Quản lý

Nỗi niềm những người thợ Công ty CP Xe lửa Dĩ An

21/03/2019, 08:05

Tính đến nay, Công ty CP Xe lửa Dĩ An là một trong hai đơn vị công nghiệp cơ khí của ngành Đường sắt còn tồn tại...

img
Công nhân Công ty CP Xe lửa Dĩ An miệt mài làm việc để kịp tiến độ các hợp đồng bàn giao sản phẩm

Để trụ được và xây dựng, phát triển, có nhiều đóng góp cho ngành là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo công ty, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể CBCNV Công ty CP Xe lửa Dĩ An vốn phải trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm.

Những ngày tháng 3, tiếng búa nện đe, gõ thùng, tiếng máy mài, máy gia công, chế tạo cơ khí vang vọng rộn ràng trong các xưởng sản xuất của Công ty CP Xe lửa Dĩ An. Những công nhân áo đẫm mồ hôi miệt mài làm việc để kịp tiến độ bàn giao sản phẩm theo các hợp đồng đã ký. Với những công nhân, người lao động ở đơn vị này, sự khó nhọc, bận rộn và được cống hiến là niềm vui, hạnh phúc, bởi có những thời điểm thiếu việc làm, họ phải phó thác gánh nặng kinh tế cho vợ con, bám trụ với nguồn thu nhập thấp để giữ việc, giữ nghề.

Dẫn chúng tôi đi thăm các tổ sản xuất, ông Nguyễn Tấn Nè, Chủ tịch Công đoàn công ty (người có 37 năm thâm niên tại Xe lửa Dĩ An) cho biết: Hiện, công ty có 210 CBCNV, ngoài ra còn khoảng 90 lao động hợp đồng thời vụ. Công ty hiện có 9 tổ sản xuất và 1 xưởng chế tạo giá chuyển hướng công nghệ Nhật Bản. Năm nào đơn vị cũng có những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất được tỉnh Bình Dương, ngành Đường sắt và Bộ GTVT khen thưởng. Hầu hết, CBCNV đều cần cù chịu khó, ham học hỏi, có nhiều sáng kiến, sẵn sàng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công việc.

Tuy nhiên, những cố gắng miệt mài vẫn chưa nhận được kết quả xứng đáng. Một cán bộ công ty cho hay, hiện đường sắt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình vận tải, đặc biệt là hàng không. Muốn cạnh tranh được phải nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ như lãnh đạo ngành đã xác định. Tuy nhiên, do cái khó bó cái khôn, hạ tầng vẫn thấp kém, đường ray khổ hẹp đã lỗi thời, phương tiện tuy đã có sự đầu tư nâng cấp nhưng chưa xứng tầm… kéo theo chất lượng phục vụ chưa được như mong muốn.

Người lao động ở đây dẫu có nhiều sáng kiến, đóng góp nhưng vẫn chịu thiệt thòi từ những hệ lụy đó. Ông Nè chia sẻ, để trở thành một người thợ lành nghề ở Tổ Giá chuyển hướng - phụ tùng, có khi mất tới gần chục năm học tập, phấn đấu. Tuy nhiên, mức thu nhập của những công nhân có tay nghề cao, ngay cả khi họ phải làm ngày, làm đêm để kịp bàn giao những toa xe theo hợp đồng đã ký thì cũng vẫn còn chưa tương xứng so với nhiều ngành nghề khác.

“Đặc thù của Tổ Giá chuyển hướng - phụ tùng là chỉ phục vụ ngành, chuyên chế tạo van hãm, đầu đấm móc nối, giá chuyển, hệ thống hãm… Đối với ngành cơ khí công nghiệp đường sắt thì vô cùng cần, còn khi ra bên ngoài họ sẽ… thất nghiệp. Có những thời điểm (năm 2008 - 2010) công ty ít việc, thu nhập không đảm bảo, một số anh em đã nghỉ việc. Cũng may là khi công ty vực dậy, có nhiều hợp đồng sửa chữa, nâng cấp, chế tạo mới các toa xe, nhiều công nhân đã quay trở lại làm việc, nếu không sẽ thật khó khăn về nguồn nhân lực…”, ông Nè nói.

Anh Đào Xuân Hùng (quê Thái Bình), Tổ trưởng Tổ Giá chuyển hướng - phụ tùng cho biết, sau khi học ra trường, anh có 12 năm thâm niên gắn bó với công việc ở Công ty CP Xe lửa Dĩ An. Để được như ngày hôm nay, anh Hùng phải mất rất nhiều năm nỗ lực học hỏi từ các thế hệ đàn anh đi trước, những đồng nghiệp giỏi, có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm.

“Yêu cầu kỹ thuật của người thợ trong tổ giá chuyển rất cao nên chúng tôi phải không ngừng nỗ lực học hỏi vươn lên. Có những năm, đời sống công nhân gặp khó khăn do thiếu việc làm. Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên giúp đỡ của lãnh đạo công ty nên anh em chúng tôi vượt qua được. Niềm vui của chúng tôi là được đóng góp sức mình để ngày càng có nhiều những chuyến tàu chất lượng cao phục vụ người dân, vận hành êm ái, an toàn trên trục đường sắt Bắc - Nam…”, anh Hùng cho hay…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.