Những năm qua, Công ty CP Xe lửa Dĩ An liên tục tiếp nhận những dự án quan trọng của ngành đường sắt Việt Nam và hoàn thành với chất lượng tốt nhất, đúng tiến độ. Để làm được như vậy, lãnh đạo đơn vị không ngừng nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân; đầu tư máy móc, trang thiết bị…
Đưa vào hoạt động hàng loạt đầu máy, toa xe chất lượng
Hiện nay, Xe lửa Dĩ An có 206 cán bộ, công nhân viên, đặc biệt với đội ngũ kỹ sư thiết kế đông đảo về số lượng, tinh giỏi về tay nghề, các lao động kỹ thuật lành nghề, nắm bắt và làm chủ máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện các dự án đóng mới, sửa chữa đầu máy toa xe cũng như việc hồi sinh những đầu máy “cổ lỗ sĩ nhất” phục vụ ngành du lịch…
Những ngày cuối tháng 11, đội ngũ kỹ sư, thợ cơ khí của Công ty CP Xe lửa Dĩ An (Bình Dương) phối hợp với Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên đang vào giai đoạn “nước rút” của dự án sửa chữa 2 đầu máy diesel D5H - 053 và D4H - 865.
Dự kiến, ngày 30/11 sẽ hoàn thành đầu máy D5H 053 và trong tháng 12 hoàn thành D4H 865. Đây là hai đầu máy dùng để kéo, chạy thử, kiểm tra kỹ thuật toa xe đường dài (những toa xe đóng mới và sửa chữa lớn) của công ty.
Ngay từ những ngày đầu, khi bắt đầu đưa các đầu máy kể trên vào sửa chữa tại Công ty CP Xe lửa Dĩ An, chúng tôi đã có mặt và chứng kiến, đó là những đầu máy đã qua nhiều lần đại tu, các đơn vị đầu máy “loại khỏi biên chế”, tưởng khó có khả năng khắc phục. Tuy nhiên, nhờ những bàn tay và khối óc tài hoa, sáng tạo của các cán bộ, kỹ sư, công nhân Xe lửa Dĩ An và Xí nghiệp Yên Viên, những đầu máy đã dần được đại tu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Hoán, Phó giám đốc Công ty CP Xe lửa Dĩ An cho hay, sở dĩ công ty hợp tác với Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên bởi đây là đơn vị có truyền thống và bề dày kinh nghiệm về sửa chữa đầu máy diesel trên đường sắt Việt Nam. Làm cùng với đơn vị này, các cán bộ, công nhân của Xe lửa Dĩ An sẽ có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm sửa chữa cũng như lắp đặt đầu máy, tạo tiền đề cho dự án lắp ráp đầu máy đổi mới D19E trong nước cho Đường sắt Việt Nam sau này.
Thông qua quá trình sửa chữa 2 đầu máy D5H 053 và đầu máy D4H 865, cán bộ, công nhân viên kỹ thuật Công ty CP Xe lửa Dĩ An nắm bắt được quy trình sửa chữa, lắp ráp đầu máy, phục hồi, đại tu các chi tiết, các kỹ sư, người thợ của Xe lửa Dĩ An sẽ tích lũy kinh nghiệm, làm quen với kết cấu, các bộ phận, cụm chi tiết của đầu máy diesel tiến tới bắt tay vào thi công sửa chữa, lắp ráp đầu máy D19E.
Theo tìm hiểu, những năm gần đây, Xe lửa Dĩ An không ngừng nâng cao năng lực, công nghệ và nguồn nhân lực để tiếp nhận, thi công nhiều dự án quan trọng bậc nhất phục vụ ngành. Điển hình như từ năm 2011 - 2012, đơn vị đã thực hiện dự án đóng mới 100 toa xe G (xe hàng có mui). Từ năm 2013 - 2015 hoàn thành các dự án nâng cấp cải tạo toa xe khách cho Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn. Năm 2016 - 2017, công ty thực hiện các dự án đóng mới 6 toa xe Bưu vụ cho Bưu điện VN; Thực hiện dự án đóng mới 16 toa xe khách nhẹ (đoàn tàu TH3) cho Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn. Năm 2017 thực hiện tiếp 14 toa xe; hoàn thành dự án đóng mới 7 toa xe khách TH3 cho Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội; Thực hiện dự án đóng mới 110 xe Mc (xe chở container), cải tạo đoàn xe Mc chở container lạnh; khôi phục thành công 2 đầu máy hơi nước cho Công ty Du lịch Đông Dương để phục vụ tuyến du lịch khu gian Huế - Đà Nẵng. Năm 2018, đơn vị thực hiện dự án đóng mới 11 toa xe khách TH3 cho Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn; đóng mới 7 toa xe khách; nâng cấp cải tạo 17 toa xe khách cho Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội. Năm 2019, tiếp tục thực hiện dự án đóng mới 11 toa xe khách TH3 cho Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn; nâng cấp cải tạo 16 toa xe khách cho Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội.
Sẵn sàng đại tu hàng loạt đầu máy diesel
“Hiện nay, đường sắt Việt Nam đang sử dụng rất nhiều chủng loại đầu máy được nhập về từ các nước, có nhiều loại đã sử dụng nhiều năm. Vì vậy, về cơ bản, đường sắt Việt Nam còn rất yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật, đại bộ phận các đầu máy (khoảng trên 300 đầu máy) vẫn là thế hệ đầu máy cũ, đã vận hành trên 20 năm.
Trong tổng số các đầu máy trên thì số đầu máy có thời gian sử dụng trên 20 năm chiếm 81%, trong đó hầu hết là số đầu máy đã quá thời gian được phép sử dụng và lạc hậu về kỹ thuật. Do thiếu sức kéo nên đường sắt Việt Nam vẫn phải tiếp tục sử dụng với những chi phí để duy trì sức kéo rất tốn kém, khi sửa chữa thì những phụ tùng nguyên thủy dùng để thay thế là rất ít...”, ông Hoán cho hay.
Ông Hoán cũng cho biết, hiện nay, Công ty CP Xe lửa Dĩ An đang đầu tư, sửa chữa trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác lắp ráp, sửa chữa đầu máy diesel cho đường sắt Việt Nam và lắp ráp đầu máy trong nước. Chẳng hạn như, đơn vị đã đầu tư 4 bộ ky mới 120 tấn để nâng hạ lắp ráp đầu máy, khôi phục, sửa chữa lại và đầu tư mới các hầm kiểm tra kỹ thuật của đầu máy; cẩu nâng 32 tấn… Đồng thời, nghiên cứu lắp đặt thêm một số máy chuyên dụng phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy toa xe như: Máy gia công 5 mặt, máy nâng 2 trục, máy phay vạn năng…
Đòi hỏi cấp thiết lúc này của đường sắt Việt Nam phải có đủ năng lực sức kéo phục vụ nhu cầu của hành khách ngày càng cao. Dự kiến từ nay đến năm 2020, đường sắt Việt Nam sẽ thanh lý dần những đầu máy đã hết thời gian được phép sử dụng như D4H, D5H, D9E và thay vào đó là những đầu máy hiện đại có công suất lớn tương đương với đầu máy “D19E Đổi Mới” sẽ được lắp ráp chế tạo tại các cơ sở công nghiệp đầu máy toa xe trong nước.
Với sự chuẩn bị tốt nguồn lực về con người và máy móc thiết bị của Công ty CP Xe lửa Dĩ An cho thấy công ty có thể thực hiện được việc chế tạo lắp ráp đóng mới đầu máy D19E Đổi Mới nếu được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tổng công ty đường sắt Việt Nam và của các đơn vị, các bộ ngành liên quan để công ty thực hiện Đề án lắp ráp đầu máy D19E trong nước trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận