Tăng cường sử dụng thiết bị cơ giới vào duy tu sửa chữa đường sắtđể giảm xóc lắc nâng cao an toàn chạy tàu |
Chia công, khoán việc quản đường
Để tăng cường an toàn chạy tàu, giảm thiểu TNGT, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt (QLĐS) Thanh Hóa đã đưa ra nhiều sáng kiến, nhằm nâng cao chất lượng cầu đường và an toàn chạy tàu trong đó có việc gắn trách nhiệm con người với duy tu đường sắt và tự chủ kinh phí bố trí người cảnh giới tại đường ngang.
Công ty QLĐS Thanh Hóa được giao quản lý 120,5 km đường sắt Bắc - Nam qua hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với đặc thù phần lớn nằm trong khu vực đất trũng, ray, tà vẹt đã cũ và có đến trên 15 km nền đường lún ép, phụt bùn thường xuyên biến dạng.
Thống kê cho thấy, năm 2014, trong công tác duy tu sửa chữa cầu đường 100% phụ kiện được xiết sửa bằng máy; 90 km được chèn bằng máy chèn 08-8GS; 6 km được sàng đá bằng máy sàng RM 74BRU của Cộng hòa Áo. Các điểm phụt bùn, mối chài, lỏng được sửa chữa triệt để. Thay thế 130 thanh ray P50L=25m; 3.740 thanh TVBT DƯL cộng phụ kiện đồng bộ; bổ sung 4.532 m3 đá dăm...
Điểm nổi bật trong những cách làm sáng tạo của Công ty QLĐS Thanh Hóa năm 2014 chính là việc chủ động chia công, khoán đường cho người lao động. Ông Hoàng Gia Khánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV QLĐS Thanh Hóa cho biết: Với 14 cung đường, bốn cung chắn, ba cung cầu, 6 đội thi công, tổng số 893 công nhân, để nâng cao hiệu quả, bên cạnh việc giám sát chặt quá trình thi công sửa chữa, đơn vị áp dụng hình thức chia công, khoán đường, gắn trách nhiệm cá nhân trên mỗi cây số được giao. “Nếu trong tháng, người lao động hoàn thành đủ số công khoán, không để xảy ra sự cố trên phần được giao sẽ được hưởng thêm tiền công bằng số công khoán xem như tiền thưởng tháng. Ngược lại, sẽ bị trừ vào lương nếu không hoàn thành và tính vào thành tích thi đua năm”, ông Khánh cho biết thêm.
Cách làm trên đã triệt tiêu đi tư tưởng ỷ lại, giúp người lao động chủ động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng duy tu, sửa chữa cầu đường.
Trong ba năm qua, Công ty TNHH MTV QLĐS Thanh Hóa đã đảm bảo tuyệt đối an toàn, liên tục góp phần tăng tốc độ chạy tàu. Năm 2013, tốc độ bình quân 78,77 km/h; năm 2014 tốc độ bình quân 79,41 km/h, trong đó có 6 km tốc độ lên đến 100 km/h (Km 177+800 - Km 183+800). Số điểm xóc lắc vượt ngưỡng tiêu chuẩn do máy đo từ 2,98 điểm/km năm 2012 giảm còn 2,17 điểm/km vào năm 2013, và 0,87 điểm/km năm 2014.
Tự chủ kinh phí cảnh giới đường ngang
Hiện toàn tuyến có 203 đường ngang và lối đi dân sinh, tuy nhiên, chỉ có 30 điểm có gác chắn bảo vệ, 54 điểm phòng vệ bằng hệ thống cảnh báo tự động và phòng vệ bằng biển báo, số còn lại là lối đi dân sinh tự mở.
Trước thực tế trên, từ năm 2011, Công ty đã chủ động cân đối kinh phí, bố trí người cảnh giới tại 6 vị trí đường ngang tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Năm 2012, số vị trí có người cảnh giới được nâng lên 13 điểm, trong đó ba điểm gác phối hợp với nhân dân địa phương.
Để duy trì 13 điểm cảnh giới nêu trên tại các khu vực là “điểm nóng” TNGT như: Bỉm Sơn, Đò Lèn, TP Thanh Hóa, Yên Thái... mỗi năm, đơn vị phải trích hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của công ty trả lương, duy trì chế độ cho nhân viên gác chắn. Nhờ có người cảnh giới, nên tại 13 đường ngang kể trên, TNGT, ùn tắc giao thông đã chấm dứt. Cùng đó, đơn vị cũng chủ động phối hợp thực hiện hiệu quả “Quy chế phối hợp đảm bảo TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt theo văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa”.
Trong năm 2014, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng địa phương phối hợp xử lý hai vụ xâm lấn hành lang ATGT tại phường Tào Xuyên và phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa; Tổ chức đóng 5 đường ngang dân sinh tự phát; đặt 8 điểm báo tin tai nạn, trở ngại, gây mất TTATGT đường sắt; Sửa hệ thống rào chắn, gờ giảm tốc, cắm mới 108 biển cảnh báo tại các lối đi dân sinh, phát quang tầm nhìn…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận