Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVC |
Tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định trong Điều 165 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
"Cố ý làm trái" được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung.
Trong luật này cũng quy định về tội "Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Mà giữa “Cố ý làm trái” và “Thiếu tinh thần trách nhiệm” cũng là một ranh giới mong manh.
Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án PVC có lẽ là minh chứng cho điều này.
Trong khi VKS cáo buộc các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tập đoàn PVN tội “Cố ý làm trái” gây hậu quả nghiêm trọng, các bị cáo cùng luật sư bào chữa lại cho rằng, hành vi của họ chỉ là “Thiếu tinh thần trách nhiệm”.
Vì thế, muốn buộc tội “Cố ý làm trái” trong trường hợp này phải chứng minh được các bị cáo có vụ lợi vì động cơ cá nhân không, làm rõ hành vi làm trái quy định Nhà nước ở đây là làm trái quy định gì. Trong vụ án cụ thể này, tôi lại thấy việc buộc tội của VKS rất “mong manh”.
Vào thời điểm đó, PVN chỉ định thầu là được Chính phủ đồng ý về chủ trương chung, trong giai đoạn chúng ta phải nhờ nhà thầu nước ngoài, việc chỉ định thầu cho đơn vị trong nước đã giúp chúng ta không còn phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài. Thời điểm đó, nhiều người nói làm đầu tư kinh doanh giống như “liều mạng”, thậm chí có người đầu tư bất động sản đã từ tỷ phú thành anh chăn dê. Nhưng với một doanh nghiệp Nhà nước, sử dụng vốn Nhà nước, nếu lỡ có sai lầm sẽ rất dễ vướng vòng lao lý.
Thực tế, khung hình phạt của tội "Cố ý làm trái" và tội "Thiếu tinh thần trách nhiệm" không chênh nhau nhiều, nhưng khi bị cáo buộc vào tội "Cố ý làm trái" lại nặng nề hơn rất nhiều. Trong khi đó, chúng ta đang hướng đến việc cải cách tư pháp, xét xử theo hướng nhân văn hơn và có lợi cho các bị cáo.
Bắt một người, xử một người và đưa họ vào tù thì dễ, nhưng nếu chỉ xét đến tội và mặt xấu của người ta thì sẽ không công bằng. Quan trọng hơn cả là phải chỉ ra khuyết điểm để họ rút kinh nghiệm, bởi một phiên toà không chỉ đưa ra hình phạt mà còn phải nêu được bài học để tránh.
Ghi nhận phiên tòa đã có những đổi mới, nhưng tôi thấy mới chỉ là bước đầu. Tranh tụng giữa VKS và luật sư chưa thuyết phục, chưa theo tinh thần cải cách tư pháp, chưa rõ ràng điểm nào chấp nhận, điểm nào không chấp nhận, vì sao. So với thông lệ quốc tế, chúng ta còn khoảng cách rất xa. Nhìn vào bản án mà VKS đề nghị trong vụ án này, nhiều người chắc hẳn sẽ nghĩ “thế này thì không ai dám làm nữa”.
Đề nghị tại ngoại các bị cáo trong vụ án này cũng là một nguyện vọng chính đáng thể hiện tính nhân đạo, có cơ sở để HĐXX xem xét. Với tinh thần cải cách, tôi vẫn mong rằng, HĐXX có cái nhìn công bằng giữa công và tội, để những người mắc sai lầm có cơ hội sửa chữa và tiến bộ hơn.
Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận