Phái đoàn Trung Quốc tại Cop21 bị chỉ trích. |
Phái đoàn Trung Quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) đang bị chỉ trích nặng nề vì thái độ chần chừ, bất nhất dẫn đến nguy cơ không thể đưa ra thỏa thuận chung toàn cầu dự kiến vào ngày mai (11/12), theo CNBC.
Đại diện đến từ một nước đã phát triển chỉ trích giới chức Trung Quốc cố tình phá hỏng nỗ lực tạo hệ thống chung về kế hoạch hạn chế biến đổi khí hậu, khí thải carbon dioxide (C02). Một đại biểu khác (giấu tên) cũng chỉ trích phái đoàn Trung Quốc chống lại biện pháp mang tính quyết định dẫn tới khó đạt được thỏa thuận cuối cùng. Biện pháp đó là yêu cầu các nước nâng cam kết hạn chế khí thải, mỗi 5 năm/lần từ năm 2020.
Trung Quốc nhìn chung ủng hộ quan điểm xem xét lại cam kết của các nước mỗi 5 năm/lần nhưng không muốn bị ép buộc phải nâng mục tiêu giảm khí thải carbon dioxide.
Trong các cuộc họp trước thềm COP21, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra sức củng cố niềm tin của cộng đồng với những lời thề “chắc như đinh đóng cột” về bảo vệ môi trường và khí hậu. Cuối năm ngoái, ông Tập cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra tuyên bố chung hiếm hoi về kế hoạch chiến đấu hạn chế khí hậu nóng lên và cam kết sẽ mở một hệ thống mua bán khí thải quốc gia vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, khi COP21 diễn ra, thái độ của phái đoàn Trung Quốc lại không đồng nhất với cam kết của người đứng đầu.
Hiện, lượng phát thải của Trung Quốc chiếm 27% toàn cầu. Nước này, đặc biệt là thủ đô Bắc Kinh đang đối mặt hậu quả nặng nề từ ô nhiễm môi trường, khí thải. Ngày 8/12, Bắc Kinh lần đầu tiên nâng mức “báo động đỏ” về tình hình khí thải ngày càng gia tăng tại đây. Chính quyền địa phương phải đóng cửa nhiều trường học và hạn chế xe cộ đi lại để giảm khói bụi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận