Kinh tế

Công nhân thiếu thốn chỗ ở, nhiều địa phương "ra tay" tháo gỡ

30/09/2021, 19:30

Bắc Giang, một trong những tỉnh "nóng" về công nghiệp đã xây dựng lộ trình hoàn thành 90% nhu cầu về nhà ở cho công nhân trong 5-10 năm tới.

Công nhân long đong thuê trọ, chuyển nhà

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, trưởng phòng quản lý nhân sự một công ty sản xuất cơ khí tại Khu công nghiệp Quang Minh cho biết, đơn vị này có hơn 300 nhân sự bao gồm cả hành chính văn phòng và công nhân sản xuất.

Những nhân sự có gia đình phải xoay xở mua nhà, số công nhân chưa lập gia đình đều tự thuê trọ, hoàn toàn không có sự hỗ trợ nào. Chính vì thế mà có nhiều người phải đi hơn 30km từ nhà đi làm. Cũng có người phải dậy đi làm từ 5h sáng để kịp ca.

img

Công nhân khu công nghiệp tại Bắc Giang

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (Sơn La), công nhân khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh cho hay, công ty không hỗ trợ chỗ ăn ở nên hai vợ chồng phải thuê trọ gần đó. Thu nhập không cao nhưng mỗi tháng đã phải tách ra 2 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, chưa tính chi phí khác.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 202 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với số lượng 7.342.969m2 sàn. Trong đó đã hoàn thành 111 dự án với quy mô xây dựng 2.301.909m2 sàn, đạt tỉ lệ 36% so với kế hoạch; Các địa phương tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5.041.060m2 sàn nhà ở. Trong khi đó, lượng công nhân trên cả nước ước tính 4,8 triệu người. Hơn 70% công nhân đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây.

Theo Bộ Xây dựng, có 4 nguyên nhân chính khiến việc triển khai nhà ở xã hội cho công nhân gặp nhiều trở ngại: Nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân thiếu; Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội cũng còn bỏ ngỏ; Doanh nghiệp địa ốc không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân cho chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn; Công nhân lao động đa phần gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chưa đủ lực tài chính để mua nhà.

Để tháo gỡ tình trạng này, Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương, khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Đồng thời, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Sản phẩm nhà ở cho công nhân phải phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Cuộc sống thuê trọ không được ổn định, năm bữa nửa tháng lại đổi chỗ ở 1 lần. Khi thì chủ nhà xây sửa mới, hoặc đột ngột tăng giá, khi thì thiếu thốn điện nước... "Khổ nhất là hai đứa trẻ đi học mầm non, bố mẹ chuyển trọ đến đâu con lại theo chuyển trường đến đó, 1 năm chuyển 4 trường là bình thường", chị Hoa cho biết.

Ông Nguyễn Đình Thái, Uỷ viên hội môi giới BĐS Việt Nam, Chủ tịch câu lac bộ BĐS Bắc Ninh cho hay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay có khoảng 40 dự án cho công nhân. Tuy nhiên, lượng nhà trọ mới đáp ứng khoảng 50% số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.Thiếu nguồn cung khiến nhà ở hỗ trợ công nhân cũng đang tăng giá, giá bán trước đây khoảng 700 triệu đồng/căn thì nay tăng lên 800 triệu (mỗi căn 50-70m2).

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn đang có 9 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 2.427ha, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, Song Khê, Hòa Phú; Một khu công nghiệp Việt Hàn đang chuẩn bị đầu tư, diện tích khoảng 50ha, đến năm 2025 mở rộng quy mô thêm 148ha; Ba khu công nghiệp đang thực hiện các thủ tục đầu tư: Yên Lư 377ha, Yên Sơn 300ha, Tân Hưng 105,3ha.

Ngoài ra, Bắc Giang đang mở rộng 2 khu công nghiệp hiện có là Quang Châu 90ha, Hòa Phú 85ha.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 37 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.369ha. Tổng số công nhân hiện tại khoảng 205.000 người, trong đó công nhân tại khu công nghiệp khoảng 164.000 người, tại cụm công nghiệp khoảng 41.000 người; công nhân có nhu cầu về nhà ở khoảng 107.000 người (chiếm khoảng 52%).

Sở này dự báo, giai đoạn 2021-2025, khi 9 khu công nghiệp và 34 cụm công nghiệp được lấp đầy, tổng số công nhân khoảng 583.000 người. Số công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng 424.000 người (chiếm khoảng 75%).

Bắc Giang định hướng đến năm 2030, hoàn thành thêm 20 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp. Số lao động tăng thêm khoảng 1.038.000 công nhân, trong đó khoảng 763.000 người (khoảng 75%) có nhu cầu về nhà ở xã hội.

Bắc Giang: Tích cực thu xếp nhà ở cho công nhân

Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, hiện toàn tỉnh có 6 dự án nhà ở công nhân đã lựa chọn nhà đầu tư, trong đó 2 dự án đang triển khai thi công là dự án Vân Trung do Fugiang làm chủ đầu tư và dự án nhà ở công nhân thôn Chiền Nội Hoàng do FUJI làm chủ đầu tư; Một dự án chưa khởi công do chưa giải phóng được mặt bằng là khu nhà ở công nhân Đình Trám do CT Vương Vĩ làm chủ đầu tư; Hai dự án đang chuẩn bị lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi là nhà ở công nhân thị trấn Nếnh tại CT1,2 và nhà ở công nhân Nham Biền.

Còn lại là các dự án đang lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định đầu tư... Dự kiến đến năm 2025 hoàn thành 20 dự án đưa vào sử dụng, đáp ứng được khoảng 300.000 công nhân cho 9 khu công nghiệp; 10 dự án tại các huyện, thành phố phục vụ cho 76.000 công nhân làm việc trong các cụm công nghiệp.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã phê duyệt Đề án Phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy định lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, sẽ thông qua kỳ họp UBND tỉnh tháng 10 tới đây.

Mục tiêu nghị quyết, đến năm 2025, giải quyết khoảng 80% (339.000 người) nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Định hướng đến năm 2030, giải quyết khoảng 90% (687.000 người) nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.

Ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, theo chủ trương của tỉnh, người đứng đầu cấp ủy, các ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chịu trách nhiệm trong việc bố trí đủ quỹ đất, quản lý quy hoạch và thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch phê duyệt, chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu nhà ở xã hội dành cho công nhân, tỷ lệ 1/500 quanh các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, kịp thời rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra. Tổ chức công bố, công khai các đồ án quy hoạch theo đúng quy định để nhân dân biết, giám sát và phối hợp thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Thái, Chủ tịch câu lac bộ BĐS Bắc Ninh cũng cho biết, sau khi xảy ra dịch Covid-19 mới thấy rõ, nhà ở cho công nhân có vai trò rất lớn trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống, anh sinh xã hội, chính vì thế lãnh đạo tỉnh rất rốt ráo chỉ đạo về phát triển quỹ nhà này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.