhiều đơn vị kinh doanh còn sử dụng đội ngũ cộng tác viên hay còn gọi là "cò" theo dõi lực lượng chức năng để thông tin cho nhà xe, hành khách những vị trí đón.
Một khó khăn nữa trong xử lý vi phạm xe hợp đồng trá hình là các chế tài về xử lý vi phạm còn chưa mạnh, đặc biệt là việc xử lý đối với những xe vi phạm nhiều lần.
Ngoài ra, việc khai thác dữ liệu từ giám sát hành trình phục vụ xử phạt hiện vẫn rất thủ công. Hệ thống này có lượng truy cập rất lớn, không chỉ là ngành GTVT, Cục CSGT mà còn có cả lực lượng công an địa phương.
Từ đó, ông Tuấn đề xuất cần đầu tư nâng cấp, nâng cao chất lượng đường truyền, giúp lực lượng chức năng thuận lợi khi truy cập lấy dữ liệu làm cơ sở xử phạt.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay, hầu hết các địa phương đều gặp vướng mắc khi xác định xe hợp đồng có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp giữa các chuyến đi vượt quá 30% tổng số chuyến trong tháng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, đối với đơn vị có nhiều phương tiện còn dễ dàng đảo các xe để lách quy định trên khiến việc xác định vi phạm khó khăn hơn.
"Về vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo Cục Đường bộ, Bộ GTVT và đề xuất phải có phần mềm để chỉ ra các vi phạm của phương tiện, doanh nghiệp một cách rõ ràng, trên cơ sở đó, lực lượng TTGT, CSGT sẽ căn cứ vào để xử lý", ông Tuyển nói.
Thừa nhận tồn tại những bất cập trên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết thêm, hiện Nghị định 10 đã quy định với các xe vận tải hợp đồng, trước khi thực hiện chuyến đi, doanh nghiệp phải gửi email hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách về Sở GTVT nhưng số lượng nhân sự tại các Sở không đáp ứng được dẫn đến hạn chế trong việc rà soát theo phương thức thủ công.
Khó khăn trong quản lý xe hợp đồng trá hình dẫn đến sự nở rộ của loại hình này, ảnh hưởng đến việc thu thuế của nhà nước, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của các bến xe, đặc biệt khi xe trá hình vào đón từng khách sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, TNGT ở đô thị.
Còn theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, hiện nay việc thu thuế của các doanh nghiệp vận tải dựa trên nguyên tắc tự khai tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Với xe hợp đồng trá hình thực tế có rủi ro trong thất thu thuế.
Ứng dụng công nghệ quản lý xe hợp đồng
Đại úy Nguyễn Văn Tứ, Phó đội trưởng Phòng hướng dẫn tuần tra kiểm soát đường bộ, đường sắt, Cục CSGT cho biết, yếu tố cốt lõi để quản lý, xử lý xe hợp đồng trá hình là phải kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị quản lý nhà nước.
Từ đó đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện việc phối hợp để xử lý vi phạm hành chính từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.
Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty công nghệ An Vui cho cho rằng, để quản lý xe hợp đồng, quy định pháp luật đã có đủ song thiếu công cụ quản lý.
Nếu như xe tuyến cố định có lệnh vận chuyển điện tử, gửi về Cục Đường bộ VN trước mỗi chuyến đi thì xe hợp đồng cũng có hợp đồng điện tử và theo quy định, trước khi thực hiện chuyến đi, hợp đồng điện tử phải được gửi về Cục Đường bộ hoặc Bộ GTVT để quản lý.
"Như vậy, trước khi xe lăn bánh, dữ liệu hợp đồng đã được quản lý tập trung ở phần mềm của Cục Đường bộ, khi cần kiểm tra chỉ cần quét mã vạch hợp đồng, lập tức truy xuất được thông tin.
Dữ liệu này cũng sẽ đi kèm dữ liệu hóa đơn điện tử để gửi sang bên thuế. Khi đó, doanh nghiệp không thể né thuế được", ông Mạnh nói và cho rằng cần khẩn trương ứng dụng công nghệ để xây dựng phần mềm quản lý hợp đồng điện tử của các xe hợp đồng.
"Nếu thực hiện việc gửi hợp đồng vào email của Sở GTVT như hiện nay thì không khác nào dùng cung tên bắn máy bay. Tôi chắc chắn hầu hết cán bộ ở các sở không đủ sức để kiểm tra tất cả email. Chỉ trong thời gian ngắn, email rất có thể đầy và không nhận thêm được nữa. Vậy khi doanh nghiệp đẩy lên mà sở không nhận được thì lỗi ở ai?", ông Mạnh nêu ý kiến.
Cũng theo ông Mạnh, tại bến xe miền Tây (TP.HCM), đang ứng dụng công nghệ bến xe điện tử của An Vui, người dân không cần ra bến mà chỉ cần ngồi nhà, vào ứng dụng có thể dễ dàng mua vé, từ đó giúp thu hút khách hàng cũng như doanh nghiệp vào bến.
"Với nền tảng công nghệ này, hoàn toàn có thể đón lệnh vận chuyển hay hợp đồng điện tử để tạo thành cơ sở dữ liệu dễ dàng truy xuất thông tin. Việc chia sẻ dữ liệu này với Bộ Công An để hỗ trợ xử lý vi phạm hay đính kèm mã hợp đồng với hóa đơn điện tử để thu thuế hoàn toàn khả thi, doanh nghiệp không thể trốn được thuế", ông Mạnh khẳng định.
Đồng quan điểm, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cho biết, việc thu thuế sẽ thuận lợi hơn thông qua phát hành hoá đơn điện tử.
"Trước đây chúng ta tranh cãi việc thất thu thuế từ Uber, Grab… nhưng rõ ràng khi áp dụng công nghệ, việc quản lý và thu thuế thuận tiện rất nhiều, gần như thu được 100%.
Với ngành GTVT, hiện chỉ còn phần thuế thu nhập cá nhân với chủ phương tiện còn một số khó khăn. Trong tương lai sẽ giảm bớt đầu mối thì việc này sẽ được cải thiện.
Tôi mong muốn mô hình vận tải sẽ được quản lý theo loại hình doanh nghiệp trở lên còn để mô hình cá nhân, hộ kinh doanh thì khó khăn trong thu thuế vẫn còn những tồn tại", bà Lan nêu quan điểm.
Về phía Cục Đường bộ VN, ông Thông cho biết, theo đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023- 2025, định hướng đến 2030" Bộ GTVT mới phê duyệt, tới đây sẽ nâng cấp phần mềm để tự động rà soát hành trình trùng lặp, điểm đi, điểm đến giúp các Sở GTVT phát hiện vi phạm.
Đồng thời cũng xây dựng phần mềm tiếp nhận hợp đồng điện tử để quản lý tập trung, dễ dàng trích xuất, đối chiếu. Từ đó, góp phần quản lý hoạt động của xe hợp đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận