Điều tra

Công nhân kêu cứu, yêu cầu công khai tiền cho Thành Bưởi thuê đất

17/07/2017, 09:14

Gần 100 công nhân của Công ty CP Giày Sài Gòn tập hợp tại 419 Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM kêu cứu...

22

Công nhân bức xúc vì chủ tịch Công ty CP Giày Sài Gòn không trả lời về số tiền cho Thành Bưởi thuê đất

Gần 100 công nhân của Công ty CP Giày Sài Gòn tập hợp tại 419 Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM kêu cứu vì suốt 2 năm không nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, họ yêu cầu công ty phải công khai số tiền thu được hàng tháng từ việc cho Công ty Thành Bưởi thuê đất làm bến xe.

Bức xúc vì nhiều lần bị thất hứa

Từ đầu năm 2016 đến nay, Công ty CP Giày Sài Gòn đã nhiều lần hứa hẹn sẽ trả tiền trợ cấp mất việc cho công nhân, lần gần nhất là cam kết trả trước ngày 15/7. Tuy nhiên, trong hơn 8 tỷ đồng tiền nợ, công ty này chỉ mới trả được khoảng hơn 1 tỷ đồng. Vì thế, từ 7h30 sáng 15/7, gần 100 công nhân đã tập hợp tại trụ sở công ty yêu cầu phải trả hết số tiền trợ cấp mất việc. “Suốt gần hai năm bị Công ty CP Giày Sài Gòn cho nghỉ việc đến nay, chúng tôi vẫn không nhận đủ tiền trợ cấp mất việc. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu, đã nhẫn nại quá nhiều”, chị Nguyễn Thị Thu Chung, một trong những công nhân có mặt sáng 15/7 bức xúc.

Mặc dù không trả đủ tiền như đã cam kết, công nhân tập hợp tại sân công ty và có lãnh đạo Liên đoàn lao động Q.10, công an quận và công an thành phố… nhưng không có người bên Công ty CP Giày Sài Gòn ra tiếp công nhân. Cuối cùng, phải hơn 2 giờ sau, ông Nguyễn Quốc Đại, Chủ tịch HĐQT mới xuất hiện tại hội trường.

Sẽ khởi kiện

Mới đây, Công ty CP Giày Sài Gòn đã bị Sở TN&MT TP HCM xử phạt và truy thu 720 triệu đồng tiền cho thuê đất. Công ty cũng bị UBND TP yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê đất trái phép. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, thông tin này đã không được công bố tới các cổ đông.

Sau cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT ngày 15/7, các công nhân đã quyết định gửi văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng, gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan báo chí và chuẩn bị khởi kiện. Trong đơn, phía công nhân đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ một số khoản thu chi của Công ty CP Giày Sài Gòn như: Tiền bán máy móc, thiết bị hơn chục tỷ đồng đi đâu, về đâu? Tiền cho Công ty Thành Bưởi thuê đất làm bến xe là bao nhiêu, đã tiêu vào những việc gì…?

Ngay khi vào cuộc đối thoại bất đắc dĩ với gần 100 công nhân, ông Đại yêu cầu một số nhà báo có mặt ra ngoài. Tuy nhiên, hàng loạt công nhân đứng dậy phản đối, yêu cầu để nhà báo tham dự, đưa tin, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Ông Đại cho rằng, một số bài báo đưa tin về Công ty CP Giày Sài Gòn là “tà bút”. Tuy nhiên, chị Thu Trang, công nhân của Công ty Giày Sài Gòn thẳng thắn: “Nhà báo viết không sai gì cả, miệng ông có tà mới đúng”.

Sau khi nhiều công nhân đứng lên yêu cầu gặp ông chủ thực sự của Công ty CP Giày Sài Gòn, vì ông Đại cho rằng mình “chỉ là người làm thuê”, ông Đại nói: “Tôi xin lỗi công nhân và sẽ cố gắng hết sức”, đồng thời xin hẹn thêm 3 tháng nữa thu xếp vay mượn tài chính để trả tiền cho công nhân. Tuy nhiên, do đã quá nhiều lần bị thất hứa, các công nhân cho rằng, nếu xin thêm 3 tháng thì phải trả tiền lãi gấp đôi… Trước kiến nghị này, ông Đại cho rằng mình không quyết định được việc đó.

Ông Tô Văn Quốc (53 tuổi) cho biết, ông gắn bó với công ty gần 30 năm, giờ không thể tìm được việc nào khác để có thu nhập. “Công ty vẫn còn nợ 37,5 triệu nữa mà không biết bao giờ mới trả. Lần nào cũng hứa và hứa bây giờ chúng tôi phải làm sao?”, ông Quốc bức xúc. Chủ tịch Liên đoàn lao động Q.10 có mặt tại đây cũng cho biết, nếu là cá nhân ông cũng rất bức xúc về việc này. Vì Công ty CP Giày Sài Gòn đã nợ tiền của công nhân quá lâu rồi nhưng đến giờ không biết bao giờ mới trả nợ xong.

Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Sài Gòn có cổ phần ở Thành Bưởi?

Cuộc trao đổi “bất đắc dĩ” giữa Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giày Sài Gòn và công nhân diễn ra khá căng thẳng, kéo dài tới tận 14h30. Trong khi ông Đại liên tục kêu do khó khăn nên chưa trả được tiền hết cho công nhân, nhiều công nhân lại đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh điều ngược lại, cũng như bày tỏ sự khó hiểu khi công ty đang làm ăn được thì lại cho hàng loạt công nhân nghỉ việc, thanh lý máy móc.

Điều đáng nói, khi ông Đại than với công nhân: “Tôi tiếp quản khi công ty đã lỗ luỹ kế trên chục tỷ đồng rồi”, nhiều công nhân đặt ngược lại câu hỏi: Vậy tại sao biết công ty đang âm vốn như vậy mà ông và các nhà đầu tư mới vẫn nhảy vào mua? Mua rồi cho công nhân nghỉ việc hết cùng một thời điểm và thanh lý hết máy móc, liệu những người mới tiếp quản công ty có thực sự vì muốn phát triển ngành nghề của công ty hay vì mục đích cá nhân, muốn sở hữu miếng đất 3 mặt tiền của công ty?

Cũng tại buổi tiếp xúc bất đắc dĩ này, một công nhân lên tiếng cho rằng, ông Đại đang có cổ phần tại Công ty Thành Bưởi. Mà Thành Bưởi lại là doanh nghiệp đang thuê đất của Công ty CP Giày Sài Gòn để làm bến xe. Vì thế, cần phải công khai tiền thuê là bao nhiêu. Ông Lã Văn Hùng, công nhân Công ty CP Giày Sài Gòn kiến nghị: “Trước đây chúng tôi nghĩ anh Đại không liên quan gì, nhưng giờ chúng tôi biết anh còn có cổ phần bên Công ty Thành Bưởi nữa, hẳn lương anh phải cao. Vậy, hàng tháng, hay một quý Công ty CP Giày Sài Gòn đã cho Thành Bưởi thuê bao nhiêu tiền?”.

Câu hỏi này không được giải đáp, hoặc giải đáp không đúng trọng tâm nên sau đó công nhân liên tục yêu cầu ông Đại phải trả lời. Ông Đại cho rằng, tiền thu chi thế nào đã báo cáo đầy đủ trên web công ty, hàng năm công ty có kiểm toán, Công ty CP Giày Sài Gòn là công ty đại chúng thông tin công khai hết. “Chỉ cần có kiến thức tài chính một chút lên trên mạng, website công ty là có hết, vì thế tôi sẽ không trả lời ở đây”, ông Đại nói. Cảm thấy không thỏa đáng, công nhân cho rằng, tại đại hội cổ đông ngày 29/6 vừa qua, ông Đại cũng nói lên website để xem. Tuy nhiên, thấy nội dung báo cáo kiểm toán, trong đó chỉ ghi chung chung “nguồn thu khác”, nhiều công nhân yêu cầu ông Đại giải thích trực tiếp. Mặc dù vậy, ông Đại đã cố tình không trả lời thẳng thắn mà nói công nhân “tự tìm hiểu, lấy doanh thu và chia cho 12 tháng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.